Cần một đội bóng đặc biệt để vượt qua nỗi đau thất bại trong một trận chung kết Champions League. Nhưng cần đến một đội bóng vĩ đại để vượt qua nỗi đau ấy chỉ sau 2 năm. Bayern đã làm nên chiến tích ấy một lần. Và nhiệm vụ của họ đêm thứ Bảy này là tái hiện điều đó lần thứ hai.
Người phương Tây có câu ngạn ngữ: “Món báo thù cần ăn nguội” (Revenge best served cold). Nghĩa là người ta cần phải có thời gian để vượt qua nỗi đau, tĩnh tâm và lấy lại sự tỉnh táo trước khi nghĩ đến chuyện phục hận. Nhưng Bayern không ủng hộ quan điểm ấy.
Bayern đã thua Man Utd tại trận chung kết Champions League 1998/99 một cách đầy cay đắng. Họ đã dẫn trước cả trận, để rồi bị lội ngược dòng chỉ sau vài phút bù giờ. Samuel Kuffour đã gục xuống sân khóc nức nở, một trong những hình ảnh nổi tiếng nhất lịch sử giải đấu.
Nhưng chỉ 2 năm sau, là chức vô địch. Một chức vô địch kiểu Đức: hòa 1-1 trong 120 phút đầy căng thẳng với Valencia, rồi bước vào loạt sút luân lưu. Oliver Kahn mở ra một kỷ nguyên vĩ đại của cá nhân anh bằng việc chặn đứng 3 cú sút của người Tây Ban Nha.
2. Bayern của ngày hôm nay không còn là Bayern của thời Stefan Effenberg. Họ nhanh nhẹn hơn, nhưng cũng “hiền” hơn. Vẫn rất dễ nhận ra những phút dao động trong cách đá của tập thể nhiều người trẻ này. Đơn cử như những bàn hớ hênh mà họ để thua trước Real ở bán kết (trong bối cảnh đối phương tấn công không hề mạch lạc, chỉ là do hàng thủ Bayern tự phạm sai lầm).
Dùng từ “yếu đuối” với đội bóng này sẽ là hàm hồ. Nhưng để đổi lấy thứ bóng đá tốc độ làm điên đảo cầu trường thế giới những năm qua, người Đức cũng đã hy sinh phần nào sự vững vàng trong tính cách.
HLV Joachim Loew đã thú nhận rằng, nếu Bayern để thua trong trận chung kết Champions League, đội tuyển Đức có thể bị ảnh hưởng, khi tâm lý của 8 tuyển thủ khoác áo CLB này đi xuống. Đó có thể là một thừa nhận về độ thiếu lạnh lùng.
Và giống hệt năm 2001, Bayern cũng vừa thua trong trận chung kết Champions League 2 năm về trước. Cách thua trước Inter không đau đớn bằng cách thua trước Man Utd, nhưng chắc chắn nó cũng đã để lại một vết hằn trong tâm lý.
Đức đã trở thành một nền bóng đá khác, tươi mới hơn và quyến rũ hơn. Nhưng những hoài nghi về bản lĩnh thì vẫn còn, khi sự tươi mới ấy chưa mang về danh hiệu lớn nào. Cách Bayern đá trận chung kết này sẽ đưa ra câu trả lời tối hậu về sự vĩ đại của CLB này, hay nói rộng ra là nền bóng đá Đức.
3. Trong số 32 đội bóng từng là Á quân của Cúp C1/Champions League, chỉ có 8 CLB quay trở lại trận cuối cùng sau khi đã thất bại trong một trận chung kết cách đó 2 năm đổ lại. Một nửa trong số đó vượt qua nỗi đau và rửa hận thành công: Milan, Real Madrid, Marseille và tất nhiên là Bayern. Một nửa còn lại không thể chiến thắng chính mình, tiếp tục nhận thất bại: M.U, Benfica, Juventus và Valencia.
Đó là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Bởi trong một trận đấu như thế, tinh thần quan trọng ngang với đấu pháp, nếu không muốn nói là hơn.
Câu hỏi bây giờ không phải là người Đức đang đứng ở đâu trên bản đồ bóng đá châu Âu (thứ ba, theo BXH UEFA, rất rõ ràng), mà họ đang ở chỗ nào trong biểu đồ lịch sử của chính mình.
“Tinh thần Đức” đã trở thành một khái niệm thuộc về lịch sử, hay vĩnh viễn tồn tại như nỗi ám ảnh của những nền bóng đá khác?
Bongdaplus.vn