Bong da

tin-cup-chau-au

Bản chất Champions League

Cập nhật: 20/05/2012 09:15 | 0

Champions League mùa này lập rất nhiều kỷ lục. Và thú vị nhất, đó không hề là những kỷ lục tôn vinh sự hấp dẫn của giải đấu như số lượng khán giả, doanh thu hay tổng số bàn thắng...




Kỷ lục của mùa giải này lại là những chênh lệch về đẳng cấp.

Đây là mùa giải Champions League đầu tiên trong lịch sử có tới 3 đội bị loại ở vòng bảng mà không giành được điểm nào: Dinamo Zagreb, Villarreal, Otelul Galati. Trong đó, riêng Dinamo Zagreb lập kỷ lục mới về số bàn thua (22) và hiệu số bàn thắng bại (-19) của giải đấu.

Đối ngược những kẻ khốn khổ Dinamo Zagreb, đội cùng bảng Real Madrid xác lập kỷ lục về hiệu số bàn thắng bại cao nhất trong lịch sử, +17, bằng việc toàn thắng cả 6 trận vòng bảng. Barca cũng san bằng kỷ lục 6 lần liên tiếp lọt vào bán kết Champions League mà Real đã xác lập ở thập kỷ trước.

Đây cũng là mùa giải ghi nhận trận đấu có cách biệt lớn nhất trong lịch sử Champions League. Đó là trận HJK Helsinki của Phần Lan thắng Bangor City của Xứ Wales với tỷ số 10-0 ở vòng loại thứ 2.


Xét riêng các vòng knock-out, lại ghi nhận một kỷ lục khác: chiến thắng của Bayern trước Basel với tỷ số 7-0 ở vòng 1/8 là trận đấu có cách biệt lớn nhất trong các vòng knock-out.

Có trớ trêu không, khi có bao nhiêu kỷ lục chuyên môn của mùa giải 2011/12 thì bấy nhiêu là những thứ phản ánh hố sâu ngăn cách đẳng cấp của các nền bóng đá?

Đó dường như vẫn là bản chất của Champions League. Sân chơi này, bất chấp những nỗ lực cải cách của chủ tịch Michel Platini để san phẳng nó, vẫn phản ánh, hay thậm chí là tô đậm thêm khoảng cách giữa các nền bóng đá Lục địa già (ở cấp ĐTQG, Phần Lan liệu có thắng Xứ Wales 10-0, Đức có hạ Thụy Sỹ 7-0?).
Hiện tượng APOEL Nicosia từng được ca ngợi là “liều thuốc cho kế hoạch của Platini”. Nhưng sự xuất hiện của đội bóng Đảo Cyprus ở vòng tứ kết Champions League, đặt cạnh những kỷ lục như Dinamo Zagreb hay Bayern-Basel, trở nên lạc lõng. Và thực chất, việc đội bóng này bỏ ra hàng đống tiền đưa về các ngôi sao Bồ Đào Nha và Brazil cũng không thể là đại diện cho sức mạnh của các nền bóng đá nhỏ.

Vấn đề có lẽ không nằm ở thể thức thi đấu, như quan niệm của chủ tịch Platini. Vấn đề nằm ở chỗ những kẻ nhược tiểu đã được tạo cơ hội tối đa, có thực sự muốn đá bóng hay không?

Một đội bóng như Dinamo Zagreb, khi được dự vòng bảng Champions League sẽ thu về từ  8-10 triệu euro. Đổ hết chỗ tiền ấy ra TTCN cũng chẳng thể thay đổi được số phận của một kẻ “chầu rìa”. Trong khi đó, từng ấy tiền có thể là ngân sách hoạt động của một đội bóng đến từ Nam Âu trong cả mùa giải. Tại sao họ phải cố đầu tư, cố đá để có khi gây ảnh hưởng đến mùa giải VĐQG? Nhận tiền rồi ra về là… vui cả làng.
Tâm lý “có đá cũng vậy thôi” ở các đội bóng nhỏ không phải lúc nào cũng xuất hiện. Người ta vẫn thấy APOEL, Basel hay Oletul Galati chơi với tất cả sức lực.

Nhưng khi nó đã xuất hiện, thì đó sẽ là một điểm trừ của Champions League. Đặc biệt là khi ông Platini lại cứ thích tạo điều kiện cho họ vào sâu bằng cách bốc thăm phân cặp cho mạnh gặp mạnh, yếu gặp yếu như ở vòng loại.

Có lẽ việc Champions League là sân chơi của các nền bóng đá lớn, là thực tế mà người ta phải chấp nhận. Dẫu sao, nó cũng chỉ khiến giải đấu hấp dẫn hơn, chứ chẳng có hại gì.

Bongdaplus.vn