Bong da

Cúp Châu Âu

Cầm quân ở Champions League: HLV chỉ để giơ đầu chịu báng?

Cập nhật: 25/03/2015 10:00 | 0

Có một ấn tượng sâu đậm trong giai đoạn 1998-2002, khi Real Madrid áp đảo trận địa Champions League với 3 chức vô địch trong 5 mùa bóng. Truyền hình đặc tả gương mặt đầy vẻ thư giãn của HLV Del Bosque. Ông cười hềnh hệch bên ngoài đường biên, như thể đang mải bốc phét với những người xung quanh, bất chấp các cầu thủ trong sân thi đấu thế nào.

Cầm quân ở Champions League: HLV chỉ để giơ đầu chịu báng?
Cầm quân ở Champions League: HLV chỉ để giơ đầu chịu báng?
Khi ấy, Del Bosque đã gắn bó với Real hơn chục năm, nhưng chủ yếu chỉ làm trợ lý, tạm “chữa cháy” khi thiếu HLV trưởng, hoặc huấn luyện đội dự bị. Vậy mà ngay trong mùa bóng đầu tiên chính thức ngồi ghế HLV trưởng, ông đã đưa Real lên ngôi vô địch Champions League. Trong 4 mùa dẫn dắt Real (1999-2003), Del Bosque luôn vô địch Champions League hoặc La Liga. Đấy cũng là thời kỳ mà Real được gắn mác “Galacticos” - mỗi mùa bổ sung 1 siêu sao vào giải ngân hà sẵn có.

Với những siêu sao như Figo, Raul, Zidane, Ronaldo..., Del Bosque cần gì chỉ đạo! Quả đã có nhiều bài báo bình luận như vậy. Người ta thậm chí đã xem Figo là “HLV trên sân” của đội tuyển BĐN hoặc xem Zidane là “linh hồn của đội tuyển Pháp”... Bản thân họ luôn biết rõ mình phải làm gì. Người ta chỉ có thể ngăn cản từng người trong số họ, suốt 90 phút; hoặc ngăn cản tất cả, trong từng thời điểm. Không thể ngăn cản cả “giải ngân hà” suốt 90 phút. Thế nên, theo giới bình luận, Real... chả cần có HLV!

Bây giờ, Real lại đang sở hữu một dàn siêu sao. Họ lại vô địch Champions League để hoàn thành kỳ tích “La Decima”. Người ta lại xem đội bóng đã có 10 chiếc Cúp C1/Champions League là đội mạnh nhất thế giới tầm CLB. Cầu thủ hay nhất thế giới hiện tại là của Real. Cầu thủ đắt giá nhất thế giới hiện nay cũng của Real... Vậy thì, cũng như Del Bosque ngày trước, HLV hiện nay của Real chẳng cần làm việc? 


Chưa chắc. Các tờ báo đang nhìn theo hướng ngược lại: nếu như đã có những Ronaldo, Bale, Benzema... mà Real vẫn không thắng như chẻ tre thì lỗi lớn nhất thuộc về HLV trưởng Carlo Ancelotti. Hoặc nói cách khác, Real thất bại vì chiến thuật của Ancelotti!

Bảo Real thua vì chiến thuật kém, kể ra hơi ác. Suy cho cùng, cái cụm từ BBC để tâng bốc hàng tiền đạo Bale - Benzema - Ronaldo là do báo giới nghĩ ra, chứ đâu phải là ý Ancelotti. Ngược lại, bảo rằng cứ quy tụ hàng loạt siêu sao và HLV không cần chỉ đạo như Del Bosque ngày xưa thì cũng vô lý. Một trong những điều cơ bản làm nên tính hấp dẫn cho môn bóng đá là không phải cứ có đủ 11 ngôi sao thì sẽ chiến thắng.

Không có chiến thuật nào bảo đảm thành công. Mặt khác, con người dù tốt đến mấy mà không có chiến thuật tốt thì cũng vô dụng. Vấn đề là ở chỗ, vận dụng chiến thuật thế nào để con người sẵn có đi đến chiến thắng - đấy mới là điều cốt lõi. Khổ cho giới cầm quân ở chỗ: họ phải giơ đầu chịu báng khi thất bại, nhưng họ chưa chắc được ghi công khi chiến thắng.

Dùng chiến thuật nào để vô địch Champions League?
Real Madrid, Bayern Munich, Chelsea, Barcelona, Inter. Đấy là 5 nhà vô địch Champions League gần đây nhất. Họ được dẫn dắt bởi Carlo Ancelotti, Jupp Heynckes, Roberto Di Matteo, Pep Guardiola và Jose Mourinho. Khó mà tìm ra một chỗ tương đồng trong quan điểm chiến thuật của những HLV này. Cũng không hề có một con đường rõ rệt đưa họ lên ngôi vô địch.

Guardiola nức tiếng với cách chơi Tiqui-Taca rực rỡ trong khi Mourinho luôn được xem là bậc thầy về phòng ngự. Thế còn Di Matteo? Thậm chí ông chỉ bước lên từ ghế trợ lý sau khi Chelsea sa thải HLV trưởng Andre Villas-Boas. Vậy mà Di Matteo, trong vai trò “HLV tạm”, đã giúp Chelsea đánh bại cả Barcelona lẫn Bayern Munich để lần đầu tiên vô địch Champions League (ảnh).


Rõ ràng, không có chiến thuật nào, lối chơi nào bảo đảm được chức vô địch Champions League. Nói đúng hơn: người ta không thể vô địch Champions League bằng một chiến thuật duy nhất.

Xabi Alonso là cầu thủ duy nhất trong bóng đá hiện đại từng thi đấu dưới sự dẫn dắt của 4 HLV vô địch Champions League (Guardiola, Mourinho, Ancelotti, Rafael Benitez). Người ta từng hỏi Alonso về chỗ giống nhau của những HLV ấy. Câu trả lời: họ giống nhau ở chỗ... khác nhau. Bản thân mỗi vị lập tức trở nên khác hẳn chính mình, khi cần thiết. Và đấy mới là bí quyết thành công!

Alonso nói: “Họ phải có khả năng vận dụng ít nhất 3 hệ thống chiến thuật khác nhau, ngay trong một trận đấu. Không nhất thiết phải thay đổi xoành xoành, nhưng phải dễ dàng thay đổi ngay khi cần thiết, tùy theo hoàn cảnh cụ thể”. Gary Neville cũng tán đồng quan điểm này: “Khoan nói trận lượt đi và trận lượt về hoàn toàn khác nhau về mặt hoàn cảnh. Ngay trong từng trận, yêu cầu đặt ra ở những thời điểm khác nhau cũng đã khác hẳn nhau rồi”.

Vậy nên, đừng vội phán xét quan điểm chiến thuật của giới cầm quân. Chẳng ai hoàn toàn áp dụng cứng nhắc một lối chơi nào.


(báo bóng đá)