Bong da

tin-cup-chau-au

Champions League: Thiên đường... quỷ ám!

Cập nhật: 09/03/2012 13:15 | 0

Khi cây bút huyền thoại của tờ L’Equipe, Gabriel Hanot cùng các cộng sự trình bản đề xuất tạo ra một sân chơi hấp dẫn để những nhà vô địch thi thố tài năng, ông có lẽ không bao giờ ngờ tới, thiên đường của những ông lớn châu Âu lại “xuống cấp” như ngày hôm nay.




1. Tìm hiểu về lịch sử Champions League từ thuở sơ khai, rất dễ để tìm thấy cái tên Gabriel Hanot xuất hiện khá trang trọng trong những dòng đầu tiên. Hanot là cựu danh thủ ĐT Pháp, là một cây viết lão làng, và trên hết, là một nhà báo có tầm nhìn vĩ đại. Ông trăn trở với bóng đá, ông muốn con cháu đời sau được chứng kiến những trận đấu đỉnh cao, những bữa tiệc bóng đá ngấm đến tận xương tủy.

Và vì tất cả những trăn trở ấy, Hanot quyết định cùng các đồng nghiệp soạn thảo một kế hoạch đầy khả thi gửi tới 16 CLB hàng đầu châu Âu. Bản thảo gợi ý thành lập một giải đấu mang tên: Cúp các đội vô địch quốc gia châu Âu. Nó quá hấp dẫn! Còn ý tưởng nào tuyệt vời hơn là tạo ra một thiên đường quy tụ tất cả những gì tinh túy nhất của làng túc cầu thế giới.

Thời khắc trọng đại rốt cuộc cũng tới. Ngày 2/4/1955, sau đúng 3 giờ thảo luận giữa những người có cùng tâm huyết, giải đấu vĩ đại mang tên Champions League (thời điểm đó được gọi bằng cái tên European Cup) chính thức ra đời.

2. Champions League, chỉ riêng cái tên thôi cũng toát lên một vẻ tôn quý. Trong lịch sử bóng đá, không biết đã có bao nhiêu người coi Champions League như một thước đo hoàn hảo nhất của sự vĩ đại. Nó giống như chức vô địch Grand Slam trong tennis. Dù một tay vợt có đánh đông, dẹp bắc, thâu tóm cả chục danh hiệu ATP, mà không kiếm nổi một Grand Slam, người ta cũng chỉ ví von họ như một đức Vua (hoặc Nữ hoàng) không ngai mà thôi.


Và vì Champions League quá danh giá, quá cao quý, NHM vốn đã mặc định một khái niệm: Bất kỳ trận đấu nào trên chặng đường tiến tới ngôi bá chủ châu Âu, cũng đáng được coi là một trận chung kết. Nhưng định nghĩa ấy, tiếc thay, đang ngày càng trở nên lỏng lẻo.

Rạng sáng qua, Barcelona vùi dập Leverkusen tới 7-1, khép lại 2 lượt trận với tổng tỉ số 10-2. Nếu không để ý đến 2 cái tên, khả năng sẽ có một bộ phận NHM lầm tưởng, tỉ số phản ánh sự chênh lệch tới mức lố bịch này thuộc về một cặp đấu “hạng lông” nào đó. Làm gì có chuyện Champions League tồn tại cách biệt kỳ quặc tới nhường này? Buồn thay, sự thật vẫn là sự thật!

Làm một phép so sánh nhanh với UEFA Cup/Europa League – giải đấu vốn chỉ được coi là sân chơi dự bị của Champions League, mới ngã ngửa: Hóa ra, những tỉ số chênh lệch tới 7, 8, 9 bàn lại thường xuất hiện ở Champions League hơn. Trong lịch sử UEFA Cup, chỉ có vỏn vẹn 5 chiến thắng với những cách biệt từ 7-14 bàn. Còn trong chiều dài tồn tại của Champions League, tìm một thắng lợi cỡ 10-0 dễ như… ăn cháo.

3. Bất giác thốt lên câu hỏi: Tại sao? Tại sao sân chơi của những nhà vô địch quốc gia lại xuất hiện những chiến thắng không hợp chút nào với cái tên của giải đấu? Khi Leverkusen để Barca nã tới 7 bàn vào lưới, họ có suy nghĩ gì? Buồn, nhục nhã hay cam chịu?

Phải chăng, khoảng cách giữa các CLB đang ngày càng được nới rộng, hay bản thân những kẻ bại tướng hoàn toàn không ý thức được khái niệm “danh dự”. Ở đây, ngoài danh dự của bản thân, còn cả danh dự nền bóng đá và quốc gia nữa. Trách nhiệm và sự chuyên nghiệp của các cầu thủ để đâu khi chứng kiến “bảng hiệu” của đội nhà bị đối thủ giẫm nát không thương tiếc? Hay phảng phất ở đâu có mùi của những kẻ đang sống trong thế giới ngầm, điều khiển bảng tỉ số?

Cũng mong là không. Champions League không thể là thiên đường bị quỷ ám được!

Bongdaplus.vn