Bây giờ, khác biệt về quốc tịch hầu như không còn tồn tại trong bóng đá đỉnh cao. Nói cách khác, các đội bóng Đức không nhất thiết phải gồm đa số là cầu thủ Đức, cầu thủ Anh cũng không chiếm tỷ lệ cao trong một CLB Anh. Nhưng đấy chỉ là một trong rất nhiều nguyên nhân làm cho việc phân biệt trường phái ở Champions League là điều gần như không thể.
KHÔNG CÓ TRƯỜNG PHÁI NÀO
Rõ ràng Bayern và Dortmund khác hẳn với nhau, thậm chí đến mức đối lập trong một vài chi tiết cụ thể, dù đấy đều là các đội bóng Đức. Nếu cần tìm ra những điểm chung về triết lý, quan điểm, cách chơi... thì có vẻ như Bayern của Đức và Barcelona của TBN lại là hai đội giống nhau hơn cả. Cũng không phải là ngẫu nhiên khi Bayern mời cựu HLV trưởng Barcelona, Pep Guardiola, sang Munich huấn luyện từ mùa bóng tới. Thế nên, kể cả khi có một khái niệm mang tính ước lệ, gọi là “trường phái Đức” chẳng hạn, thì đấy cũng chỉ là một trường phái hết sức nhạt nhòa.
Ngày xưa, các CLB Italia đều giỏi về thủ. Các CLB Tây Ban Nha giỏi chơi kỹ thuật. Người Đức chơi bóng với ý thức kỷ luật cao, người Anh lại chạy hùng hục... Từ đó, hình thành những trường phái chuyên môn khác hẳn nhau ở những nền bóng đá khác nhau. Và khi các đội hàng đầu của mỗi quốc gia đụng độ ở Cúp C1 châu Âu thì đấy cũng thường là cuộc chạm trán nảy lửa giữa các trường phái khác nhau. Bóng đá đỉnh cao không chỉ có những trường phái chuyên môn, mà còn phân thành những trường phái lớn trong các lĩnh vực ngoài chuyên môn. Chẳng hạn, trường phái Latin đánh giá cao sự khôn ngoan của loại cầu thủ ranh mãnh, lừa được trọng tài để kiếm phạt đền. Trường phái Bắc Âu thì luôn giương cao ngọn cờ fair-play...
Bây giờ, rất khó tìm ra những đặc điểm chung mang tính hệ thống để có thể kết nối các đội bóng thành những trường phái riêng rẽ. Không có trường phái nào chiến thắng ở Champions League, đơn giản vì vấn đề trường phái nay đã không còn.
CHUẨN BỊ TỐT LÀ QUAN TRỌNG NHẤT
Vậy thì, đâu là chìa khóa dẫn đến chiến thắng ở Champions League ngày nay? Đấy là khâu chuẩn bị tốt và một chiến lược dài hơi, hợp lý.
Champions League khác giải VĐQG ở chỗ nó không phải là cuộc đua marathon gồm đến 34 hay 38 vòng, với rất nhiều cơ hội sửa chữa cho những cú sẩy chân bất ngờ. Champions League cũng khác với trận địa EURO hoặc World Cup của các ĐTQG, vốn là cầu thủ “tứ xứ” chỉ tập trung lại trong một thời gian ngắn trước giải và quyết chiến với nhau trong 3-4 tuần. Thế nên, đặc điểm chiến thuật, những đòn cân não của Champions League không cao như ở EURO hoặc World Cup. Tính bền bỉ, nhuần nhuyễn của các đội ở Champions League cũng không quá quan trọng như ở các giải VĐQG. Thay vào đó, khâu chuẩn bị là quan trọng nhất ở Champions League.
Giữ bóng ít, nhưng Bayern vẫn cực kỳ hiệu quả trong
trận gặp Barca ở bán kết Champions League mùa này
Dortmund đã chuẩn bị rất kỹ về đấu pháp, dùng cả trận derby vùng Ruhr vốn rất quan trọng ở Bundesliga để thử nghiệm trước khi gặp Real Madrid ở “bảng tử thần”. Đấy chính là trận đấu quan trọng nhất, mở ra những thành công khác trong cả mùa bóng cho Dortmund. Bayern cũng đã chuẩn bị rất kỹ, đã có những thay đổi lớn, nhất là rút ra kinh nghiệm từ Champions League mùa trước. Chiến thắng ở Champions League là chiến thắng của khâu chuẩn bị - trước từng trận đấu cụ thể cũng như chuẩn bị cho cả một đại cục.
Tương phản
Vẫn biết, chưa ai bảo vệ thành công ngôi vô địch Champions League. Nhưng sự tương phản giữa Chelsea và Dortmund trong mùa bóng này càng làm cho giới chuyên môn phải thừa nhận tầm quan trọng của khâu chuẩn bị trên đấu trường Champions League. Nhà vô địch mùa trước, Chelsea, đã bị loại sớm đến mức... không thể sớm hơn (dừng chân ngay sau vòng bảng). Ngược lại, Dortmund mùa trước chỉ đứng bét bảng, trước các đối thủ không phải quá mạnh. Còn mùa này, ai cũng thấy rõ họ đã thành công như thế nào.
4 NĂM, 4 NƯỚC
Ngoài Ligue 1 (Pháp) vốn thua hẳn về đẳng cấp so với 4 giải VĐQG lớn còn lại ở châu Âu, thì 4 giải đấu lớn Bundesliga (của Đức), Premiership (của Anh), Serie A (của Italia), La Liga (của TBN) đã thay nhau sở hữu danh hiệu vô địch Champions League trong 4 mùa bóng gần đây. Cũng khá đồng đều! Đó là các chức vô địch của Barca (2009 và 2011), Inter Milan (2010), Chelsea (2012). Điều này phản ánh khá rõ nét xu thế phân chia quyền lực và phong cách trong làng túc cầu châu Âu. Barca lên ngôi bằng lối chơi quyến rũ, Chelsea chặt chẽ, Inter khoa học và một chất Đức truyền thống của mùa này.
CHUẨN BỊ TỐT, KHÔNG CẦN GIỮ BÓNG
Bayern Munich chỉ giữ bóng 34% trong trận thắng quyết định (4-0 tại sân nhà) trước Barcelona ở vòng bán kết Champions League. Và khi họ lại thắng tiếp 3-0 trên sân đối phương ở trận lượt về thì Bayern cũng chẳng giữ bóng nhiều hơn lượt đi bao nhiêu (40%). Tương tự, Borussia Dortmund chỉ giữ bóng 44% và 35% trong hai trận gặp Real Madrid ở cặp bán kết còn lại.
Đấy không phải là những dẫn chứng duy nhất cho lập luận: bây giờ người ta không cần thống trị sân cỏ bằng việc giữ bóng nhiều, như điều Barcelona đã làm và được ca ngợi suốt nhiều năm qua. CFR Cluj chỉ giữ bóng 28,6% mà vẫn chiến thắng trên sân Braga ở vòng bảng Champions League mùa này. Thậm chí Celtic chỉ cần giữ bóng 16% mà vẫn thắng được Barcelona, cũng ở vòng bảng.
Nguyên nhân sâu xa dẫn đến thành công cho các đội đã chuẩn bị tốt và thắng đối thủ có khả năng giữ bóng nhiều hơn nằm ở Champions League mùa trước. Khi ấy, Chelsea chỉ cần giữ bóng 21% mà vẫn thắng được Barcelona, sau đó loại luôn đối thủ này trước ngưỡng cửa chung kết.