1.HLV Avram Grant kể rằng John Terry thường hỏi ông: “Tại sao người ta chỉ nhắc đến tôi? Tại sao không ai nhớ Anelka?”. Nicolas Anelka mới là người đá hỏng quả penalty cuối cùng (loạt thứ 7) trong trận chung kết Champions League 2007/08, mới là người quyết định chức vô địch sẽ về tay M.U. Nhưng cứ nhắc đến trận đấu ấy là người ta nhắc đến Terry và cú trượt chân trên mặt cỏ Luzhniki đẫm nước của anh. Cho dù sau pha bóng ấy, tỷ số luân lưu vẫn là 4-4.
Một câu hỏi khó trả lời. Có thể bởi Terry là đội trưởng Chelsea. Có thể bởi cách anh sút trượt quá đáng tiếc. Có thể bởi anh đã khóc, một hình ảnh đầy tính biểu tượng. Nhưng Avram Grant có một câu trả lời sâu hơn: “Nếu cậu thực hiện thành công, sẽ không ai nói về cú sút ấy cả”.
Trừ khi đó là một khoảnh khắc thực sự thay đổi số phận và tràn đầy cảm xúc, một bàn thắng phút 90+5 như Aguero ghi vào lưới QPR, hay cú dùng tay phá bóng của Suarez ở trận Uruguay-Ghana, thì sau khi đã thành công, ít người nhớ đến từng khoảnh khắc: làm gì còn ai ca ngợi cú sút thành công của Owen Hargreaves ở loạt penalty thứ 4 năm ấy, sau khi Ronaldo sút trượt, giúp đồng đội lấy lại sự bình tĩnh? Làm gì còn ai mổ xẻ quả tạt của Wes Brown cho Ronaldo ghi bàn mở tỷ số? Chúng cũng quan trọng ngang với những pha bóng hỏng ăn của kẻ thất bại chứ?
Nhưng không, người ta luôn có xu hướng phân tích, mổ xẻ và lên án những khoảnh khắc làm nên thất bại nhiều hơn. Nói đến chung kết Champions League 2007/08 là nói đến Terry. Như thể một bản cáo trạng (cho đội Chelsea chỉ-về-nhì năm ấy) cần có một kết luận đanh thép.
2.Roberto Di Matteo có thể sẽ giống Avram Grant, người chỉ đạo Chelsea trong cuộc chiến được quyết định đầy may rủi năm 2008. Cho dù ông thất bại bởi một tình huống, thì “thắng làm vua thua làm giặc”, chiếc ghế HLV trưởng Chelsea cũng có thể về tay một nhân vật tên tuổi nào khác.
Cái chức danh “HLV tạm quyền” thật ra có thể gắn với mọi nhà cầm quân dẫn dắt Chelsea. Lúc nào cũng là tạm. Không thành công nhanh chóng thì ra đi, chứ không có gì gọi là chiến lược dài hơi ở đây. Avram Grant thật ra cũng có một hợp đồng dài hạn đàng hoàng, nhưng rồi vẫn đi sau 2 quả penalty thất bại, như một người làm việc thời vụ.
Chuyện đời trớ trêu là thế: thua cuộc rồi người ta hay nhắc đến những khoảnh khắc, nhưng lại có xu hướng tư duy về một quá trình, chứ chẳng ai cảm thông rằng “chuyện của khoảnh khắc thôi mà”. Đại khái là lên án toàn diện, ví rằng “làm giặc” là xứng đáng.
3.HLV Avram Grant tâm sự rằng, có thể ông không nhận lời mời tới dự khán trận chung kết Champions League tại Munich năm nay vì “vẫn đau”. Quá trình làm việc của HLV người Israel này ở Chelsea đã được kết luận hùng hồn bằng hình ảnh đội trưởng của ông khóc trên sân. “Vô dụng” - cáo trạng viết.
Năm nay, nếu Di Matteo lại “chết” vì một khoảnh khắc nữa, nó có thể sẽ lại được đay nghiến, và sẽ lại quyết định số phận của ông.
Còn nếu Bayern Munich thua theo cách ấy, hay nói cách khác là Di Matteo có vinh quang nhờ một pha bóng… trời ơi đất hỡi, hoặc nhờ nỗ lực phi thường của một và chỉ một cá nhân, thì ông là vua, là người xứng đáng dẫn dắt Chelsea nhất.
Nếu Chelsea thắng, UEFA vẫn cho John Terry lên nhận huy chương. Nên có lẽ anh phải cảm thấy may mắn vì không có mặt trong trận đấu này, để rồi có nguy cơ tham gia một khoảnh khắc “giết” Di Matteo.
Bongdaplus.vn