Drogba tin rằng đội bóng của anh “xứng đáng với một chiến thắng ở Munich”. Khái niệm “xứng đáng” để phân tích thì vô cùng (Bayern cũng có quyền nói điều tương tự), nhưng nếu xét trên quan điểm của một tập thể đã cống hiến cho bóng đá châu Âu rất nhiều, nhưng vẫn chỉ dừng lại ở việc tiệm cận với vinh quang, thì có lẽ Voi rừng có lý.
Từ Moscow năm 2008 đến Munich năm 2012 là một chặng đường dài hơn những gì họ kỳ vọng. “Chúng tôi cứ đinh ninh rằng sau trận thua đó, mình sẽ trở lại trận chung kết ngay mùa sau. Nhưng đúng là Champions League…”, anh tâm sự. 4 năm là đủ để một thế hệ già đi, và đứng trước ngưỡng cửa giải tán. Có nhiều người đã đi, và còn nhiều người sẽ đi. Malouda và Kalou đã ở cảnh “chân trong chân ngoài”. Người Trung Quốc đang chèo kéo Drogba, cầu thủ sẽ hết hợp đồng trong Hè này. Vị thế của Frank Lampard cũng không còn vững vàng như trước.
Ngay cả John Terry, trong 4 năm đó, từ chỗ là trung vệ số một nước Anh, giờ cũng đã mất băng đội trưởng đội tuyển, sụt giảm uy tín và phong độ sau những scandal, có thể bước sang sườn dốc bên kia của sự nghiệp bất cứ lúc nào. Họ chỉ còn một lần này để phục hận, bởi đây là Champions League, không phải lúc nào muốn vào chung kết cũng được. Và đây là mùa Hè mà thế hệ Jose Mourinho đã tạo dựng ở Stamford Bridge có thể sẽ tan rã.
Drogba chính là hình ảnh biểu tượng cho Chelsea thế hệ Mourinho, thế hệ đầu tiên của kỷ nguyên Roman Abramovich. Terry và Lampard có thể là biểu tượng của CLB bởi họ là người Anh, nhưng nói đến “kỷ nguyên tiền bạc” thì phải là Drogba, bởi anh được mua về từ Marseille với giá 24 triệu bảng (thời 1 bảng còn tương đương 1,8 USD), là cục cưng của Mourinho, và đại diện cho triết lý bóng đá đến giờ vẫn ám ảnh Chelsea: một tiền đạo cắm có khả năng tận dụng tối đa các cơ hội được tạo ra từ những pha phản công. Một tiền đạo sinh ra cho lối chơi phòng ngự, với thể hình hoàn hảo để đón những pha bóng dài, cùng với khả năng tỳ đè và dứt điểm cực tốt. Torres có thể là đỉnh cao của sự hoang tàn tại Chelsea, nhưng anh không thể là đại diện cho kỷ nguyên này. Chelsea có chiến thắng từ những cú rê dắt? Không, đó không thể là hình ảnh đã in đậm vào lòng những người yêu mến họ.
Chelsea có quyền hy vọng. Bởi lịch sử đã chứng minh rằng, chung kết Champions League không phải lúc nào cũng tuân theo quy luật “mạnh thắng yếu”. Dortmund, một đội bóng Đức, là ví dụ tiêu biểu cho cơ hội của một đội bóng không nhiều siêu sao nhưng có sự đoàn kết và ý chí thép, điều mà Chelsea đã thể hiện qua 2 lượt trận bán kết với Barca. Đối mặt với một Juventus trong thời kỳ hoàng kim, với Ferrara, Deschamps, Vieri và Del Piero, nhưng Dortmund đã thắng, và thắng cách biệt trong trận chung kết năm 1997. Hoặc lần lại một vài năm nữa, Chelsea có thể tìm thấy động lực ở Ajax và Marseille, 2 đội bóng đã đánh bại Milan ở các trận chung kết năm 1993 và 1995 chỉ bằng một bàn thắng. Một bàn sẽ quyết định số phận, chứ không phải là thế trận, tỷ lệ kiểm soát bóng hay số cú sút, đó là điều mà hẳn thế hệ Drogba đã “thấm nhuần” từ người tạo dựng Mourinho.
CON SỐ:
Thế hệ vàng mà Mourinho tạo ra đã kinh qua 2 trận chung kết. Những con người còn lại của 4 năm trước khác hiện tại như thế nào? Sau đây là thống kê về phong độ của họ ở 2 mùa giải 2007/08 và 2011/12.
Bongdaplus.vn