Bong da

Cúp Châu Âu

Cộng đồng CĐV bóng đá Đức tại Việt Nam: 12 Năm mỏi mòn một tình yêu

Cập nhật: 25/05/2013 08:47 | 0

Năm 2004, Bayern Munich trở thành CLB châu Âu thứ 2 có một diễn đàn Hội CĐV ở Việt Nam, sau Milan và trước cả Man United. Cộng đồng fan Đức ở nước ta hình thành rất sớm. Nhưng số phận không chiều lòng họ, với hơn một thập kỷ thiếu một danh hiệu lớn.

Cộng đồng CĐV bóng đá Đức tại Việt Nam: 12 Năm mỏi mòn một tình yêu
Cộng đồng CĐV bóng đá Đức tại Việt Nam: 12 Năm mỏi mòn một tình yêu

NHỮNG TÌNH YÊU ĐẶC BIỆT
Những CĐV bóng đá Đức ở Việt Nam được hình thành theo những phương thức khá đặc biệt so với các cộng đồng CĐV khác. Trong khi với bóng đá Anh, Tây Ban Nha và Italia, đa phần CĐV đến với họ vì yêu lối chơi, yêu thành tích, yêu cầu thủ, thì người Việt Nam có một mối liên hệ xã hội khá đặc biệt với nước Đức: đó là một trong những nước có cộng đồng người Việt sinh sống đông nhất châu Âu.

Rất nhiều cậu bé, cô bé đã lớn lên với một sợi dây gắn kết hữu hình với nước Đức. “Những năm đầu thập kỷ 90, ba vẫn ở Đức. Mỗi lần xem đội tuyển Đức thì lại đưa lại cho mình một cảm giác gần gũi vì như một sự đoàn tu. Có cảm giác khi đấy, mình gần với ba mình hơn” – anh Nhật Anh, giám đốc hãng sơn Lavisson nhớ lại – “Trận đấu cũ nhất mà tôi có thể nhớ chắc là trận Đức gặp Bulgaria năm 94, đội tuyển Đức thất bại và tôi đã khóc. Khi đấy với tôi, đội tuyển Đức như là một thứ gì đấy để giúp tôi gần gũi với ba mình hơn. Thất bại đồng nghĩa với việc sợi dây vô hình đó đã bị đứt. Thế là tôi lại khóc”.

Tất nhiên, bên cạnh đó vẫn là những người tìm đến với Bundesliga và Mannschaft vì tình yêu bóng đá đơn thuần. Nhưng hầu hết họ có một điểm chung: nghĩ rằng tình yêu dành cho bóng đá Đức ở Việt Nam mình là duy nhất. Bởi bóng đá Đức rất khó yêu, đặc biệt là trong giai đoạn trước 2006, khi mà lối chơi ấy chậm, không nhiều tính giải trí và đôi khi còn bị gắn mác “phản bóng đá”. “Chỉ có lập dị thì mới yêu bóng đá Đức thời trước đây” – một CĐV gạo cội chia sẻ.

Cộng đồng CĐV Đức ở Việt Nam không đông đảo. Bayern của thế hệ vô địch Champions League 2001 rất mạnh, nhưng những chiến tích của đội bóng khô khan ấy bị che mờ đi bởi gương mặt thiên thần của David Beckham trong cú ăn ba vĩ đại của Man United năm 1999, bởi chiến dịch Galacticos 1.0 của Florentino Perez ở Real Madrid. Và rồi sau đó là một quãng thời gian cay đắng, mỏi mòn kéo dài tới 12 năm.

12 NĂM MỎI MÒN
Trong 12 năm qua, bóng đá Đức không có một danh hiệu lớn nào. Nếu như CĐV của Milan, Barca, Chelsea hay Man United có những đêm không ngủ để ăn mừng chiến thắng, thì “đêm không ngủ” với fan Đức, là những buổi trằn trọc đến tận sáng, nốc bia để quên đi nỗi buồn.

Trước trận chung kết Champions League 2009/10 giữa Bayern và Inter, trận chung kết đầu tiên của Bayern Munich kể từ ngày đăng quang năm 2001, họ đã chuẩn bị gần 100 lít bia – bia vốn là thứ gắn liền với văn hóa thưởng thức bóng đá kiểu Đức. Nhưng rồi Bayern thua và bia “ế”. Chủ nhà Nhật Anh, người “đăng cai” buổi xem bóng đá ngày hôm đó, đã phải một mình tự uống hết 50 lít bia trong ngày hôm sau, trong một nỗi thất vọng khó nguôi.

Năm 2012, trước thềm trận gặp Chelsea, họ không chuẩn bị bia nữa. Nhưng trong một trận đấu mà từ giới chuyên gia đến… CĐV Chelsea đều tin rằng phần thắng sẽ nghiêng về phía Bayern hùng mạnh, họ in một chiếc áo làm kỷ niệm. Chiếc áo in hình cách điệu của sân Allianz, “sân nhà” của fan Đức, kèm dòng chữ “Final 2012” (chung kết 2012). Tất cả cùng mặc chiếc áo ấy để xem trận đấu, với hy vọng rằng rồi họ sẽ còn được tự hào mặc chiếc áo ấy nhiều lần nữa trong đời như một kỷ niệm đáng nhớ.

Nhưng rồi bây giờ khó ai mặc lại được chiếc áo ấy nữa. Nó đã gắn với một kỷ niệm buồn, nếu không muốn nói là đau thương. Nó đại diện cho một trận chung kết mà người Đức đã thua theo cách không thể tệ hại hơn.

Họ than thở, họ hoài nghi: Cuộc cách mạng chiến thuật của bóng đá Đức này, liệu nó có đúng đắn, khi đã trải qua không biết bao nhiêu trận bán kết, chung kết, mà một danh hiệu lớn vẫn rời xa? Nhưng rồi cũng chẳng ai bỏ đi được tình yêu của mình.

Với bóng đá, họ đã buồn bã suốt 12 năm. Nhưng nỗi buồn thường đem người ta đến gần nhau hơn. Cộng đồng CĐV bóng đá Đức tại Việt Nam vẫn có quyền tự hào rằng họ đã gắn kết với nhau trong suốt một thập kỷ ấy, trở thành bạn bè, gia đình của nhau. Trang bongdaduc.com, nơi sinh hoạt chung của cộng đồng, vẫn chưa khi nào thôi sáng đèn.



“Chiếc cúp” tình yêu của CĐV
Đã có hơn một tình yêu, một gia đình nhỏ, một đứa trẻ đi ra từ những nỗi buồn bóng đá. Tú Khuê và Hải Linh (TP.HCM) đã nhận ra mình yêu nhau sau một chuyến đi du lịch “chia buồn” của fan Đức cả nước tại Đà Nẵng-Hội An sau kỳ World Cup 2010. Hạnh và Phương (Hà Nội) gặp nhau nhờ sự giới thiệu của một người bạn trong Hội CĐV. Những công chúa nhỏ của họ giờ đều đã sắp đến tuổi… biết xem bóng đá. “Trong khi bóng đá Đức vẫn loay hoay tìm một danh hiệu, chúng tôi đã có chiếc cúp của đời mình” – Hải Linh chia sẻ.

CĐV ĐỨC NÓI GÌ VỀ TRẬN CHUNG KẾT?
Anh Nguyễn Hoàng (Hội CĐV bóng đá Đức): “Là trưởng BTC Fanfest bóng đá Đức tại Hà Nội, những ngày qua tôi cực kỳ bận rộn. Nhưng đó cũng là quãng thời gian đáng nhớ. Dù thế nào thì chúng tôi cũng sẽ là nhà vô địch!”
Anh Thăng Long (CĐV Dortmund): “Dortmund lép vế trước Bayern, nhưng đó chỉ là lý thuyết. Thực tế, Dortmund luôn chơi hay khi đối đầu Bayern. Dortmund sẽ thắng để khẳng định với Bayern rằng tiền không phải là tất cả trong bóng đá”.
Chị Thanh Hiền (CĐV Bayern và bóng đá Đức): “Những năm qua, Bayern đã không gặp may nhưng năm nay sẽ khác. Bayern đang thắng ấn tượng hơn cả ở mùa 2000/01. tôi không nghi ngờ gì về việc Hùm xám sẽ đăng quang”.
Anh Mạnh Cường (CĐV Bayern): “Cũng như Bayern, hội CĐV chúng tôi đã chuẩn bị một kế hoạch ăn mừng kéo dài. Nó sẽ diễn ra rải rác trong 2 tuần bởi tôi tin Bayern không chỉ vô địch Champions League mà sẽ giành cú ăn ba”.

Nguồn bongdaplus.vn