Bong da

tin-cup-chau-au

Lăng kính: Xúc cảm một thế hệ

Cập nhật: 19/05/2012 11:15 | 0

Không chỉ Bayern đang phải trải qua nỗi ám ảnh thời gian. Chelsea cũng chuẩn bị đương đầu với nó. Không thắng ở Allianz Arena đêm nay, cả một thế hệ Vàng có nguy cơ bị... lãng phí



“Không có Thế hệ vàng nào, nếu không có danh hiệu”, Philipp Lahm trả lời những ý kiến cho rằng anh là đại diện cho một Thế hệ vàng của bóng đá Đức. Một thế hệ gồm Lahm, Schweinsteiger, Podolski mới được bổ sung Neuer, Mueller, Oezil và Kroos, thế hệ F1 và F2 của thứ triết lý bóng đá tấn công mới mẻ mà HLV Juergen Klinsmann tạo dựng ở nơi đây.

“Danh hiệu” mà Lahm nói tới là một chức vô địch ở tầm châu lục và thế giới. Anh và những người cùng thời đã làm được rất nhiều điều: á quân EURO 2008, HCĐ World Cup 2006 và 2010, á quân Champions League 2009. Đó đều là những hành trình đầy cảm xúc, là tổ hợp của nhiều trận đấu khiến thế giới phải ngả mũ, đều được đại đa số nhìn nhận là “thành công”. Nhưng như thế là chưa đủ với chính người Đức.

Người Bồ Đào Nha có thể gọi thế hệ của Figo và Rui Costa là “Thế hệ vàng” một cách không ngượng ngập. Cả thế giới thừa nhận khái niệm ấy. Nhưng đó là “vàng” theo chuẩn Bồ Đào Nha, vàng mà chỉ có chức vô địch giải… trẻ thế giới. Còn chuẩn của người Đức rất khác: những Thế hệ vàng của nền bóng đá này, từ thời Beckenbauer, đến Matthaeus rồi sau đó là Kahn, “bết bát” nhất cũng phải có chiếc cúp vô địch châu Âu của Bayern (vốn luôn là hiện thân cho sức mạnh bóng đá Đức).

2.“Thời gian của những người như tôi và Schweinsteiger sắp hết”, đội trưởng của Bayern nói về cơ hội sắp đến trong cuộc đấu đêm nay.


Lời của Lahm làm tôi nhớ lại cuộc gặp gỡ giữa hai Hội CĐV của bóng đá Đức và Chelsea chiều ngày 17/5 tại Hà Nội, do website Bongdaplus tổ chức. Ở đó là hai thế hệ: Hội CĐV Chelsea gồm các bạn trẻ rất… trẻ, những người mười tám đôi mươi. Phía bên kia bàn, ngồi dưới chiếc áo đỏ-trắng của Bayern treo trên tường, hầu hết là những người đã tiệm cận hay “quá băm”.

Chelsea là thành viên của giải VĐQG được quảng bá mạnh nhất thế giới. Và họ mới bắt đầu trở thành một thế lực sung mãn của Premier League được chục năm. Những người trẻ biết đến và thần tượng họ là điều hợp lý. Còn Bayern hay bóng đá Đức, với một Bundesliga không quá nổi tiếng ở nước ngoài (và cũng chẳng mạnh), họ có gì để thuyết phục những người trẻ mới xem bóng đá trong 11 năm qua? Thế hệ vàng? Vàng nào? Chắc chắn Lahm sẽ hỏi vặn.

Họ đã không có danh hiệu lớn nào kể từ ngày Kahn cản phá 3 quả phạt đền của Valencia 11 năm về trước. Họ có thể chơi rất hay. Nhưng việc đong đếm thành công bằng danh hiệu, dù cũng không hẳn là công bằng mọi lúc, đã trở thành nguyên tắc của bóng đá (và của tâm thức những người xem bóng đá).

3.Không chỉ Bayern đang phải trải qua nỗi ám ảnh thời gian. Chelsea cũng chuẩn bị đương đầu với nó. Thế hệ mà Mourinho đã tạo dựng ở đây, gồm Drogba, Cech, Essien, Lampard hay Terry cũng đã đi đến những ngày cuối cùng.

Thế hệ ấy đã làm nên sự nổi tiếng của Chelsea trên tầm thế giới, bằng những cuộc đấu truyền kỳ với M.U ở Premier League, bằng giọt nước mắt ở Moscow năm 2008. Nhưng cái thời mà những cảm xúc tươi mới của sự xuất hiện ấn tượng cũng sẽ qua đi. Những chàng trai 16, 17 tuổi của chục năm nữa, sẽ chẳng có chút ký ức nào về thời đại Mourinho ở Stamford Bridge.

Rồi biết đâu, một ngày nào của tương lai, trong một cuộc giao lưu với CĐV Man City chẳng hạn (bây giờ Man City đang lên), CĐV Chelsea lại phải nhìn quanh và ngậm ngùi sao nhóm mình ít người trẻ quá.

90 phút, hay chỉ một khoảnh khắc, sẽ quyết định cảm xúc của cả một thế hệ, trong và ngoài sân bóng.

Bongdaplus.vn