Bong da

Cúp Châu Âu

Champions League 2014/15: Tranh chấp đỉnh cao thực sự giờ mới bắt đầu

Cập nhật: 20/12/2014 09:57 | 0

Vòng bảng Champions League 2014/15 đã kết thúc, những chuyến phiêu lưu kỳ lạ cũng đã khép lại, nhường chỗ cho những cuộc tranh chấp đỉnh cao thực sự. Có thể chờ đợi điều gì nơi những cặp đấu knock-out khốc liệt mở ra phần hai, cũng là phần chính của câu chuyện? Hãy điểm qua từng cặp đấu từ kết quả bốc thăm vòng 1/8.

Champions League 2014/15: Tranh chấp đỉnh cao thực sự giờ mới bắt đầu
Champions League 2014/15: Tranh chấp đỉnh cao thực sự giờ mới bắt đầu
1/PSG (PHÁP) - CHELSEA (ANH): CẶP ĐẤU CỦA THỜI ĐẠI (Lượt đi ngày 17/2/2015, lượt về ngày 11/3)


Không chỉ là sự lặp lại của cặp tứ kết mùa trước, đây còn là cuộc tái ngộ giữa David Luiz (PSG - hậu vệ đắt giá nhất trong lịch sử bóng đá) với các đồng đội cũ trong vai đối thủ. Hấp dẫn hơn, đây còn là cuộc so tài giữa hai đại diện xuất sắc nhất của trường phái “nhà giàu” trong kỷ nguyên bóng đá hiện đại. Oligarch đụng độ Oligarch. Đội bóng của tỷ phú Nga so tài với đội bóng của tỷ phú Qatar. Mùa trước, PSG thắng 3-1 tại sân nhà nhưng đội bóng của Jose Mourinho thắng lại 2-0 ở Stamford Bridge - vừa đủ để đi tiếp vào bán kết. Mùa này chắc cũng hấp dẫn như vậy.

2/MANCHESTER CITY (ANH) - BARCELONA (TBN): SO TÀI THƯỢNG ĐỈNH (Lượt đi ngày 24/2/2015, lượt về ngày 18/3)


Xét đẳng cấp chuyên môn, đây sẽ là cặp đấu hấp dẫn nhất của cả vòng 1/8. Mùa trước, đôi bên đụng độ cũng ngay vòng này, nhưng Barcelona thắng dễ trong cả hai lượt. Bây giờ sẽ khác? Giới hâm mộ trung lập có quyền nghĩ vậy. Ít ra, Man City có thể tin rằng họ nhỉnh hơn ở một vị trí cực kỳ quan trọng: HLV Manuel Pellegrini, so với Luis Enrique bên phía Barcelona. Bây giờ, “thương hiệu” Tiqui-Taca không còn uy tín như cũ. Và bây giờ, Man City đã già dặn hơn về bản lĩnh, kinh nghiệm. Họ thắng Bayern Munich để trở về “từ cõi chết”. Và họ thắng ngay trên sân Roma dù đã mất gần như toàn bộ “xương sống” trong đội hình chính. Barcelona có thể vẫn được đánh giá cao hơn, nhưng đấy là một Barcelona có thể thắng PSG và chỉ hòa Getafe trong một tuần lễ.

3/SCHALKE (ĐỨC) - REAL MADRID (TBN): CÓ HAY KHÔNG CÓ PHÉP LẠ? (Lượt đi ngày 18/2/2015, lượt về ngày 10/3)


Cách đây 4 mùa, Schalke cũng gặp nhà ĐKVĐ Champions League ở giai đoạn knock-out và chẳng ai nghĩ họ có chút cơ hội. Đối thủ khi ấy là Inter Milan, vừa loại gã khổng lồ Đức Bayern Munich ra khỏi cuộc chơi. Làm sao có thể tưởng tượng Schalke ghi đến 5 bàn trên sân đối phương để làm cho cuộc chơi coi như ngã ngũ ngay trận lượt đi? Nếu gọi đấy là phép lạ thì ít ra, giới hâm mộ Schalke cũng có quyền tin: phép lạ đã từng xảy ra trong môn bóng đá. Bàn về chuyên môn thuần túy, không có chỗ nào để nhà vô địch Champions League Real phải lo lắng trước cặp đấu này. Việc của giám đốc Emilio Butragueno khi ông chứng kiến Real vớ phải lá thăm mang tên Schalke chỉ là cố diễn thật tốt vẻ lạnh lùng, vô cảm, để cho thấy ông tôn trọng mọi đối thủ. Ông đã làm tốt việc ấy, và Real  chuẩn bị “dạo chơi”. Mùa trước, cũng ở vòng này, Real đè bẹp Schalke với tổng tỷ số 9-2!

4/LEVERKUSEN (ĐỨC) - ATLETICO (TBN): GIỮA HAI TRƯỜNG PHÁI (Lượt đi ngày 25/2/2015, lượt về ngày 17/3)


Đội thắng coi như hoàn thành chỉ tiêu ở Champions League, đội thua thì suy cho cùng cũng chẳng mất gì. Họ đều không phải là ứng cử viên vô địch (cho dù Atletico chính là đương kim á quân đi nữa). Tinh thần kỷ luật, khả năng khai thác tình huống cố định và bài phản công sắc bén của Atletico sẽ đối chọi với lối đá nhanh, đậm tính cống hiến của Leverkusen. Đôi bên chỉ mới gặp nhau 2 lần, ở vòng bảng Europa League mùa bóng 2010/11, với cả 2 lượt đều hòa 1-1. Giới trung lập có thể đánh giá Atletico cao hơn, nhưng HLV Roger Schmidt của Leverkusen tuyên bố ông hài lòng khi “được” gặp Atletico.

5/JUVENTUS (ITALIA) - DORTMUND (ĐỨC): CẶP ĐẤU CỦA HOÀI NIỆM (Lượt đi ngày 24/2/2015, lượt về ngày 18/3)


Họ từng quyết chiến trong trận chung kết Champions League 1997. Khi ấy, Juventus chính là ĐKVĐ đồng thời ở giữa chuỗi 3 lần liên tiếp lọt vào chung kết Champions League. Họ có cơ hội đi vào lịch sử với tư cách đội đầu tiên bảo vệ thành công chức vô địch ở đấu trường này (điều mà đến nay vẫn chưa có đội nào làm được). Tóm lại, Juventus chính là CLB số 1 châu Âu thời ấy. Nhưng lịch sử lại thuộc về Dortmund, với lần đầu tiên đăng quang, rất hiển hách. Bây giờ, tất cả chỉ còn là hoài niệm. Juventus là đại diện duy nhất của Calcio còn sót lại sau vòng bảng, và “nhãn hiệu Calcio” xem ra chẳng còn làm ai sợ nữa. Thế còn Dortmund? Đội bóng vừa đá trận chung kết Champions League 2013 giờ đang đứng ở vị trí số 3... từ dưới đếm lên trong bảng xếp hạng Bundesliga!

6/ARSENAL (ANH) - MONACO (PHÁP): WENGER MAY THẾ! (Lượt đi ngày 25/2/2015, lượt về ngày 17/3)


Có vẻ đã thành một thông lệ ở Champions League: Arsenal coi như hoàn thành nhiệm vụ khi vượt qua vòng bảng, rồi bị loại vì lập tức đụng độ một đối thủ quá lớn ở vòng kết tiếp: Barcelona hoặc Bayern Munich, đại khái như vậy. Thế rồi, mọi chuyện bỗng thay đổi hẳn. Kỳ này, số phận đưa đẩy HLV Arsene Wenger gặp đội bóng cũ Monaco - đội chỉ mới cách đây 2 năm còn đang chơi bóng ở giải hạng Nhì. Phải bán James Rodriguez và cho mượn Falcao, Monaco không còn là chính họ như ở mùa trước. Đại diện yếu nhất của Premier League hóa ra lại trở thành niềm hy vọng lớn nhất của bóng đá Anh ở thời điểm này. Nếu như chỉ có một đội bóng Anh lọt vào tứ kết? Số đông sẽ phán: đấy ắt hẳn là Arsenal!

7/SHAKHTAR DONETSK (UKRAINE) - BAYERN (ĐỨC): HÙM XÁM YÊN TÂM (Lượt đi ngày 17/2/2015, lượt về ngày 11/3)


Đôi bên chưa từng gặp nhau, nhưng cũng không khó để giới hâm mộ Bayern yên tâm trước đội bóng có chân sút Luiz Adriano, khá đình đám ở vòng bảng (anh từng ghi 5 bàn/trận để bắt kịp kỷ lục của Lionel Messi). Giống như các đội bóng khác của Nga và Ukraine, Shakhtar thường chơi rất tốt ở vòng bảng vì phong độ của họ luôn tốt nhất trong các tháng 10-12. Ngược lại, các tháng 2-3 là lúc mùa Đông băng giá khiến các đội bóng như Shakhtar phải nghỉ thi đấu ở trận địa trong nước và không hề có phong độ tốt nhất trong trường hợp phải thi đấu quốc tế. Chênh lệch về thực lực cũng quá rõ rồi. Bayern có thể bắt đầu toan tính cho những vòng đấu tiếp theo.

8/BASEL (THỤY SỸ) - PORTO (BĐN): AI THẮNG... CŨNG ĐƯỢC (Lượt đi ngày 18/2/2015, lượt về ngày 10/3)


HLV Paulo Sousa của Basel (ảnh) từng vô địch Champions League trong màu áo Dortmund và Juventus. Bây giờ, hai đội ấy lại đá với nhau trong khi ông đang cầm quân đối đầu với đại diện duy nhất còn lại của quê hương BĐN. Chẳng liên quan? Dù sao đi nữa, đấy là chi tiết hiếm hoi có thể làm cho những ai từng hâm mộ Paulo Sousa quan tâm đến cặp đấu này. Ai thắng cũng được, và đấy sẽ là đội bóng “được đối thủ ưa thích” ở vòng kế tiếp. Với giới hâm mộ trung lập, đây có lẽ là cặp đấu ít hấp dẫn nhất.


(báo bóng đá)