Bong da

Hậu trường

Oscar Pistorius bắn chết bạn gái vào ngày Valentine: Bi kịch tình yêu của cả dân tộc Nam Phi

Cập nhật: 23/02/2015 07:19 | 0

Ngày Valentine năm ngoái, Oscar Pistorius viết tâm thư nói rằng, bi kịch Lễ tình yêu tháng 2/2013 sẽ ám ảnh anh đến hết phần đời còn lại. Nhưng trong bối cảnh xã hội đầy bạo lực ở Nam Phi mà nạn nhân phần lớn là phụ nữ như người mẫu Reeva Steenkamp, đó đâu phải là bi kịch của “Người không chân”?

Oscar Pistorius bắn chết bạn gái vào ngày Valentine: Bi kịch tình yêu của cả dân tộc Nam Phi
Oscar Pistorius bắn chết bạn gái vào ngày Valentine: Bi kịch tình yêu của cả dân tộc Nam Phi
MÀN KỊCH VỤNG VỀ
Ngày 2/2/2013, thêm một vụ án cô gái 17 tuổi ở Cape Town có tên Anene Booysen bị hiếp và sát hại dã man. Trước sự bức xúc của dư luận, Tổng thống Jacob Zuma phải lên tiếng kêu gọi tuyên án thật nặng những kẻ có liên quan. Nhưng có điều, vấn nạn bạo lực đối với phụ nữ dường như vượt quá khả năng và tầm kiềm soát của Chính phủ, đến mức các cô gái sợ bị cướp, bị giết và bị hiếp tới “mức độ hoang tưởng”. 

Sau vụ thảm án này, trên trang mạng xã hội Twitter, người mẫu Reeva Steenkamp chia sẻ rằng, cô cảm thấy mình là người phụ nữ hạnh phúc, khi mỗi sáng được thức giấc trong ngôi nhà an toàn. Cô kêu gọi toàn xã hội Nam Phi chung tay loại bỏ bạo lực. Nhưng Reeva đâu có ngờ chỉ vài ngày sau, số phận của cô cũng chẳng khác Anene, nếu như không muốn nói là bi kịch hơn: trong ngày lễ của những cặp tình nhân, cô chết trong “ngôi nhà an toàn” và kẻ sát hại là người cô yêu.

Vậy ở Nam Phi, còn ngôi nhà nào an toàn hơn cho phụ nữ? Phiên tòa kéo dài trong suốt hơn 1 năm, thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân Nam Phi cũng như những người đấu tranh cho công bằng và nhân quyền trên thế giới. Từ phiên xử đầu tiên cho tới phiên kết thúc ở tòa án tối cao Pretoria, Oscar Pistorius đều cho rằng “đó là tai nạn” vì anh nhầm tưởng vị hôn thê của mình là kẻ đột nhập. Anh nổ 4 phát súng xuyên qua cửa phòng nhà vệ sinh là để tự vệ. 

Để chứng minh Oscar… khai đúng sự thật, tòa án bất ngờ loại bỏ Hilton Botha - điều tra viên nắm toàn bộ bằng chứng chứng minh VĐV khuyết tật này cố ý bắn chết bạn gái. Mỉa mai là ở chỗ, Botha còn bị khởi tố với tội danh ngộ sát giống như Pistorius ở một phiên tòa khác, đúng vào thời điểm công lý cần ông nhất. 


Rốt cuộc, vào ngày 11/9 năm ngoái, Pistorius được hủy tội danh cố ý giết người và đến này 21/10, Pistorius chỉ lĩnh án 5 năm tù giam cho tội danh ngộ sát và 3 năm tù án treo vì tội sử dụng vũ khí trái phép và đe dọa thiếu thận trọng.

Pistorius thoát án cố sát vì thiếu nhân chứng và những bằng chứng rõ ràng. Gia đình nạn nhân và người dân Nam Phi bức xúc, bởi người ta cho rằng, phiên xử Pistorius giống như một màn kịch vụng về che giấu cho hành vi tội ác.

GIÁ TRỊ CỦA SỰ CÔNG BẰNG
Oscar Pistorius từng là niềm tự hào của người dân Nam Phi về tinh thần thể thao, là biểu tượng và khát vọng vươn lên của trẻ em khuyết tật Nam Phi. Anh sinh ra với đôi chân dị tật bẩm sinh (không xương mác) và người ta phải cưa đôi chân anh khi mới 11 tháng tuổi. Nhưng Pistorius quyết không đầu hàng số phận, anh chơi thể thao như một niềm đam mê rồi quyết định chọn điền kinh là bộ môn để khẳng định mình với đôi chân giả được tạo bởi sợi tổng hợp carbon. 

Nhưng trên cả tất thảy, Pistorius được ví như người hùng, là biểu tượng cho cuộc chiến đấu vì công bằng giống như lãnh tụ vĩ đại của Nam Phi là Nelson Mandela. Bởi sau khi không có đối thủ ở sân chơi Paralympic, Pistorius quyết tranh tài công bằng với những VĐV bình thường ở Olympic. Nhưng tới tháng 1/2008, Liên đoàn Điền kinh thế giới (IAAF) cấm Pistorius tham dự sân chơi Olympic, bởi đôi chân giả làm bằng sợi carbon tổng hợp của anh được cho là mang lại lợi thế hơn so với những VĐV bình thường. 

Vì giấc mơ Olympic, Pistorius đã đâm đơn kiện lên tòa án thể thao (CAS). Thời điểm đó, người Nam Phi sát cánh cùng “Blade Runner”, không chỉ bởi họ thương cảm với nghị lực của người khuyết tật, mà người ta còn xem cuộc chiến pháp lý giữa Pistorius và IAAF là cuộc chiến đấu tranh vì sự công bằng. Nhưng trong vụ án Lễ tình yêu, chẳng ai ủng hộ Pistorius nữa, cũng vì sự công bằng.

NỖI ÁM ẢNH VALENTINE
Vì sao những bằng chứng chống lại VĐV khuyết tật 28 tuổi nổi tiếng của Nam Phi đều bị tòa án loại bỏ? Phải chăng những ngôi sao thể thao có được đặc quyền… giết người? Hay nguồn tiền khổng lồ của “Người không chân” còn mạnh mẽ hơn hệ thống pháp lý của Nam Phi? 

Trong cuốn sách “Chase Your Shadow”, John Carlin - tác giả trước đó từng viết nhiều đề tài về Nam Phi, trong đó có cuốn tiểu sử của Nelson Mandela cho rằng, vụ án Oscar Pistorius chính là… Nam Phi. Theo đó, Pistorius phản ánh sự phát triển của Nam Phi là một quốc gia đang đánh đu giữa các đặc điểm của sự kiêu ngạo và tiến bộ. 

Quả thực, Nam Phi là quốc gia phát triển bậc nhất ở Lục địa đen nhưng cũng là “thiên đường của bạo lực” mà nạn nhân phần lớn là phụ nữ. Theo tờ Guardian, tại quốc gia này trung bình mỗi ngày có tới 7 phụ nữ bị giết hại và cứ mỗi 17 giây trôi qua lại xảy ra một vụ hiếp dâm. 


Sau vụ án Valentine chấn động mà Pistorius gây ra, Chính phủ Nam Phi phải lên tiếng công khai ủng hộ chiến dịch “16 ngày chống bạo lực phụ nữ và trẻ em”. Nhưng trên thực tế, nạn bạo lực nhằm vào phụ nữ không hề có dấu hiệu suy giảm. Hay nói cách khác, nó còn có dấu hiệu leo thang sau vụ Pistorius. 

Vậy Oscar Pistorius nghĩ gì? Ngày Valentine năm ngoái, trên trang mạng xã hội Twiter, “Người không chân” viết: “Một vài lời tâm sự từ trái tim tôi. Tôi không biết phải diễn tả thế nào về cảm giác sau tai nạn nghiêm trọng mà tôi đã gây nên. Tai nạn đó gây nỗi đau khổ cho những người yêu thương và sẽ tiếp tục yêu thương Reeva. Sự ra đi của Reeva và những điều đã xảy ra trong ngày Lễ tình yêu sẽ ám ảnh và theo tôi trong suốt phần còn lại của cuộc đời”.

Valentine ám ảnh Pistorius? “Người không chân” đang bóc lịch chờ ngày tự do, ngày ấy không quá xa. Nhưng một xã hội công bằng, không bao lực ở Nam Phi bao giờ mới tới? Như bản báo cáo dày 274 trang của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào cuối năm ngoái thì ngày đó còn quá xa vời. Với người dân Nam Phi, đó mới là nỗi ám ảnh và bi kịch.

Một người thân của gia đình nạn nhân Reeva Steenkamp mỉa mai trong uất ức ngay sau khi phán quyết gây sự phẫn nộ của tòa án: “Osar là người không chân nhưng anh ta đã cho những người có chân khác thấy thêm một bài học nữa về giá trị đích thực của sự công bằng là gì”.  

Theo nguồn tin từ các tổ chức quốc tế, trong năm qua ở Nam Phi có tới 2.226 phụ nữ bị giết hại, 141.130 phụ nữ là nạn nhân của hãm hiếp và bạo hành.   


(báo bóng đá)