Bong da

World Cup

Argentina: Tiếc nuối nhưng cũng đáng tự hào

Cập nhật: 15/07/2014 00:15 | 0

Lịch sử đã lặp lại, nhưng không theo cái cách của Mexico 1986 mà lại là Italia 1990. Một lần nữa, người Argentina và cá nhân Lionel Messi lỡ hẹn với chức vô địch World Cup.

Argentina: Tiếc nuối nhưng cũng đáng tự hào
Argentina: Tiếc nuối nhưng cũng đáng tự hào
* Nhật ký World Cup ngày 14/7
* Cập nhật danh sách chuyển nhượng mùa Hè 2014

VIDEO: Đức 0-0 (Hiệp phụ: 1-0) Argentina
 
Trận chung kết chỉ có 1 bàn thắng thuộc về người Đức, ngôi sao sáng nhất bên phía Argentina chơi mờ nhạt, và thậm chí, đến cả màu áo của hai đối thủ cũng giống đến kỳ lạ với năm 1990. Lịch sử đã lặp lại sau 24 năm, Đức lại là những nhà vô địch, không có kịch bản của Mexico 1986 cho Argentina, không có hình ảnh Diego Maradona trong những pha đi bóng của Messi.
 
Thông thường, trong mỗi thất bại, người ta sẽ viện ra những lý do để đổ lỗi, để bào chữa. Nhưng lối chơi của Argentina thực sự khó có thể chỉ trích. Alejandro Sabella đã xây dựng một tuyến phòng ngự chặt chẽ, một hàng công biết cách tạo cơ hội và biết bùng nổ. Có chăng, điều duy nhất họ thiếu là cái duyên ghi bàn, là sự sắc sảo và nhạy bén, đặc biệt của Gonzalo Higuain.
 
Sự vô duyên đến cùng cực của tiền đạo Napoli thể hiện trong 3 cơ hội rõ rệt nhất: cú sút đưa bóng đi cắt mặt khung thành Manuel Neuer ngay từ phút thứ 4, cú dứt điểm không trúng tâm bóng trong thế mặt đối mặt thủ thành Bayern Munich sau đường “kiến tạo” của Toni Kroos, và thậm chí, ngay cả khi đã đưa được bóng vào lưới, Higuain vẫn phải ôm đầu nuối tiếc vì trước đó đã mắc lỗi việt vị.
 
 
Ngay cả ngôi sao số một trong đội hình Argentina, Messi, cũng đã có cơ hội và cũng đã bỏ lỡ. Nhìn pha sút bóng chệch cột dọc ở đầu hiệp hai, chẳng ai còn nhận ra cầu thủ từng 4 lần liên tiếp giành danh hiệu “Quả bóng vàng”. Chưa bao giờ anh ở gần chiếc cúp vàng đến như thế, và do đó sức ép cũng khủng khiếp hơn bao giờ hết. Có lẽ chính sức ép ấy đã khiến đôi chân Messi phần nào bị “khớp”, thể hiện rõ nhất ở cú đá phạt phút 120+2, đưa bóng bay… thẳng lên trời.
 
Người Argentina đã khóc rất nhiều. Họ khóc bởi giấc mơ chờ đợi mòn mỏi gần 30 năm đã tan vỡ vào phút chót, sau một trận đấu mà có những lúc họ chơi còn vượt trội thầy trò Joachim Loew. Hàng tấn công của La Albiceleste là tập hợp những cá nhân xuất chúng khiến không chỉ “hàng xóm” Brazil mà hầu hết các đội tuyển mạnh của thế giới phải ghen tị.
 
Có điều, những ngôi sao sáng nhất trên hàng công của Sabella thời điểm này đều đang bước vào độ chín. Cả Messi, Angel Di Maria, Higuain, Sergio Aguero đều sẽ đạt ngưỡng “băm” sau 4 năm nữa. Với họ, nếu bây giờ không đoạt chức vô địch World Cup, sẽ có thể là không bao giờ nữa.
 
Điều đó đúng và thấm thía hơn hết với cá nhân Messi. Anh đã có mọi thứ, đã được công nhận tuyệt đối ở cấp độ CLB. Chỉ cần một chức vô địch thế giới nữa thôi, Messi sẽ đuổi kịp, thậm chí là làm lu mờ huyền thoại Diego Maradona. Nhưng thất bại trước ĐT Đức đã khép lại cơ hội có thể xem là cuối cùng cho Messi làm điều đó. Trên đất Nga 2018, anh đã 31 tuổi, đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp.
 
 
Dù sao, nói đi cũng phải nói lại, ngôi vị á quân chẳng thể coi là thất bại với người Argentina nói chung, thậm chí còn là thành công với Sabella nói riêng. Là một HLV không được đánh giá quá cao về chuyên môn, lại sở hữu một lực lượng bị xem là thiếu cân bằng trầm trọng (công mạnh nhưng thủ yếu), việc đội bóng này giữ sạch lưới tới 4 trên 7 trận của World Cup 2014 không thể bị xem nhẹ.
 
Trong một giải đấu mà đội chủ nhà Brazil, đồng thời là kình địch, là “hàng xóm” đáng ghét đã thất bại thảm hại, từ lối chơi khô cứng và thô bạo, cho tới kết quả, gồm những trận thua nhục nhã 1-7 trước ĐT Đức và 0-3 trước Hà Lan, thì màn trình diễn của Argentina ấn tượng hơn nhiều, có nét hơn nhiều. Họ chỉ cách chức vô địch một vài cm khung thành, một cái phất cờ của trợ lý trọng tài mà thôi.
 
Ngay sau trận thua ĐT Đức, HLV Sabella đã nộp đơn từ chức. Sự ra đi của ông đòi hỏi LĐBĐ Argentina phải tìm kiếm một vị “thuyền trưởng” mới để tiến hành cải tổ, hướng tới VCK World Cup tiếp theo. Những điểm sáng La Albiceleste để lại tại Brazil có thể xem như phút huy hoàng cuối của thế hệ cũ, và kể từ đây, người ta chờ đợi một thế hệ mới đủ khả năng tái lập thành tích vĩ đại của các năm 1978 và 1986. Tiếc thay, thế hệ ấy có lẽ sẽ chẳng còn Messi…


(báo bóng đá)