Lăng kính: Khắc tinh
Song, không phải lúc nào các con số cũng đúng. Wenger cũng không ít lần sai, như trường hợp của Grimandi hay Luzhny. Đơn giản, bóng đá không tuân theo những phép tính nào cả, đặc biệt là phép tính bắc cầu theo kiểu A thắng B, B thắng C thì dứt khoát A sẽ thắng C. Bởi lẽ, trong bóng đá, còn có một yếu tố khác vô cùng quan trọng: đó là sự khắc chế lẫn nhau giữa những con người.
2.Chelsea chơi khá hay trước Juve, bằng một thứ bóng đá mẫn cảm mà ông chủ Abramovich mong đợi từ lâu. Nhưng lễ “Oscar” của họ đã bị Juve chặn đứng bằng hai bàn gỡ xuất sắc không kém. Điều đó cho thấy không phải Juve vượt trội Chelsea về kinh nghiệm hay bản lĩnh, mà họ thực hiện được cú quật khởi ấy nhờ vào một nhân tố khác. Đó chính là sự hiểu biết đối phương của Conte-Massimo Carrera. Cùng là người Ý, ông quá rành về tư duy bóng đá của HLV Di Matteo. Sự rành rẽ đó khiến Juve có khả năng bắt bài Chelsea là vì thế.
Barca quá vất vả trước Spartak Moscow cũng là bởi họ bị bắt bài như thế. Họ thắng chẳng qua là vì có những cá nhân xuất sắc vượt trội. Và về truyền thống, các đội bóng Đông Âu vẫn khắc chế được Barca, khiến đội bóng xứ Catalan vất vả suốt nhiều năm nay. Điển hình là Rubin Kazan, Dinamo Kiev, Shakhtar Donetsk… của các mùa bóng trước. Và sự khắc chế ấy là có lý do, một lý do lại vô cùng lý tính.
Tiqui-taca của Barca được xây dựng từ đâu? Nó bắt nguồn từ nền tảng của bóng đá tổng lực và triết lý pressing của Lobanovskyi. Và thứ bóng đá của Lobanovskyi hiện nay vẫn còn phổ biến mạnh ở Đông Âu với sự nâng cấp về chiến thuật theo hướng phát triển chung của bóng đá thế giới.
Tiqui-taca đòi hỏi phải chơi dâng cao đội hình để tận dụng khả năng bứt tốc ở cự ly ngắn của các cầu thủ nhỏ con. Và nó dễ bị vô hiệu hoá khi đối thủ chơi áp sát, dâng cao để không cho tiqui-taca cơ hội tạo đột biến từ sự bứt tốc ấy. Spartak Moscow rạng sáng qua đã làm đúng như thế, không khác gì các đội bóng Đông Âu khác đã từng làm để đối phó Barca. Và tất nhiên, Barca vất vả là chính vì lối chơi khắc tinh ấy. Nói cách khác, đó là lối chơi “anh em họ hàng” với nhau và càng hiểu mạnh-yếu của nhau, càng dễ khắc chế nhau hơn…
3.“Trời đã sinh Du, sao còn sinh Lượng?”, “Đã có Napoleon, sao còn William Pitt, người đã khiến kế hoạch cấm vận cô lập nước Anh của Napoleon phải phá sản?”. Đó luôn là câu hỏi mà người đời sau vẫn thường nhắc lại.
Đơn giản, tạo hoá công bằng, tạo hoá không sinh ra cái gì hoàn mỹ, “duy ngã độc tôn” cả. Nếu ở phương Đông, Đức Thích ca có câu “thiên thượng, thiên hạ, duy ngã độc tôn” thì ở Tây phương, Đức Thiên Chúa cũng được coi là đấng toàn năng duy nhất. Sự duy nhất ấy, thuộc về thế giới huyền học chưa lý giải được hết, và cũng thuộc về niềm tin của con người. Còn ở thế giới người trần mắt thịt như chúng ta, không có gì là duy nhất. Phải luôn tồn tại sự đối lập, sự khắc chế, tương hỗ lẫn nhau… để tạo ra sự cân bằng.
Và, tất nhiên, ở bóng đá, sự cân bằng là phải có, trong khi người ta toàn đi kiếm sự CÔNG BẰNG…