Người Đức “đếm tiền mỏi tay”
Với khoảng 4,5 tỷ USD thu được từ bản quyền truyền hình, tài trợ và các hợp đồng thương mại khác, FIFA đã quyết định chi 576 triệu USD làm quỹ giải thưởng, trong đó có 454 triệu USD chia thưởng cho 32 đội dự giải và 70 triệu USD cho các câu lạc bộ (CLB) có cầu thủ thi đấu tại World Cup 2014 và các giải phụ.
Khi các CLB tỏ ra “lăn tăn” về việc phân chia tiền thưởng, FIFA đã quyết định sẽ phân phối theo tỷ lệ 2.800 USD/cầu thủ/ngày tham dự World Cup. Số tiền thưởng sẽ được chia cho cả CLB hiện tại của cầu thủ cũng như bất cứ đội nào mà họ khoác áo khi thi đấu trong 2 năm vòng loại trước đó.
Chiến thắng 1-0 trước Argentina trong trận chung kết World Cup 2014 không chỉ mang về vinh quang cho đội tuyển Đức. Ngôi quán quân dành cho “cỗ xe tăng” cũng đồng nghĩa với việc họ là “nhà vô địch” về các khoản thưởng tại giải đấu này.
Cụ thể, đội Đức sẽ được FIFA thưởng số tiền khoảng 35 triệu USD, cao nhất giải (cao hơn 5 triệu USD so với khoản thưởng mà Tây Ban Nha nhận được khi đăng quang tại World Cup 2010). Bên cạnh đó, mỗi cầu thủ Đức còn được Liên đoàn Bóng đá Đức thưởng 408.000 USD theo đúng mức treo thưởng từ khi giải đấu chưa khai mạc.
Chia tiền thưởng World Cup 2014: Đức trúng đậm, Brazil thất thu
Brazil đối mặt khủng hoảng
Thi đấu không thành công khi về đích ở hạng tư, đội tuyển Brazil chỉ nhận được số tiền thưởng 18 triệu USD. Nhưng đấy chưa phải là bi kịch lớn nhất. Điều mà người Brazil lo lắng nhất bây giờ chính là nguy cơ lỗ nặng khi đầu tư rất nhiều tiền tổ chức World Cup 2014 nhưng sẽ thu về rất ít. Theo các nghiên cứu của tạp chí Business Insider (Mỹ), Brazil đã chi tổng cộng 14 tỷ USD cho công tác chuẩn bị và tổ chức World Cup 2014 (Nam Phi chi 6 tỷ USD để đăng cai World Cup 2010).
Chi mạnh, nhưng theo ước tính, trong tháng World Cup, Brazil đón hàng triệu lượt khách, thu về khoảng 3,7 tỷ USD từ các ngành dịch vụ. Ngoài số tiền này, Brazil chỉ còn được FIFA hỗ trợ thêm một khoản không đáng kể.
Nói cách khác, Brazil sẽ thất thu và phải hứng chịu cơn bão chỉ trích từ nhiều phía. Cần nhớ, trước và trong thời gian diễn ra World Cup, không ít người dân Brazil đã tiến hành nhiều cuộc biểu tình phản đối việc World Cup được đầu tư quá nhiều, còn giáo dục, y tế - những lĩnh vực cần được quan tâm thì lại bị bỏ qua.
Vào thời điểm này, Brazil đang chìm trong khó khăn khi tỷ lệ tăng trưởng giảm tới 2% và tỷ lệ lạm phát tăng 6,5% kể từ năm 2011. Kinh tế Brazil sẽ đứng trước thách thức cực lớn trong thời “hậu World Cup 2014”.
Thực tế, việc các quốc gia chủ nhà World Cup bị lỗ không phải chuyện hiếm. Chính phủ Brazil quá biết điều này nhưng họ đã đặt cược vào việc đội tuyển quốc gia thi đấu thành công để tạo động lực giúp nền kinh tế phục hồi. Tiếc thay, điều đó đã không xảy ra và Brazil đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng.