Sân Olympic tại Berlin: Háo hức cho lần đầu
* BongdaPlus sẽ tường thuật trận đấu này từ 00h45 ngày 7/6
* Barcelona: Hành trình tới trận chung kết Champions League
* Juventus: Hành trình tới trận chung kết Champions League
Sân Olympic là một trong những địa điểm phải đến nếu bạn đặt chân tới Berlin. Kiến trúc sư địa phương Werner March được trao nhiệm vụ thiết kế sân vận động này khi Berlin đăng cai Olympic 1936. Kết quả là một sân vận động hình tròn với mái vòm theo kiểu những sân đấu của Hy Lạp cổ đại ra đời.
Sân Olympic được bảo tồn như một công trình kỷ niệm kể từ năm 1966, đến trước thềm World Cup 1974 thì sân được hiện đại hóa lần đầu tiên để đưa vào tái sử dụng. Rồi đến cuối thể kỷ 20, khi cuộc vận động đăng cai Olympic 2000 thất bại, người Đức vẫn quyết định sẽ đại tu sân một lần nữa với tổng chi phí 242 triệu euro.
XÚC CẢM MÃNH LIỆT
Sân Olympic là một tác phẩm kiến trúc vĩ đại. Qua những lần tu bổ, phần hàng rào được hạ xuống thấp hơn để các CĐV có cảm giác được ở gần trận đấu hơn, đồng thời tạo ra một bầu không khí rất kích động. Sức chứa hiện tại của Olympic là 74.475 người, biến đấy trở thành sân có sức chứa lớn thứ nhì nước Đức, chỉ sau sân Signal Iduna Park ở Dortmund.
Khi Olympic tái mở cửa vào mùa Hè 2004, người ta nhìn thấy một quang cảnh tráng lệ. Một trong những điểm nhấn của của sân sau khi tu bổ là mái vòm có diện tích 42.000 m2. Khối hình tròn ấy chỉ bị gián đoạn ở phía Tây bởi nơi đó đã có 2 tháp chuông Marathontor và Glockenturm, vẫn được giữ lại vì lý do lịch sử.
“Sân Olympic là một công trình kiến trúc siêu hiện đại và đa chức năng, có thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các môn thể thao và giải trí”, Otto Schily, khi ấy là Bộ trưởng Nội vụ Đức phát biểu. UEFA ngay lập tức công nhận chuẩn 5 sao cho Olympic và đưa nó vào danh sách những sân vận động đủ tiêu chuẩn đăng cai trận chung kết Champions League.
SÂN NHÀ CHO “LÃO PHU NHÂN”
Phải đến khi giải vô địch Đức chính thức chuyển sang chuyên nghiệp vào năm 1962, sân Olympic mới chính thức trở thành sân nhà của CLB Hertha Berlin. Năm 1969, 88.075 khán gán giả kỷ lục của Bundesliga đã đến sân chứng kiến “Alte Dame” (Lão phu nhân, biệt danh của Berlin cũng giống như biệt danh của Juventus) đấu với FC Cologne và đấy vẫn là kỷ lục của Bundesliga cho đến ngày nay (cho dù trước đó sân này từng chứa đến 100.000 người trong những năm 1930).
Trong khi Hertha giành được những thành công liên tiếp tại Bundesliga trong thập niên 1970 và vào đến bán kết Cúp UEFA vào năm 1979, họ lại sa sút và rớt xuống tận giải hạng Ba trong thập kỷ liền kề. Trong khoảng thời gian từ 1986-1989, Hertha không còn dùng sân Olympic nữa.
Phải đến cuối thập niên 1990, Hertha mới khôi phục. Trong mùa bóng thứ 2 trở lại Bundesliga, Hertha đã giành được một suất dự Champions League. Trận thắng Anorthosis ở vòng sơ loại vào tháng 8/1999 cũng là trận đầu tiên của Hertha tại các Cúp châu Âu trong hơn 20 năm.
Năm ấy, Hertha vào đến vòng đấu bảng thứ 2 và tiếp tục chơi ổn định tại Bundesliga. Tuy nhiên ước mơ được vô địch Cúp Quốc gia Đức ngay trên sân nhà Olympic - nơi đăng cai tất cả các trận chung kết từ 1985 cho đến thời điểm ấy - đã bất thành. Niềm an ủi duy nhất là đội dự bị của Hertha đã vào đến trận chung kết vào năm 1993 tại giải đấu dành cho những đội hình 2. Nhưng trận ấy họ thua Leverkusen 0-1.
Sân Olympic cũng tổ chức vài trận đấu tranh Cúp ở cấp độ châu Âu. Năm 1986, đây là nơi tổ chức trận chung kết lượt về Cúp UEFA giữa Real Madrid và Cologne. Đội bóng Đức thắng 2-0, nhưng vẫn không thể vô địch vì đã trót thua lượt đi đến 1-5. Một trận đấu không thể quên khác là chung kết World Cup 2006, nơi 69.000 khán giả tại sân và hàng triệu người trên thế giới theo dõi Italia đăng quang chức vô địch thế giới thứ 4 trong lịch sử.
Trong 80 năm, sân Olympic đã giành được nhiều giải thưởng về thiết kế và chứng kiến nhiều khoảnh khắc đáng nhớ. Bây giờ, vào ngày 7/6, ở mặt sân mà VĐV nước rút người Mỹ Jesse Owens đã đi vào lịch sử Olympic 1936 khi giành đến 4 HCV, sẽ lần đầu tiên đăng cai một trận chung kết Champions League!