Bong da

Cúp Châu Âu

Người Anh và nỗi ám ảnh trọng tài: Lời nguyền từ những tiếng còi

Cập nhật: 08/03/2013 15:51 | 0

Vụ “Bàn tay của Chúa” năm 1986; “tiếng còi ma” của Ovrebo, Cakir, Larrionda; những chiếc thẻ oan nghiệt, những quyết định hà khắc… Suốt gần nửa thế kỷ qua, bóng đá Anh dường như phải chịu một lời nguyền ghê sợ từ những tiếng còi núp bóng công lý.

Người Anh và nỗi ám ảnh trọng tài: Lời nguyền từ những tiếng còi
Người Anh và nỗi ám ảnh trọng tài: Lời nguyền từ những tiếng còi

1. Tháng 7/2009 xảy ra một vụ bắt bớ gây chấn động nước Mỹ. Giáo sư nổi tiếng của trường Đại học Harvard, ông Henry Louis Gates đang cố gắng mở cánh cửa bị kẹt của chính căn hộ ông đang sống, thì bị viên cảnh sát James Crowley còng tay đưa về đồn.

Được biết trước đó, Crowley có nhận lệnh qua tổng đài 911 đi điều tra một vụ đột nhập và ngay khi nhìn thấy Louis Gates - một người đàn ông da màu - đang loay hoay với cánh cửa đóng chặt, ý thức bản năng của Crowley tự quy kết Gates là trộm. Vụ việc này lọt tới tận tai của Tổng thống Barack Obama, và ngay trong bình luận đầu tiên của mình, ông đã chỉ trích hành động của viên cảnh sát da trắng là “ngu xuẩn”.

Dư luận Mỹ nổi sóng. Cuộc thăm dò trên phạm vi toàn nước Mỹ cho kết quả: 41% người Mỹ không bằng lòng với lời chỉ trích của Obama. Bản thân vị Tổng thống da màu này sau khi bình tĩnh lại, cũng thừa nhận sai lầm và mời cả Giáo sư Gates lẫn viên cảnh sát Crowley đến Nhà Trắng uống bia.

2. Chiếc thẻ đỏ quá nặng tay mà trọng tài Cakir tặng cho Nani rạng sáng 6/3 vừa qua vẫn đang khiến dư luận Anh nổi bão. Một nghi vấn khủng khiếp được đặt ra: Cakir thực tế chỉ là kẻ thực thi âm mưu lật đổ bóng đá Anh của UEFA.

Giật mình nhớ lại, trong rất nhiều năm qua, đã không ít lần báo giới Anh phải ra mặt đòi lại công lý cho các cầu thủ, CLB bị tiếng còi méo của trọng tài “ám toán”. Điển hình là các vụ “Bàn tay của Chúa” tại World Cup 1986; Quyết định khó hiểu của Jorge Larrionda khi không công nhận bàn thắng mười mươi của Lampard tại World Cup 2010; Những cái lắc đầu như ma ám của Tom Ovrebo loại Chelsea khỏi Champions League 2008/09; Chiếc thẻ đỏ phi lý của Nani tại Champions League mùa này…


Chelsea từng phải "khóc ròng" với trọng tài Tom Ovrebo

Vẫn chưa hết! Một khi đã quyết “bới bèo ra bọ”, báo chí Anh tiếc gì mà không lôi thêm một ví dụ điển hình khác: Tại Champions League mùa này, Man City cũng bị trọng tài nuốt chửng một bàn thắng hợp lệ. Phút 88 trận Man City gặp Ajax, Dzeko khôn khéo che bóng để Kolarov băng xuống, lật vào cho Aguero đệm bóng tung lưới đối thủ Hà Lan. Tiếng còi lạnh lùng vang lên trong những ánh mắt ngơ ngác của Man xanh. “Việt vị”, quyết định được đưa ra, dù rằng tất cả các góc máy quay đều chứng minh, Kolarov hoàn toàn không việt vị.

3. Có quá nhiều “án điểm” dẫn NHM bóng đá xứ sở Sương mù đến nghi vấn: Bóng đá Anh đang phải chịu lời nguyền từ những tiếng còi oan nghiệt. Một câu hỏi được đặt ra: Vì nguyên cớ gì mà FIFA và UEFA lại thù người Anh đến thế?

Ngược dòng thời gian về ngày 30/7/1966, ĐT Anh hạ gục ĐT Đức 3-2 trong trận chung kết World Cup, lần đầu tiên trong lịch sử nâng cao Cúp Vàng thế giới. Vấn đề: Một trong những bàn thắng quyết định chức Vô địch cho Tam sư lại đến từ sai sót của trọng tài Dienst. Ông này tự tưởng tượng ra cú sút cận thành của Geoff Hurst đã đưa trái bóng vào lưới. Thực tế thì không!

Nước Anh tỏ ra quá ngạo mạn với chức vô địch World Cup 1966 và họ phần nào đó khiến FIFA ngứa mắt. Đó là một cách suy luận không hẳn là vô lý.

Nhưng theo giới chuyên môn, nguyên nhân sâu xa nằm trong quá trình LĐBĐ Anh tự gây thù chuốc oán với UEFA và FIFA. Trong một vài năm gần đây, mà đặc biệt là sau vụ nước Anh bị FIFA tước mất cơ hội đăng cai VCK World Cup 2018 khá tức tưởi, truyền thông Anh liên tục phát đi những cuộc tấn công, bóc mẽ thói hư tật xấu của khá nhiều quan chức trong FIFA.

Thậm chí vào tháng 11 năm ngoái, Trưởng ban tổ chức Olympic London, ông Sebastian Coe còn xuất bản hẳn một cuốn tự truyện bôi nhọ Chủ tịch FIFA Sepp Blatter. Về phía UEFA, tuy mâu thuẫn giữa Cơ quan quyền lực cao nhất châu Âu và bóng đá Anh không bị phanh phui rõ ràng, nhưng có rất nhiều ý kiến cho rằng, UEFA muốn diệt bóng đá Anh để lăng xê La Liga - giải đấu mà theo Platini, mới thực sự là thiên đường của bóng đá.

Bóng đá Anh trong mắt Platini là một sàn giao dịch, nơi người ta kiếm tiền chứ không phải đá bóng. Điều đó đi ngược với một số học thuyết về công bằng tài chính của cựu danh thủ Pháp, và vì không thể can thiệp vào nội bộ Premier League, UEFA tìm cách phá các CLB Anh tại đấu trường châu lục - nơi việc họ bị loại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu và sự thịnh vượng của các CLB.

Bản chất câu chuyện rất giống với việc Obama bênh ông Giáo sư da màu theo bản năng và chỉ trích viên cảnh sát da trắng.

Siêu cò Raiola ví FIFA và UEFA là mafia
Tay cò nổi tiếng Mino Raiola trên tờ Expressen cuối năm ngoái từng có những chỉ trích nặng nề dành cho hai cơ quan điều hành bóng đá lớn nhất thế giới. “FIFA và UEFA không bao giờ làm việc gì minh bạch cả. Sepp Blatter là một nhà độc tài, còn Michael Platini là một tên mafia chính hiệu. Họ sẵn sàng dùng thủ đoạn đối phó với những kẻ chống đối”, Raiola nói.


Nguồn bongdaplus.vn