Bong da

Cúp Châu Âu

20 mùa giải CL: Lược sử thời gian một giải đấu huy hoàng

Cập nhật: 27/05/2013 07:25 | 0

Mùa 1992/93, thế giới đón chào một giải đấu hấp dẫn, danh giá và nặng trĩu bạc tiền thoát thai từ đấu trường Cúp C1 châu Âu. Đó chính là Champions League. Sau 20 mùa, Champions League trở thành tâm điểm bóng đá, thành con gà đẻ trứng vàng của UEFA và các CLB… trong tiếng nhạc hiệu vang lên như Thánh Ca.

20 mùa giải Champions League: Lược sử thời gian một giải đấu huy hoàng
20 mùa giải Champions League: Lược sử thời gian một giải đấu huy hoàng

ĐỘNG CƠ KHAI SINH CHAMPIONS LEAGUE
Đầu thập niên 1990, những CLB lớn muốn tổ chức một giải “siêu vô địch châu Âu” để ngăn ngừa những CLB nhỏ có cơ hội bất ngờ loại họ ra khỏi giải đấu. Ngày ấy, UEFA cũng muốn có thêm nguồn thu cũng như sự ủng hộ từ các CLB lớn. Thế là UEFA đồng ý với đề nghị của Silvio Berlusconi - ông chủ của AC Milan và một công ty truyền thông lớn về sự ra đời của  Champions League.

Họ nhất trí rằng việc những tên tuổi lớn như Milan hay Barcelona bị loại ngay từ vòng 1 là một “sự lãng phí về tài chính”. Champions League ra đời, với thể thức vòng bảng để đảm bảo “tránh lãng phí tài chính” và có thêm nhiều nguồn thu từ tài trợ và truyền hình hơn.

MỐC CHUYỂN GIAO LỊCH SỬ
Cúp C1 cuối cùng ở mùa 1991/92, chính là thí điểm của mô hình Champions League với sự ra đời của vòng đấu bảng. Từ mùa 1992/93, Champions League chính thức trình làng. Tất cả các CLB tham dự giải đấu phải nhượng lại quyền tiếp thị cho UEFA, đổi lại là một khoản thu thỏa thuận. 8 nhà tài trợ quốc tế được độc quyền quảng bá nhãn hàng tại giải đấu này, tất cả những nhãn hàng khác thì không được.



­THƯƠNG HIỆU CHAMPIONS LEAGUE
Công ty Thụy Sĩ TEAM AG tạo ra một logo mới cho giải đấu: một quả bóng gồm 8 ngôi sao, tượng trưng cho 8 đội bóng ngôi sao ở vòng bảng. Các CLB phải xóa sạch những biển quảng cáo trong SVĐ để quảng cáo cho các đối tác của UEFA khi ra dự giải. Họ phải giành những vị trí ngồi tốt nhất cho các nhà tài trợ, chọn ra những góc quay mới để phục vụ cho truyền hình.

Còn có một cách lý giải khác về logo 8 sao của UEFA. 8 ngôi sao ấy là biểu tượng cho 8 đội đã từng vô địch Cúp C1 liên tiếp 2 lần trong lịch sử, gồm: Nottingham Forest, Liverpool (Anh), Benfica (BĐN), Inter Milan, AC Milan (Italia) Ajax Amstersdam (Hà Lan), Bayern Munich (Đức) và Real Madrid (TBN). Ngôi sao to nhất, ở ngay chính giữa chính là... Real, đội 5 lần liên tiếp vô địch Cúp C1.

NGUỒN GỐC NHẠC HIỆU CHAMPIONS BẤT HỦ
Mọi tín đồ bóng đá đều thừa nhận: nhạc hiệu Champions League phải là một trong những đoạn nhạc hay nhất, có sức lôi cuốn bậc nhất trong lịch sử bóng đá. Nhưng ít ai biết điệu nhạc ấy có liên hệ sâu xa với... Robocop (Cảnh sát người máy).

Người viết đoạn nhạc bất hủ ấy - nhạc sĩ người Anh Tony Britten - chính là người viết nhạc cho bộ phim giải trí ăn khách Robocop. Lấy cảm hứng từ bản Nessun Dorma tại World Cup Italia 1990 qua giọng tenor cao vút của Luciano Pavarotti, Britten chỉ mất 1 tiếng đồng hồ để soạn. Đoạn nhạc mang nhiều âm hưởng của bản Zadok the Priest của nhà soạn nhạc người Đức Goerge Frideric Handel.

Đoạn nhạc ấy mang lại cảm xúc mãnh liệt cho tất cả mọi người từ trong sân cho đến những khán giả xem truyền hình. Nó biến sân bóng thành một dạng đấu trường La Mã. Raul Gonzalez tiết lộ rằng anh luôn nổi da gà khi nghe đoạn nhạc ấy trong khi tạp chí Sports Illustrated thì tôn đoạn nhạc này thành “Nhạc hiệu thể thao hay nhất mọi thời đại”.

BẢNG XẾP HẠNG CỦA UEFA
UEFA quy định số suất dự Champions League của từng quốc gia dựa trên thành tích thi đấu trong 5 năm. Trong tổng số 32 suất dự vòng bảng thì hiện tại TBN, Anh và Đức có 3 suất vào thẳng. Italia, BĐN và Pháp có 2 suất.

Những quốc gia có 1 suất gồm Ukraine, Nga, Hà Lan, TNK, Bỉ, Hy Lạp, Đảo Síp, Thụy Sỹ, Đan Mạch. Tất cả những quốc gia vừa nêu, cộng với tất cả các quốc gia thành viên UEFA còn lại đều có thêm một suất dự vòng sơ loại Champions League nữa trừ Liechtenstein. Quốc gia này không đủ số đội theo quy định của UEFA và họ chỉ có suất dự Europa League, thông qua Cúp quốc gia Liechtentstein mà thôi.




Vua dội bom: Raul Gonzalez
Raul không hề là cầu thủ cơ bắp, không có tốc độ kinh hoàng, lại cực hiếm sút phạt, kể cả phạt đền; vậy mà số 7 huyền thoại của Real Madrid đang giữ kỷ lục ghi 71 bàn trong 144 trận Champions League, cũng là một kỷ lục. Raul luôn có mặt đúng chỗ, đúng thời điểm và dứt điểm đơn giản nhất có thể.
Thành tựu trọn đời: Paolo Maldini
Hậu vệ hào hoa huyền thoại này giành đến 3 Champions League (chưa kể 2 Cúp C1) với kỹ năng phòng ngự tuyệt vời và dáng vẻ thanh lịch. Chức vô địch cuối cùng của Maldini đến vào năm 2007 trước Liverpool, tròn... 18 năm sau ngày giương cao chiếc Cúp C1 đầu tiên. Khi ấy Kaka mới... 7 tuổi.
Đen đủi nhất: Gaizka Mendieta
Thủ quân của Valencia chơi tuyệt hay trong 2 mùa bóng liên tiếp mà Valencia... là Á quân Champions League (2000, 20001). Năm 2002, Lazio chi số tiền kỷ lục chiêu mộ Mendieta với mục tiêu giúp họ chinh phục Champions League. Kết quả năm ấy Lazio... đứng chót bảng và bị loại. Kể từ đó, Mendieta biến mất khỏi Champions League.
Hay nhất: Lionel Messi
Ban đầu, người ta nói anh quả nhỏ bé, hiệu suất ghi bàn thấp và không biết đánh đầu. Vậy mà Messi từng là “Vua phá lưới” của Champions League suốt 4 năm liền, từng ghi 5 bàn trong một trận knock-out Champions League, ghi bàn trong 2 trận chung kết, trong đó có một từ... cú đánh đầu vào lưới Van der Sar (M.U) năm 2009.
Dũng cảm nhất: Edgar Davids
Một trong những tấm ảnh đẹp nhất Champions League ghi lại khoảnh khắc Edgar Davids tung người, chịu nguyên cả gầm giày của hậu vệ Pietro Vierchowod bên Juventus trong trận chung kết 1996. Lối chơi máu lửa của tiền vệ người Hà Lan vốn luôn là một thương hiệu và giúp cho Ajax giành Cúp C1 1995.
Thủ môn hay nhất: Iker Casillas
Iker Casillas là thủ thành hay nhất trong 20 năm đầu của kỳ nguyên Champions League. Từng giúp Real Madrid vô địch năm 2000 và 2002, Casillas cứu thua cho Real không biết bao nhiêu lần trong hơn 130 trận chinh chiến, trong đó có khoảng thời gian Real tấn công bất kể phòng ngự với… Guti và David Beckham.
Vô địch nhiều nhất: Clarence Seedorf
Nếu Zlatan Ibrahimovic đi đến đâu vô địch giải VĐQG đến đó thì Seedorf là trường hợp đến đâu là vô địch Champions League đến đó. Anh là cầu thủ duy nhất vô địch Champions League cùng 3 CLB khác nhau: Ajax 1995, Real Madrid 1998 và AC Milan 2003 & 2007..
Fair-Play nhất: Oliver Kahn
Thủ thành huyền thoại của Bayern giai đoạn 1994-2008, là biểu tượng của tinh thần fair-play. UEFA đã trao cho Kahn một giải thưởng đặc biệt. Năm 2001, Kahn đã đến an ủi người đồng nghiệp Canizares (Valencia), khi ấy gục xuống sân sau loạt sút luân lưu. Từng thua đau năm 1999, nên Kahn biết đồng nghiệp đang trải qua những gì.
Chơi bẩn nhất: Marco Materazzi
Materazzi là biểu tượng của những gì phản fair-play nhất. Từng cùng Inter Milan đăng quang năm 2010, Materazzi từng đá vào cổ và ống đồng của Andriy Shevchenko trong một trận đấu, giẫm lên gối của Benni McCarthy, giật chỏ vào mặt Juan Pablo Sorin và in dấu giày lên bụng của Rui Costa.
Bị ghét nhất: Mark van Bommel
Trong màu áo PSV, từ năm 1999, Van Bommel đã được biết đến với lối chơi đầy tiểu xảo. Tiền vệ người Hà Lan đã trung thành với phong cách thi đấu ấy từ PSV sang Barca, Bayern và Milan. Từng cùng Barca đăng quang năm 2006, Van Bommel bao giờ cũng phải thi đấu trong tiếng la ó của khán giả.

Các nhà vô địch 20 mùa
1992/93: Olympique Marseille
1993/94: AC Milan
1994/95: Ajax Amsterdam
1995/96: Juventus
1996/97: Borussia Dortmund
1997/98: Real Madrid
1998/99: Manchester United
1999/00: Real Madrid
2000/01: Bayern Munich
2001/02: Real Madrid
2002/03: AC Milan
2003/04: Porto
2004/05: Liverpool
2005/06: Barcelona
2006/07: AC Milan
2007/08: Manchester United
2008/09: Barcelona
2009/10: Inter Milan
2010/11: Barcelona
2011/12: Chelsea

Nguồn bongdaplus.vn