Lăng Kính: Chiến thắng của người Anh
>>
>>
1.“Rồi thì phòng thay đồ của họ sẽ sực mùi tỏi thay vì mùi dầu xoa bóp” - Clough mỉa mai về số lượng cầu thủ Pháp ở Arsenal, những người mà văn hóa ẩm thực gắn liền với tỏi. Hoặc một câu khác: “Tôi chẳng biết đánh vần chữ spaghetti và cũng không muốn nói tiếng Ý. Tại sao tôi phải dạy cầu thủ Ý cách lấy bóng? Anh ta luôn biết cách ăn cướp chúng”.
Nhưng sự tự tôn ấy không tồn tại được lâu. Bây giờ Premier League là của người nước ngoài, từ thượng tầng, đội ngũ huấn luyện cho đến các cầu thủ. Gần như không còn gì đáng gọi là “bóng đá Anh truyền thống” ở trên chính đất nước Anh nữa. Hoặc có, nhưng rất ít. Người ta chấp nhận nó như một hiện thực hiển nhiên.
Đêm qua, hai đội bóng Anh tại Premier League lại toàn thắng, như rất nhiều ngày thi đấu từng diễn ra của Champions League. Nhưng không có cầu thủ Anh nào ghi bàn. Trong số 6 bàn được ghi, có 2 bàn của người Hà Lan (Van Persie), 2 bàn của người Tây Ban Nha (Mata) và 2 bàn của người Brazil (Luiz và Ramires).
Người Anh duy nhất ghi bàn tại Champions League đêm qua là Gary Hooper, trong màu áo Celtic, và điều đó tại ra một chút gì tiếc nuối cho cái gọi là “bóng đá Anh”.
2.Celtic đã thắng Spartak Moscow bằng đúng lối đá kiểu Anh, ở đây hiểu là “Vương quốc Anh” truyền thống. Các tiền vệ của họ nhận bóng, chạy dọc biên, và đưa bóng vào vòng cấm bằng những quả tạt. Quá đơn giản và quá lỗi thời. Thế mà Spartak, đội bóng đã tiêu cả đống tiền của ông chủ tỷ phú, phải rối loạn trước những quả tạt ấy, rồi thất bại đau đớn ngay trên sân nhà.
Đó là một tia sáng lóe lên từ quá khứ oai hùng của bóng đá Vương quốc Anh. Vương quốc Anh nói chung, bởi cả Scotland và nước Anh đã cùng tạo ra và hoàn thiện môn bóng đá hiện đại trước khi truyền bá nó vào châu Âu lục địa hay sang Nam Mỹ.
Bây giờ thì người ta đang râm ran đồn đoán rằng cú đúp được lập theo đúng “kiểu Anh” của Gary Hooper sẽ khiến anh lọt vào mắt xanh HLV Roy Hodgson của đội tuyển Anh. Ông này cũng là người thích lối chơi 4-4-2 kiểu Anh truyền thống, nhưng đang không có đủ con người để làm việc đó.
Nhưng tất nhiên là chỉ Hooper và mong muốn của ông Hodgson cũng sẽ không thể phục hưng bóng đá Anh. Đó chỉ là một tia sáng hiếm hoi.
3.Các đội bóng Anh vẫn đang chiến thắng tại Champions League. Nhưng chiến thắng của nước Anh bây giờ luôn chia làm hai loại rõ ràng: chiến thắng của CLB là của CLB, không liên quan đến ĐTQG. Ở Đức, Tây Ban Nha và Italia thì có điều đó, nước Anh thì không. Hạnh phúc của họ bị chia đôi xẻ nửa.
Cách chiến thắng của Celtic, và mới đây là việc Fulham của Roy Hodgson vào chung kết Europa League 2010, cho người ta quyền tự hỏi: truyền thống Anh đã chết vì nó thực sự lỗi thời và đáng chết, hay là bởi người ta đã chẳng dốc công phát triển nó?
Mà tiếc nuối chút ít vì Celtic vậy thôi, cũng chẳng ai phải nghĩ nữa. Bởi vì các đội bóng Anh vẫn thắng bằng lối chơi kiểu Tây Ban Nha, kiểu Italia, kiểu gì gì nữa ở Champions League và các thị trường bán lẻ. Một nửa chiến thắng là đủ rồi. Ngoài biên giới Anh bây giờ, còn có ai hâm mộ “đội tuyển Anh” và “nền bóng đá Anh” hay không, chẳng ai dám chắc.