Chuyển nhượng giữa mùa luôn là... thất sách
Mặt khác, số lượng cầu thủ có thể chuyển nhượng giữa mùa cũng không nhiều. Nguyên nhân dễ hiểu: đâu ai chịu bán cầu thủ đang có phong độ tốt.
Như vậy, cả số lượng lẫn chất lượng cầu thủ trong “cửa sổ mùa Đông” đều thấp, ít ra là về lý thuyết. Một bất lợi hiển nhiên khác cho các đội đang muốn mua người trong lúc này: “cửa sổ mùa Đông” chỉ kéo dài 1 tháng, ngắn hơn so với 3 tháng của “cửa sổ mùa Hè”.
Thời gian để đàm phán không nhiều, quy trình chuyển nhượng cập rập, thì dĩ nhiên xác suất thất bại của bản hợp đồng phải cao. Vả lại, cầu thủ mới chỉ gia nhập đội bóng ở thời điểm khoảng 2-3 tháng trước lúc mùa bóng đạt đến cao trào, thường không có đủ thời gian cần thiết để hòa nhập với môi trường mới.
Nhìn vào đâu cũng thấy, mua cầu thủ mới ngay giữa mùa bóng là thất sách. Đã vậy, bất lợi này thường làm nảy sinh bất lợi khác. Mua thì phải bán, để cân bằng quỹ lương đồng thời có chỗ cho cầu thủ mới. Vì nhu cầu cấp bách, đội mua thường chịu thiệt thòi về kinh tế: trả giá cao cho cầu thủ mới và chấp nhận giá rẻ đối với cầu thủ ra đi.
Dĩ nhiên, không phải tất cả đều là như vậy. Năm ngoái, Nemanja Matic trở lại Chelsea trong “cửa sổ mùa Đông” và anh ngày càng thành công. Marcelo gia nhập Real Madrid hồi đầu năm 2007 và anh gắn bó với Real đến tận bây giờ. Nhưng đấy là những trường hợp đặc biệt: đội nhà giàu chi tiền mua ngay ngôi sao ưa thích chủ yếu để đảm bảo ngôi sao ấy không thuộc về CLB khác trong mùa Hè sắp tới. Đấy không phải là sự tăng cường sức mạnh chuyên môn thuần túy.
Đâu phải CLB nào cũng có điều kiện để mua người kiểu Chelsea hoặc Real. Ngược lại là đằng khác. Có nhiều trường hợp chỉ vì chính sách “thắt lưng buộc bụng” mà thiếu trước hụt sau về mặt chuyên môn, dẫn đến khó khăn trong nửa đầu mùa bóng rồi phải vá víu, chịu thiệt thòi với những bản hợp đồng “mì ăn liền” trong mùa Đông.