Bong da

Cúp Châu Âu

Man City: Chết vào một ngày khác

Cập nhật: 27/11/2014 10:00 | 0

Trong “Die another day”, siêu điệp viên James Bond vượt rừng đao núi lửa mà vẫn không chết, đơn giản vì như lời Pierce Brosnan (người thủ vai 007) giải thích thì “nếu James Bond không chết vào một ngày khác, thì tôi… húp cháo à? Khán giả cũng cần xem 007 ở những tập tiếp theo nữa chứ!”.

Man City: Chết vào một ngày khác
Man City: Chết vào một ngày khác
Phim ảnh tất nhiên khác đời thường và bóng đá. Man City vừa khẳng định sẽ “chết vào một ngày khác” nhờ biến chuyển không thể ngờ ở những phút cuối trận gặp Bayern. Từ thế “chết” đến 99,99%, Man City ngược dòng thắng Bayern 3-2 nhờ 2 bàn thắng siêu muộn của Aguero, gợi nhớ đến cú ngược dòng cũng với tỷ số 3-2 cũng với kịch bản tương tự trước QPR ở vòng chót Premier League 2011/12. 

Nhờ chiến thắng ấy, Man City lần đầu tiên bước lên bục vinh quang cao nhất của giải Ngoại hạng Anh. Từ đó, họ bắt đầu được “quyền ăn nói” trên bình diện bóng đá Anh.

Thắng lợi trước Bayern tại Champions League vừa qua tuy không phải là cánh cửa chạm tới vinh quang châu lục, nhưng cũng là thắng lợi hết sức quan trọng có thể tạo nên bước ngoặt cho Man City ở mùa giải này.

Khi bạn không chết, nghĩa là hy vọng vẫn còn, và rất nhiều điều tốt đẹp tiếp theo rất có thể sẽ xảy ra. Đó chính là cái gọi là “quyền của sự sống” mà giáo sư Robert Langdon trong serie truyện ăn khách của Dan Brown (gồm các cuốn Mật Mã Da Vinci, Thiên Thần và ác quỷ, Biểu tượng thất truyền…) luôn nhắc nhở và động viên chính mình trước mỗi khó khăn. Langdon không bao giờ từ bỏ hy vọng, cũng như James Bond luôn tin rằng hôm nay mình sẽ không chết.

Ai cũng có lúc chết. Vòng xoay của tạo hóa không có khái niệm bất tử, đó là chưa kể quy luật có thịnh ắt có suy, có may tất có rủi. Khó có thể cho rằng Man City “ăn may” trước Bayern, mà hãy cho rằng các đội bóng Đức đã không biết cách bảo toàn chiến thắng, như chính… Man City ở trận hòa CSKA Moscow 2-2 ở lượt đấu trước. 


Khi đó, chẳng ai cho rằng Man City kém may mà chỉ trích đội bóng của Manuel Pellegrini kém cỏi. Sự khác biệt giữa Man City và Bayern là một đội được cảm thông khi thất bại vì đội bóng ấy đã quá thành công, còn Man City luôn bị nghi ngờ bản lĩnh và năng lực bởi CLB này vẫn chưa “có số má” tại đấu trường Champions League.

Vạn sự khởi đầu nan. Không có ai vươn lên đỉnh cao mà không trải qua giờ phút khó khăn. Điều quan trọng nhất, như lời tay vợt Roger Federer, chỉ là khi bạn có cơ hội sống thì đừng tự giẫy chết trong tức tối.

Nhân vô thập toàn. Trước khi trở thành siêu sao của siêu sao trong làng tennis, Federer cũng đập vợt, cũng nóng nảy, cũng chửi thề như Marat Safin. Sự khác biệt là khi cả hai cùng vươn lên đỉnh cao, Federer tỏ ra trầm tĩnh hơn hẳn Safin. Man City nếu muốn vươn tới đỉnh cao châu Âu cũng cần học hỏi Federer, cả ở khía cạnh tâm lý cũng như chuyên môn. 

Ngay từ khi còn phải xếp dưới Lleyton Hewitt, Safin hay Andy Roddick trong nhóm các tay vợt nam hay nhất thế giới, Federer luôn tự nhủ: ta xuất phát chậm nhưng vẫn có thể cán đích trước tiên, chỉ cần không bao giờ bỏ cuộc và dù có thất bại một triệu lần cũng sẽ bước vào một ngày mới với tư thế của một người mới cùng với khát vọng mới không bao giờ suy suyển.

Man City, sau nhiều lần vấp ngã ở Champions League, đã tự cứu mình trước ranh giới thất bại sau chiến thắng “như phim Hitchcock” trước Bayern. Đại nạn bất tử ắt có hậu phước, các fan Man xanh có quyền hy vọng vào một cuộc trường chinh ngoạn mục của đội nhà, như cách Chelsea của Roberto Di Matteo chinh phục chức vô địch Champions League 2011/12. 


(báo bóng đá)