Lăng Kính: Sự nghiệp dư lên ngôi?
>>
>>
1. Điều này thúc đẩy chúng ta, cũng như các quốc gia mới xây dựng nền bóng đá khác ở châu Á đi lên một nền bóng đá chuyên nghiệp thực sự.
Bóng đá châu Âu đang chuẩn bị đón một thứ mà báo chí phương Tây gọi là “Amaggedon tài chính” - nhái theo tên bộ phim thảm họa nổi tiếng của Mỹ, khi những thiên thạch từ vũ trụ lao về phía Trái đất. Một Ngày tận thế của những CLB làm ăn thua lỗ. Đó là Luật công bằng tài chính UEFA (FFP).
Nhưng FFP lại tạo ra một cảnh tượng nghịch lý, ngược lại hoàn toàn với điều đã diễn ra tại AFC Champions League: những CLB ít tính chuyên nghiệp nhất, lại có cơ hội tham dự và chiến thắng tại UEFA Champions League nhất.
2.“Bóng đá chuyên nghiệp” ở đây có thể được hiểu đơn giản là mỗi CLB là một đơn vị kinh doanh hạch toán độc lập, tự sống bằng nguồn thu từ bóng đá.
FFP đưa ra hạn mức thua lỗ cho mỗi CLB. Ví dụ, từ năm 2011 đến năm 2014, không CLB nào được phép lỗ nhiều hơn 39,5 triệu bảng. Nếu không, UEFA sẽ trừng phạt. Đầu tiên là treo tiền thưởng, như mới đây họ đã làm với 23 CLB đang bị điều tra tài chính (trong đó có Malaga và Atletico Madrid). Sau đó, sẽ là treo giò các cầu thủ được mua về trong 1 năm trở lại đó, tức là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thua lỗ. Cuối cùng là cấm tham dự Champions League.
Nhưng điều này chỉ có thể áp dụng cho những CLB “chuyên nghiệp” như cách hiểu ở trên. Nếu một CLB không chuyên nghiệp mà thua lỗ thì sao?
Bạn đọc sẽ phản ứng: bóng đá châu Âu, ở đẳng cấp Champions League, làm gì có CLB nghiệp dư? Xin thưa là có rất nhiều. Đó là những CLB được “bao cấp” bởi ngân sách của chủ sở hữu - chính là mô hình đã khiến nhiều CLB châu Á bị gạt ra khỏi danh sách dự AFC Champions League.
Man City đã lên kế hoạch xóa nợ cho chính họ. Mức thua lỗ kinh hoàng 197 triệu bảng trong năm tài chính 2011 sẽ được cắt giảm xuống còn dưới 100 triệu bảng chỉ trong vài tháng tới. Họ có thể làm việc đó rất đơn giản với một vài động tác hợp pháp từ phía Hoàng thân Mansour.
Đó là điều Abramovich đã làm rất nhiều với Chelsea trong quá khứ, và sẽ còn làm trong tương lai. Đó là điều mà chắc chắn chủ sở hữu của PSG sẽ thực hiện.
Zenit mới đây đã ném ra gần 80 triệu bảng để mua Axel Witsel và Hulk. CLB ấy, có số lượng khán giả trung bình mùa trước thấp hơn cả… Reading ở giải hạng Nhất Anh, không thể là một CLB chuyên nghiệp. Họ đã luôn có tiền từ “đâu đó”. Và họ sẽ không để UEFA chạm đến móng tay mình.
3.Như thế nghĩa là nếu bóng đá châu Á đang gồng lên chuyển mình thành chuyên nghiệp, thì tương lai của bóng đá châu Âu có thể thuộc về những kẻ không chuyên nghiệp - những CLB sống nhờ bao cấp.
Nếu ngay ngày mai, Abramovich mua lại tên sân Stamford Bridge với giá 1 tỷ bảng để đặt thành tên mình, như cách chủ sở hữu Dave Whelan của Wigan đã làm (tên sân của họ bây giờ là tên ông, DW), UEFA cũng chẳng thể làm gì. Đó là một hợp đồng kinh tế hợp pháp.
Một cuộc chiến đầy căng thẳng đang được bày ra. FFP sẽ còn là một màn kịch hay. Và chủ tịch UEFA Platini sẽ còn phải làm rất nhiều vì một nền bóng đá sạch trong như ông mơ ước.