Luật công bằng tài chính có thể làm TTCN "sạch" hơn?
>>
>>
Thực tế lịch sử TTCN chứng minh, những nhà quản lý có tâm huyết với sự bình đẳng trong làng túc cầu đã nghĩ ra khá nhiều phương cách để ngăn cản xu thế “nước chảy chỗ trũng” trên TTCN. Ban đầu, người ta chuyển nhượng quanh năm suốt tháng, dẫn đến thực trạng những CLB với nền tảng tài chính yếu kém gần như không có cơ hội sắm sửa tân binh hàng hiệu (vì những CLB giàu hễ có tiền và nảy sinh nhu cầu, là lập tức mua cầu thủ lớn).
Nhận rõ sự bất cập này, không ít HLV nổi tiếng đã tập hợp ý kiến của số đông, kiến nghị phân TTCN làm những giai đoạn khác nhau. Và rồi thứ mà chúng ta quen gọi là các “phiên chợ” ra đời. Sự công bằng những tưởng xuất hiện sau khi UEFA chia TTCN làm hai giai đoạn chủ yếu: mùa Hè và mùa Đông. Xu thế này giúp các CLB nhỏ có thêm thời gian tích lũy “đạn dược” để ít nhất cũng có cơ hội cạnh tranh với những đại gia giàu có trong một đến 2 thương vụ tâm điểm (như chuyện QPR mới đây “cướp” thủ thành Julio Cesar ngay trước mũi Tottenham).
Nhưng rồi cũng vô ích. Các đại gia vẫn cứ lèo lái TTCN đi theo ý muốn của họ. Trong quá khứ chúng ta có Real Madrid, rồi đến Chelsea, Man City và mùa này là PSG. Họ, những CLB thừa tiền, sẵn sàng chi ra những mức giá gấp cả chục lần so với ngân sách hoạt động cả năm của một CLB nhỏ để mua người.
Một lần nữa UEFA phải ra tay. Luật công bằng tài chính được đưa vào cốt cũng để giảm thiểu việc những đội bóng lớn sử dụng lượng tiền vượt quá xa so với khả năng kinh doanh thực tế của họ để làm lũng đoạn TTCN. Đây được coi là một trong những biện pháp kịp thời để cân bằng lại thị trường “săn đầu người” hoạt động quá phi lý trong vài năm gần đây.
Luật công bằng tài chính cũng đồng thời là câu trả lời cho thắc mắc: Có nên hạn chế chuyển nhượng? Đó là một việc nên làm. Không thể để thực trạng những CLB lắm tiền thích mua cầu thủ nào thì mua. Ngoài tạo ra sự phá giá quá lớn trên TTCN, việc ông lớn vung tiền cũng được coi là nhân tố khách quan tác động đến lòng trung thành của nhiều cầu thủ lớn - thứ giá trị đạo đức đang ngày càng kém đi.
Cho dù luật công bằng tài chính vẫn chưa hoàn toàn nhận được sự đồng thuận từ tất cả các ông lớn. Nhưng hãy tin rằng, người ta chỉ đang cố gắng làm những gì tốt nhất cho một thế giới túc cầu công bằng.