Mọi sản phẩm ra đời đều mang ý nghĩa của riêng nó. Vấn đề nằm ở giá trị sử dụng đến đâu. Khi những lò vi sóng, TV, bóng đèn điện, điện thoại… ra đời, chúng đã tạo ra một cuộc cách mạng công nghệ vĩ đại. Dù chỉ là những đồ vật đơn sơ, xấu xí, thậm chí là thô kệch, nhưng nó mang ý nghĩa tột đỉnh làm thay đổi văn minh nhân loại. Và đến khi thế giới tự biến mình thành một xã hội xa xỉ, những phát minh vĩ đại, xấu xí ngày xưa bỗng nhiên mang một giá trị khác: giá trị vật chất đơn thuần.
Cách đây không lâu, tạp chí Forbes đã nghiên cứu và đưa ra 10 sản phẩm đắt giá nhất thế giới. Trong đó có những thứ rất… ngớ ngẩn: Một hộp chocolate có giá 1,5 triệu USD; một chiếc điện thoại chỉ có thể nghe, gọi và nhắn tin được định giá đến 1,3 triệu USD; chiếc ví nhỏ bằng bàn tay cũng có giá 1,7 triệu USD; chai rượu Tequila Ley.925 có giá tới 3,5 triệu USD; hay một chiếc TV Yalos màn hình LCD 40 inches với mức giá gần 200.000 USD…
Tất cả những sản phẩm trên đều chẳng có gì đặc biệt, không có bất cứ điểm gì vượt trội về tính năng so với các sản phẩm cùng loại thông thường. Nhưng khác biệt nằm ở chỗ: chúng đều được gắn kim cương, nạm vàng, hay đá quý!
Khi Cúp C1 ra đời, nó đã tạo ra bước đột phá cho nền bóng đá châu Âu. Rồi kể từ khi Champions League được lịch sử giao phó trách nhiệm thế chỗ Cúp C1, bóng đá châu Âu lại tiến một bước dài trong cuộc cách mạng làm thay đổi hình hài chính mình. Cũng chỉ là những trận đấu bình thường, nhưng ý nghĩa của mọi trận chung kết đều giống như một lời khẳng định của cả một nền bóng đá. Khi Champions League trở thành đấu trường của vinh quang, danh vọng và tiền bạc, ai cũng muốn hướng đến bằng khát khao thống trị. Vẫn những trận đấu đó, nhưng chung kết Champions League đã trở thành thứ xa xỉ, như một sản phẩm thông thường được gắn lên những viên kim cương, đá quý…
Thử hỏi, nếu không khoác trên mình “trận chung kết”, những cuộc đối đầu Bayern-Chelsea, Monaco-Porto, Milan-Liverpool, Barca-Arsenal… liệu có giá trị cả tỷ USD? Để chuẩn bị cho cuộc so tài giữa M.U và Chelsea năm 2008, BTC sân Luzhniki (Moscow) mang về 10.000 bông hồng, bỏ khoảng 2 triệu euro để trang trí, quảng bá khắp thành phố, cùng khoảng 42 triệu euro chi phí chuẩn bị phục vụ trận đấu, đăng cai tổ chức… Chi phí quảng cáo truyền hình trực tiếp trận chung kết trên khắp châu Âu đạt mức kỷ lục, trung bình mỗi 30 giây có giá 160.000 euro. Đó là chưa kể bản quyền trận đấu, hàng loạt các dịch vụ ăn theo khác.
Tạp chí Forbes cũng tính toán rằng, trong vòng 10 năm trở lại đây, để tổ chức được một trận chung kết có thời gian tối đa cũng chỉ hơn 120 phút, chi phí của thành phố đăng cai phải bỏ ra, dù tiết kiệm, cũng không dưới 35 triệu euro. Thế nhưng, lợi nhuận thu về sẽ gấp ít nhất 2 lần số tiền bỏ ra. Đó là chưa tính giá trị quảng bá hình ảnh, tác động xã hội của trận chung kết. Có lẽ, chung kết Champions League còn đắt giá hơn cả những trận đấu cuối cùng ở World Cup hay EURO.
Thời của những phát minh xấu xí, thô kệch làm thay đổi thế giới đã qua. Dưới sự phát triển của thời đại, những sản phẩm dù có hữu ích đến đâu cũng phải mang cái mã đẹp. Sẽ chẳng nhà sản xuất nào đưa ra chiếc TV màn hình LED 100 inches mà làm bằng chất liệu tiết kiệm chi phí tối đa cả. Apple sẽ không bao giờ giới thiệu cái điện thoại iPhone chỉ biết nghe gọi với mẫu mã như cục gạch. Cũng chẳng có chai rượu hảo hạng nào bán nổi nếu hình dạng như chai quốc lủi…
Dù vậy, vẫn không ai có thể phủ nhận rằng, chính những viên kim cương, những miếng vàng hay ngọc lại tạo ra giá trị hoàn mỹ cho mọi sản phẩm. Có sự xa xỉ, sang trọng và tráng lệ ở những trận chung kết, Champions League mới hào nhoáng, mới tương xứng với giá trị của nó…
Bongdaplus.vn