20 năm qua, châu Âu biến dạng đến thế nào vì Champions League?
>>
>>
Champions League dĩ nhiên là phải thành công, không chỉ vì châu Âu là kinh đô bóng đá thế giới, mà còn vì đấy là nơi mà bóng đá đỉnh cao được tổ chức một cách khoa học, chặt chẽ nhất. Bản thân UEFA đã thử nghiệm một vòng đấu bảng cho Cúp C1 châu Âu mùa bóng 1991/92 trước khi chính thức khai sinh Champions League trong mùa bóng 1992/93. Đấy cũng là cột mốc ra đời của giải Premiership trên quê hương bóng đá. Chỉ riêng sự trùng hợp này cũng đã làm cho người ta phải thừa nhận về sự bức bách phải chuyển mình của các giải bóng đá hàng đầu thế giới về tính chuyên nghiệp và quy mô tài chính.
Tất cả là vì vấn đề lợi nhuận, khi mà UEFA và các thành phần chủ chốt trong bóng đá châu Âu chỉ bảo đảm hốt bạc từ tiền bản quyền truyền hình nếu các tên tuổi lớn nhất của bóng đá châu Âu thường xuyên góp mặt. Ban đầu, vòng đấu bảng làm tăng số trận của các đội bóng lớn đồng thời làm giảm thiểu nguy cơ bị loại của các đội ấy (sẩy chân 1-2 trận, vẫn còn cơ hội đi tiếp). Thế rồi, mục đích lợi nhuận càng được đẩy mạnh khi UEFA không chỉ mời nhà vô địch mà cả đội á quân, rồi sau đó đến tận các đội số 3, số 4 của những cường quốc bóng đá hàng đầu châu Âu vào Champions League. Ở mùa bóng 2005/06, nếu Everton không vấp ngã ở vòng đấu loại thứ 3 thì Premiership đã có đến 5 đội tham dự Champions League!
Thế thì còn đâu ra những đội mạnh cho hai đấu trường chính còn lại của các cúp châu Âu tầm CLB! Cúp C2 nhanh chóng cáo chung vào năm 1999. Và khi chiếc cúp có nhiều truyền thống này bị UEFA xóa sổ thì hệ quả tiếp theo là đấu trường cúp quốc gia, kể cả ở những cường quốc, cũng đều trở nên thoi thóp. Bây giờ, các CLB lớn đều chỉ đưa ra lực lượng trẻ để thử nghiệm khi “phải” thi đấu ở cúp quốc gia. Cúp C3 tức UEFA Cup một thời quy tụ toàn những anh hào, nay cũng đã trở nên mờ nhạt dù đã được mang tên mới Europa League, cũng có vòng bảng. Các đội kha khá, dù không còn hy vọng đăng quang trong nước, cũng ưu tiên cho trận địa VĐQG và “đá cho xong thủ tục” ở Europa League, trong trường hợp phải chia sức cho hai giải này. Vì ở giải VĐQG, người ta còn tranh suất dự Champions League mùa sau. Champions League càng quy mô, càng hấp dẫn, thì bóng đá đỉnh cao (mà chủ yếu là các giải VĐQG) càng trở nên đơn điệu, như một hệ lụy tất yếu.
Về mặt chuyên môn, chưa có đội nào bảo vệ thành công danh hiệu vô địch Champions League một phần vì tầm quan trọng quá đáng của giải đấu này khiến các bộ óc vĩ đại nhất trong bóng đá đỉnh cao đều tập trung nghĩ cách làm sao hạ bệ được nhà vô địch. Về mặt tài chính, nếu như Real Madrid hoặc Borussia Dortmund cũng đều vượt qua vòng bảng thì tiền chia của Barcelona hoặc Bayern Munich sẽ giảm đi, nên sự kình địch giữa các đại gia trong cùng một nước lại càng tăng cao. Tổng quát là thế. Chúng ta không nhất thiết phải đi vào chi tiết, bởi Champions League đương nhiên là phải vô cùng phức tạp, từ chuyên môn đến tài chính.
Bây giờ, bóng đá đỉnh cao tầm CLB coi như chỉ còn mỗi Champions League “vô đối”. Thích hay ghét tình trạng này là tùy vào quan điểm riêng của mỗi người hâm mộ. Nhưng đấy là lộ trình tất yếu của bóng đá đỉnh cao.
CON SỐ: 52
Từ nhân vật thành công với nhiều danh hiệu vô địch nhưng chỉ luôn cười hềnh hệch trên ghế chỉ đạo như Vicente Del Bosque đến cựu danh thủ không mấy thành công trong nghề huấn luyện như Graeme Souness, Champions League đã có đúng 52 HLV… có râu mép trong lịch sử 20 năm qua (tổng số HLV từng cầm quân ở giải này trong 20 mùa bóng vừa qua là 275 vị).
Nhắc đến Champions League là phải nói đến những con số khổng lồ của bản quyền truyền hình, nói đến quyền lợi to lớn về mặt tài chính của các đội lọt được vào vòng đấu bảng, nói đến mức lương lên đến cả chục triệu euro mỗi năm của các siêu sao, và các hợp đồng với giá chuyển nhượng choáng ngợp.
Nhưng ở mức độ vi mô, hình như chưa nghe hoặc thấy UEFA có ý tưởng nào về việc phát hành một cỗ “bài tây” mang hình ảnh 52 nhà cầm quân có râu mép nêu trên để kỷ niệm cột mốc đúng 20 năm của giải đấu danh giá nhất thế giới tầm CLB. Giả sử có một dự định như thế, cũng không dễ hình dung lợi nhuận sẽ như thế nào nếu hàng trăm triệu cổ động viên trên khắp thế giới đều muốn sở hữu một bộ, vừa vì giá trị kỷ niệm, vừa vì lợi ích thiết thực của nó, nhất là trong những chuyến đi xa cổ vũ đội bóng của mình!