Bong da

Cúp Châu Âu

Jan Oblak: Bí ẩn kinh doanh mang tên Atletico

Cập nhật: 20/04/2015 00:11 | 0

Phong độ kỳ lạ của thủ môn Jan Oblak trong trận derby Madrid ở vòng tứ kết Champions League 2014/15 nói lên điều gì? Rằng anh đã khẳng định tư thế của một ngôi sao mới - hẳn nhiên rồi!

Jan Oblak: Bí ẩn kinh doanh mang tên Atletico
Jan Oblak: Bí ẩn kinh doanh mang tên Atletico
Nhưng còn có một điều đáng nói hơn: Atletico chính là đội bóng số 1 trong những năm gần đây về khả năng thay thế các ngôi sao đã ra đi. Vì sao đội bóng của HLV Diego Simeone thành công như thế?
 
MẶC KỆ NHỮNG NGÔI SAO RA ĐI
David De Gea, Diego Forlan, Sergio Aguero, Radamel Falcao, Diego Costa, David Villa, Thibaut Courtois, Diego... đấy là các ngôi sao liên tục ra đi sau khi để lại ấn tượng sâu đậm trong màu áo Atletico Madrid. Một đội bóng khác mà “chảy máu tài năng” như vậy thì không những suy yếu mà còn đối diện nguy cơ tan vỡ hoàn toàn. Thế còn Atletico? Vị trí của họ ở La Liga trong 5 mùa bóng gần đây lần lượt là 9, 7, 5, 3 và 1. Tiến dần đều, theo sự ra đi của các ngôi sao!
 
Mùa trước, không chỉ hạ bệ Barcelona để giành ngôi vô địch La Liga lần đầu tiên sau 18 năm chờ đợi, Atletico còn tiến thật sát đến chức vô địch Champions League. Ở hai đầu sân, sự xuất sắc của thủ môn Thibaut Courtois và tiền đạo Diego Costa là điều chẳng còn gì để tranh cãi. 
 
 
Cũng chẳng cần tranh cãi khi Atletico không thể giữ lại những tài năng ấy. Chỉ lạ ở chỗ, dù đã khẳng định năng lực qua nhiều năm liên tục giúp Atletico cải thiện đẳng cấp, dù đã thay những ngôi sao ra đi một cách thành công, HLV Diego Simeone vẫn làm cho giới quan sát ngạc nhiên khi ông chọn tiền đạo Mario Mandzukic và thủ môn Jan Oblak để lấp khoảng trống.
 
Mandzukic thì ai cũng biết, nhưng anh có thay được Diego Costa hay không là đề tài gây tranh cãi. Oblak thì rất ít người biết đến. Tương tự là những gương mặt mới khác, như Antoine Griezmann, Raul Jimenez hoặc Guiherme Siqueira. Bây giờ, câu trả lời đã rõ: đội bóng của Simeone tiếp tục tỏ ra vững vàng. Tất nhiên, ở nơi đã có Real Madrid và Barcelona thì Atletico không thể cứ vô địch mãi.
 
 GIÁ CHUYỂN NHƯỢNG “ĐIÊN RỒ” CỦA OBLAK
Khi gia nhập Atletico, Oblak mới 21 tuổi, chỉ được khoác áo Benfica 16 lần trong suốt giai đoạn 2010 - 2014. Hồi năm 2013, Oblak khoác áo Benfica B và cũng chỉ được xuất hiện 2 lần dưới màu áo đội dự bị ấy. Bạn có thể tưởng tượng một thủ môn như thế lại có giá chuyển nhượng đến 17,5 triệu euro? Bạn có nghĩ đấy chính là thủ môn đắt giá nhất trong lịch sử La Liga và đứng thứ 8 trong lịch sử bóng đá thế giới?
 
 
Quá “điên rồ”, nhưng cái giá chuyển nhượng điên rồ ấy nói lên hai điều. Thứ nhất, HLV Simeone quả đáng khâm phục trong việc nhìn người. Mãi đến ngày 21/3 vừa qua, Oblak mới có dịp xuất hiện lần đầu tiên trong khung thành Atletico ở La Liga. Vậy mà bây giờ, anh đã được cả thế giới biết đến. Simeone hoàn toàn tin tưởng Oblak và anh đáp trả bằng phong độ tuyệt vời trong trận gặp Real Madrid ở trận tứ kết lượt đi Champions League 2014/15. 
 
Điều quan trọng thứ hai: Atletico thật đáng nể, không chỉ trên thị trường chuyển nhượng mà trong lĩnh vực kinh doanh nói chung. Khi cần chi tiền, họ sẵn sàng chi rất “đậm”, nhưng vẫn chẳng bao giờ lỗ. Nếu là trường hợp “ăn chắc mặc bền” thì cũng bình thường. Atletico xuất sắc ở chỗ: họ vừa làm ăn có lãi, lại vừa đảm bảo thành công trên sân cỏ, thế mới thuộc loại “siêu dị”.
 
CÁCH KINH DOANH ĐẦY BÍ ẨN
Oblak đã có giá như thế, thì cũng chẳng lạ khi biết giá chuyển nhượng Griezmann lên đến 30 triệu euro. Cần nhớ: Atletico chỉ “trả lại” Courtois cho Chelsea (chứ không kiếm được đồng nào). Để thay Courtois, Filipe Luis, David Villa và Diego Costa (kiếm được 58 triệu euro), Simeone đưa về Oblak, Siqueira, Mandzukic, Griezmann (mất đến 78 triệu euro). Atletico đâu phải là “đội nhà giàu” mà lại làm ăn như thế?
 
Chỉ cần Simeone bảo đảm vấn đề chuyên môn. Những việc còn lại, cứ để giám đốc quản lý Miguel Angel Gil Marin lo liệu. Trước đây, chẳng ai hiểu nổi vì sao Atletico phải đóng thuế rất nặng cho số tiền bán Aguero, để rồi họ lại có một Falcao còn đắt giá hơn Aguero!
 
Câu trả lời thuộc về siêu đại diện Jorge Mendes - nhân vật mà UEFA, FIFA và giới điều hành bóng đá ghét cay ghét đắng nhưng không làm được gì, đơn giản chỉ vì Mendes quá giỏi. Chẳng những đại diện cho một bộ phận lớn trong làng cầu Iberia, Mendes còn là thành phần phức tạp mà giới bóng đá gọi là “bên sở hữu thứ ba”. Phải viết hẳn một cuốn sách để để nói ngọn ngành về “thể loại” này. Ở đây, hãy cứ biết rằng Mendes rất thân với Atletico và trong bóng đá đỉnh cao, không có CLB nào tận dụng được “thành phần sở hữu thứ ba” tốt như Atletico.
 
Năm ngoái, người ta tổng kết tình hình kinh doanh trong 5 mùa bóng và thấy rằng Atletico chính là đội có lãi nhiều nhất trong 16 đội vượt qua vòng bảng Champions League. Họ lãi 38 triệu bảng. Chỉ có 3 đội khác có lãi là AC Milan (23 triệu), Olympiakos (4 triệu) và Arsenal (1 triệu). Các đội còn lại đều lỗ, riêng các đội lỗ trên 300 triệu (nhiều nhất) là Man City (395 triệu), PSG (320 triệu), Chelsea (311 triệu) và Real Madrid (307 triệu).
 
CÁC NGÔI SAO TỪNG KHOÁC ÁO ATLETICO MADRID GẦN ĐÂY
* Thủ môn: Sergio Asenjo (2009-2014), David De Gea (2009-2011), Thibaut Courtois (2011-2014), Jan Oblak (từ 2014).
* Tiền vệ tổ chức: Diego (2014), Arda Turan (từ 2011).
* Tiền đạo: Fernando Torres (2001-2007 và từ 2015), Diego Forlan (2007-2011), Sergio Aguero (2006-2011), Radamel Falcao (2011-2013), Diego Costa (2010-2014), David Villa (2013-2014), Mario Mandzukic (từ 2014).
 
Hè này, ai sẽ đi?
Năm ngoái, Chelsea lấy lại Thibaut Courtois đồng thời mua thêm Filipe Luis và Diego Costa. Họ lập tức thành công, chuẩn bị lên ngôi vô địch Premier League. Bây giờ, HLV Jose Mourinho lại nhìn vào Atletico Madrid khi ông chuẩn bị mua sắm trong mùa Hè 2015. Hậu vệ Miranda đã lọt vào tầm ngắm của Chelsea. Diego Godin và Koke cũng vậy. Ngoài ra, Miranda còn được M.U ưa thích trong khi Barcelona muốn có Koke.
 
Ở chiều ngược lại, báo chí cho rằng Atletico muốn có Bastian Schweinsteiger (Bayern), Romelu Lukaku (Everton), Ilkay Guendogan (Dortmund) hoặc Fabio Borini (Liverpool). Atletico cũng muốn chuộc lại Filipe Luis từ Chelsea. Tuy nhiên, nếu cần chờ đợi một ngôi sao bất ngờ tỏa sáng trong màu áo Atletico thì đấy có thể là cầu thủ 17 tuổi Youri Tielemans, đến từ Anderlecht!
 
Người không thể thay thế
 
Từ cầu thủ xuất sắc nhất World Cup Diego Forlan cho tới hiện tượng Radamel Falcao, từ David De Gea cho tới Thibaut Courtois, Atletico Madrid chẳng hề có loại ngôi sao “không thể thay thế”. Nói đúng hơn, nhân vật “không thể thay thế” ở Atletico là một nhân vật bên ngoài sân cỏ, luôn biết cách thay thế các ngôi sao ra đi một cách hoàn hảo. Đó chính là HLV Diego Simeone.
 
 
Chẳng cần giới thiệu tài năng của Simeone nữa. Cùng với Joachim Loew (vô địch World Cup) và Carlo Ancelotti (vô địch Champions League), Simeone đã được FIFA công nhận là 1 trong 3 HLV xuất sắc nhất thế giới trong năm 2014. Phần mình, Atletico luôn xem Simeone là một tượng đài, muốn HLV này gắn bó một cách lâu dài để trở thành “Sir Alex của Atletico Madrid”.
 
Mới đây, Simeone đã đồng ý gia hạn hợp đồng với Atletico đến năm 2020 (thay cho bản hợp đồng cũ sẽ hết hạn vào năm 2016). Mức lương của Simeone được đẩy lên đến mức 6 triệu euro/năm. Khắp thế giới, hiện chỉ có vài HLV lĩnh lượng cao hơn Simeone.
 


(báo bóng đá)