Bong da

Anh

5 lý do Tottenham nên lấy Arsenal... làm hình mẫu

Cập nhật: 16/03/2014 18:57 | 0

Arsenal luôn tỏ ra vượt trội hơn Tottenham trong thời gian gần đây và đó lý do Gà trống nên nhìn sang người hàng xóm xem họ đã thành công như thế nào?

5 lý do Tottenham nên lấy Arsenal... làm hình mẫu
5 lý do Tottenham nên lấy Arsenal... làm hình mẫu
 
1. Loại bỏ Giám đốc thể thao
Một bài học có thể rút ra sau 13 năm điều hành Tottenham của chủ tịch Daniel Levy đó là loại cương vị Giám đốc thể thao của CLB. Từ những David Pleat, Frank Arnesen, Damien Comolli và gần đây nhất là Franco Baldini, không một ai trong số đó hoàn thành tốt công việc của mình. Vấn đề ở đây chính là sự thiếu gắn kết giữa các HLV và Giám đốc thể thao của CLB, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Đơn cử như trường hợp Comolli đưa Darren Bent về sân White Hart Lane vào năm 2007, trong khi đội hình lúc đó của HLV Martin Jol đã có đến 3 tiền đạo chất lượng là Jermain Defoe, Dimitar Berbatov và Robbie Keane.

Một ví dụ nữa là vào mùa hè 2013, sau khi thu được một số tiền lớn từ thương vụ Gareth Bale, HLV Andre Villas-Boas yêu cầu mua thêm 3 ngôi sao chất lượng là Hulk, David Villa và Joao Moutinho. Kết quả, Baldini đưa về… 7 cái tên từ khắp nơi trên thế giới như Roberto Soldado, Christian Eriksen, Paulinho, Nacer Chadli, Vlad Chiriches... Tất cả trong số đó đều không hề có kinh nghiệm tại Premier League, thêm vào đó phần lớn các cầu thủ trên là tiền vệ, một vị trí mà Tottenham không hề thiếu người.

HLV Villas-Boas (phải) không có được quyền quyết định trong chuyện mua bán cầu thủ
 
Nhìn sang người hàng xóm Arsenal, HLV Arsene Wenger từng nói: “Tôi sẽ không làm việc với một Giám đốc thể thao bởi vì khi họ mua những cầu thủ không phù hợp, tôi mới chính là người bị lên án vì không dùng họ. Tôi không phản đối việc có người sẽ giúp tôi mua sắm bởi vì tôi không thể làm tất cả các việc đấy một mình. Nhưng tôi nghĩ quyết định cuối cùng luôn phải phụ thuộc vào các HLV vì họ chính là những người chịu trách nhiệm và hiểu rõ lối chơi của đội bóng”.

2. Tìm một thủ lĩnh
Khi Arsene Wenger mang Flamini quay trở lại sân Emirates, chẳng mấy ai chú ý đến anh bởi tất cả sự tập trung đã dồn vào bản hợp đồng kỷ lục của CLB Mesut Oezil. Người ta cho rằng việc đưa Flamini quay trở lại nước Anh là do thói “hà tiện” của ông thầy người Pháp khi chẳng phải mất một xu nào mà lại có thêm một cầu thủ chất lượng. 
 
Vài tháng sau, Flamini dẫn đầu danh sách bầu chọn Cầu thủ hay nhất trong năm với lối chơi dũng mãnh, nhiệt tình và đầy kinh nghiệm. Khi những cầu thủ như Oezil thi đấu mờ nhạt, chính Flamini là người truyền lửa cho các cầu thủ của Arsenal bằng tinh thần chiến đấu luôn sôi sục. Chính anh chứ không phải cầu thủ người Đức mới là thủ lĩnh thực sự của các Pháo thủ, điều mà Tottenham đang thiếu.

Nực cười ở chỗ, Tottenham từng có cơ hội chiêu mộ những mẫu “thủ lĩnh” cho CLB nhưng chính chủ tịch Levy đã từ chối. Năm 2011, Harry Redknapp muốn chiêu mộ bộ đôi Phil Neville và Scott Parker. Mục đích của chiến lược gia người Anh là muốn tiếp thêm tinh thần chiến đấu mạnh mẽ cho phòng thay đồ khá “nữ tính” của Tottenham. Chủ tịch Levy bác bỏ kế hoạch trên và chỉ chiêu mộ một mình Parker vì anh này đoạt giải Cầu thủ hay nhất trong năm do các nhà báo bình chọn vào năm 2011.

Flamini luôn là cầu thủ chơi đầy máu lửa trong đội hình Arsenal

Tình trạng tương tự lại đến với người đang tại nhiệm tại Tottenham lúc này Tim Sherwood. Sau trận thảm bại trước Chelsea, HLV của Gà trống đã nói: “Quá thiếu cá tính, nhiều người trong số các cầu thủ thực sự …quá tốt với người khác. Bạn cần cho những người xung quanh thấy mình gai góc như thế nào và đừng nên trở thành một người quá tốt bụng trong mọi trường hợp. Cần phải có một người vượt hẳn lên phần còn lại”. Trong đội hình hiện tại của Tottenham chỉ có Michael Dawson là đủ phẩm chất để trở thành một thủ lĩnh thực sự. Nhưng vấn đề là trung vệ người Anh hay mắc sai lầm, đặc biệt là trong các trận đấu quan trọng.

3. Không mua quá nhiều cầu thủ
Khi Tottenham bán đi Gareth Bale với cái giá kỷ lục 86 triệu bảng, họ làm tất cả ngạc nhiên khi đem về đồng loạt 7 cầu thủ với số tiền lên tới 107 triệu bảng, bao gồm những cái tên chất lượng như Roberto Soldado, Christian Eriksen, Paulinho, Nacer Chadli, Vlad Chiriches, Etienne Capoue và Erik Lamela. Báo chí Anh đã vội giật tít khi nói về vấn đề này khi cho rằng Tottenham đã “bán đi Elvis để mua về The Beatles”. Nhưng rất tiếc “The Beatles” Gà trống mang về chả khác gì một đám xiếc lộn xộn.

Một điều có thể nhận thấy rõ ràng là Tottenham đang ném tiền qua cửa sổ. Họ để một Erik Lamela trị giá 25,9 triệu bảng phần lớn trên ghế dự bị, bỏ ra 26 triệu bảng để đưa về một Roberto Soldado chỉ để đá... penalty và có thời điểm phải sống nhờ một tài năng “cây nhà lá vườn” là Andros Townsend. Trận thua 0-5 trước Liverpool chính là giọt nước tràn ly khiến Villas-Boas phải khăn gói ra đi. Tim Sherwood lên thay và thành công đến lập tức khi chiến lược gia này tin tưởng một tiền đạo cũ Emmanuel Adebayor. Thực sự với vấn đề chuyển nhượng, Tottenham phải nhìn sang người hàng xóm Arsenal khi họ luôn bỏ ra số tiền xứng đáng khi mua sắm, mặc dù số người gia nhập Emirates luôn rất hạn chế.


4. Xây SVĐ mới
Một vấn đề nữa với những CĐV của Tottenham là sân White Hart Lane quá nhỏ và không đủ chỗ để phục vụ nhu cầu cổ vũ đông đảo của người hâm mộ. Thực ra dự án xây SVĐ mới của CLB đã được bật đèn xanh từ năm 2011, nhưng không một viên gạch nào được dựng lên kể từ thời điểm đó cho tới nay. Không một ai ngoài BLĐ của Gà trống biết được những gì đang diễn ra xung quanh kế hoạch xây dựng SVĐ mới của CLB.

Nhìn sang phía Arsenal, kể từ khi chuyển tới ngôi nhà mới Emirates vào năm 2006, SVĐ có sức chứa 60.000 chỗ ngồi này đã gia tăng lợi nhuận tiền vé của Pháo thủ từ 37,4 triệu lên thành 90 triệu bảng/năm. Arsenal cũng chuyển đổi SVĐ cũ thành một dự án bất động sản, mang về một khoản lợi nhuận lên tới 157 triệu bảng vào năm 2011. UEFA đã khuyến khích các CLB khác nên làm theo hình mẫu từ sự phát triển của Arsenal. Nếu dự án xây SVĐ mới có sức chứa 56.000 chỗ ngồi, tiêu tốn khoảng 400 triệu bảng không được hoàn tất trong tương lai, Tottenham rất khó để lôi kéo các ngôi sao gia nhập và phát triển các kế hoạch khác của đội bóng.


5.Gắn bó lâu dài với một HLV
Một vấn đề tồn tại với chủ tịch Daniel Levy nói riêng và CLB Tottenham nói chung là Gà trống thay quá nhiều HLV trong suốt 13 năm qua. Con số chính xác lên đến 10 người, trong đó có những cái tên rất nổi tiếng. Nhưng những người thành công nhất với CLB thường không mấy khi trụ lại được quá lâu. Sau khi lên thay Jacques Santini vào năm 2004, Martin Jol đã dẫn dắt Gà trống tham dự vòng loại Champions League, nhưng rốt cục chiến lược gia người Hà Lan cũng chỉ tại vị được 3 năm. Harry Redknapp thành công hơn người tiền nhiệm khi dẫn dắt Tottenham vào đến tận tứ kết Champions League, nhưng vẫn phải ra đi nhường chỗ cho Villas-Boas sau 4 năm làm việc.

Về phần Arsene Wenger, kể từ khi đến Arsenal vào năm 1996, Giáo sư đã giành được 3 Premier League, 4 FA Cup và 4 Community Shield, ngoài ra còn là một lần vào được đến trận chung kết Champions League, so với 2 League Cup mà Tottenham giành được trong cùng khoảng thời gian đấy. Sự tin tưởng là thứ mà BLĐ và các Gooners luôn dành cho HLV Wenger và họ đã được đền đáp xứng đáng.
 

 

(báo bóng đá)