Bong da

tin-cup-chau-au

Chuyện penalty: Khoảng lặng trên chấm tròn...

Cập nhật: 27/04/2012 10:15 | 0

Một dấu chấm dùng để kết thúc câu. Một dấu chấm có thể kết thúc một giấc mơ. Messi đặt dấu chấm hết cho ước mơ Barca. Một ngày sau, Ronaldo thả dấu chấm hết cho khát vọng Real. Dấu chấm đó cách khung thành 11m…




1.Không có dấu phẩy, câu văn trở thành đơn giản, và trong một câu văn đơn giản luôn chỉ mang những ý nghĩa đơn giản. Không có dấu hỏi, chẳng bao giờ có những bài học, chẳng hồ nghi hay thắc mắc. Không có dấu chấm than, câu văn không ngữ điệu, không tình cảm, chẳng có xót xa, cũng chẳng có căm phẫn. Thiếu những dấu câu ấy, vẫn có thể viết ra một bài văn. Không dấu chấm, sẽ chẳng có bài văn nào, dù nó là ký tự đánh dấu cho sự kết thúc!

Phải chăng vì thế mà những chấm 11m không thể đánh dấu bằng cách gạch chéo, hình vuông hay bất kỳ thứ gì, mà lại là dấu chấm cực kỳ đơn giản. Và quả nhiên, dấu chấm ấy đã là nơi kết thúc cho bao nhiêu giấc mơ. Từ một giải đấu phong trào đến trận chung kết World Cup. Nó mang đúng ý nghĩa của mình: dấu chấm…

2.Eric Cantona, cầu thủ có lẽ là duy nhất trên thế giới đá penalty mà không thủ môn nào đoán được chính xác hướng bóng. Nhưng chưa bao giờ Cantona vỗ ngực cho rằng mình là vua đá penalty. Trước khi đá trận chung kết Champions League 2008, Terry nói với HLV Grant: “Tôi là đội trưởng. Tôi đủ dũng cảm. Và tôi sẽ ghi bàn”. Rút cuộc cú đá của Terry hỏng ăn và Chelsea của anh phải “về nhì”. Cái chấm 11m ấy không bao giờ là của riêng ai. Kể cả những cầu thủ kiệt xuất. Vì thế mà chỉ trong 24 giờ, đã có 3 ngôi sao hàng đầu thế giới gục ngã trên nó. Messi, Ronaldo và Kaka. Ba cái tên của những kỷ lục. Họ là những cầu thủ giỏi, đắt giá nhất thế giới, đẳng cấp nhất thế giới với không biết bao nhiêu kinh nghiệm chiến đấu. Nhưng tất cả đều phải lặng đi trên dấu chấm oan nghiệt.

Trước trận gặp Bayern, Real đã tập đá luân lưu. Nhưng đó là điều vô nghĩa. Trên chấm 11m, không bao giờ có cái gọi là “tập luyện”. Chỉ có thủ môn mới là người duy nhất có “quyền” luyện cách bắt.

Năm 1995, tiến sĩ Ignacio Palacios-Huerta của trường đại học Chicago, nghiên cứu toán học kỹ thuật Minimax, đã công bố kết quả nghiên cứu. Một người bạn của Huerta là CĐV Chelsea đã lấy nghiên cứu này để đúc kết thành một kết luận ngắn, gửi cho A.Grant trước trận chung kết Champions League 2008 như sau:

- Van der Sar ngả người tự nhiên theo chân thuận đối phương. Vậy, Chelsea hãy đá ngược hướng chân thuận.

- Đặc biệt lưu ý Van der Sar luôn cản phá được những cú sút bóng bay cao từ 1m đến 1,5m. Hãy đá sệt hoặc bổng hơn.

- C.Ronaldo rất đặc biệt. Anh ta thường dừng lại trong quãng chạy đà. Nếu Ronaldo dừng lại, 85% sẽ đá sang phía tay phải thủ môn. Vì thế, thủ môn không được di chuyển sớm.

- Nếu tung đồng xu được quyền chọn, hãy chọn đá trước vì 60% đội đá trước thắng (ở Bernabeu rạng sáng qua, Bayern đá trước).

Huerta không hề biết tờ giấy đã được người bạn là CĐV Chelsea chuyển cho Grant. Tối hôm đó, Huerta đã chứng kiến y hệt những gì đã nghiên cứu. Terry cố gắng chọn đá trước nhưng Ferdinand mới là người có quyền chọn. Rồi khi Ronaldo thực hiện, anh đã dừng bước chạy đà, rồi đá sang phải. Cech cản phá dễ dàng. Sau đó, Terry đã cố gắng đá cao hơn 1,5m nhưng trượt chân, bóng đập cột bay ra ngoài. Còn Anelka cố tình làm ngược lại khuyến cáo. Hỏng. Chelsea thua.

Penalty là may rủi. Có bài vở vẫn có thể thất bại. Vì thế mới có chuyện Cech bắt penalty tốt vẫn thua Van der Sar bản năng.

3.Gần đây, số lượng penalty hỏng quá nhiều. Có thể lý giải là các thủ môn đã bắt được thói quen của đối phương. Cụ thể, Ronaldo cũng hơi khựng lại trước khi sút sang bên phải Neuer. Khi đó, nếu muốn đá luân lưu tốt, trước hết hay từ bỏ thói quen.

Muốn viết một đoạn văn tốt, việc đặt dấu cực kỳ quan trọng. Chẳng ai dám nói mình bỏ dấu, chỉ có thể tự rèn luyện để những dấu chấm câu luôn mang ý nghĩa của nó. Khi ấy, những dấu chấm sẽ không phải ký tự kết thúc, mà là để bắt đầu đoạn văn  tiếp theo…

Bongdaplus.vn