Bong da

Hậu trường

HLV Van Basten từ chức tại AZ Alkmaar vì Stress: Chữ Tài liền với chữ Tai một vần

Cập nhật: 22/09/2014 09:38 | 0

Rút cuộc, Marco van Basten đành phải rời ghế huấn luyện ở tuổi 49 - độ tuổi có lẽ là đẹp nhất trong nghề huấn luyện. Trước đó, khi còn là ngôi sao hàng đầu thế giới, Van Basten cũng đành treo giày ở tuổi 28 - độ tuổi đẹp nhất trong đời cầu thủ. Thật đáng tiếc cho một con người tài hoa nhất nhì trong bóng đá đỉnh cao.

HLV Van Basten từ chức tại AZ Alkmaar vì Stress: Chữ Tài liền với chữ Tai một vần
HLV Van Basten từ chức tại AZ Alkmaar vì Stress: Chữ Tài liền với chữ Tai một vần
LỊCH SỬ CÓ THỂ ĐÃ KHÁC!
Ở mùa bóng 1991/92, Van Basten ghi 25 bàn - một hiện tượng trên sân cỏ Serie A vốn không có nhiều bàn thắng, nhan nhản các trung vệ cùng thủ môn giỏi, và đa số các đội đều chơi nặng về phòng thủ. Đấy là nguyên nhân lớn nhất giúp AC Milan đoạt Scudetto với thành tích bất bại trong suốt mùa bóng. Kỷ lục bất bại còn được Milan kéo dài sang mùa bóng 1992/93, tổng cộng là 58 trận, với Van Basten tiếp tục là ngôi sao số 1. Còn trên đấu trường Champions League, Van Basten là cầu thủ đầu tiên ghi đến 4 bàn trong 1 trận đấu.

Đấy là lúc mà cả thế giới thống nhất một cách tuyệt đối, rằng Van Basten là ngôi sao số 1 hành tinh. Ông bắt kịp kỷ lục 3 lần đoạt “Quả Bóng Vàng châu Âu” của Michel Platini và Johan Cruyff. Nhưng tất nhiên, Van Basten được đánh giá cao hơn cả hai tượng đài đi trước vì ông mới 28 tuổi khi đoạt giải lần thứ 3.

Lịch sử bóng đá đỉnh cao sẽ như thế nào nếu Van Basten không bị chấn thương trong trận gặp đối thủ yếu Anconna ở mùa bóng 1992/93? Rất khó nói. AC Milan khi ấy đã vào chung kết Champions League (thua Marseille 0-1, sau khi đối thủ... mua độ để sớm bảo đảm chức vô địch ở giải Ligue 1). Milan lại vào chung kết Champions League lần nữa, đè bẹp Barcelona 4-0 năm 1994, rồi họ lại vào chung kết và thua Ajax Amsterdam 0-1 năm 1995. 


Chấn thương dai dẳng không chỉ khiến Van Basten mất cơ hội tỏa sáng dưới màu áo Milan, trong thời kỳ hùng mạnh nhất lịch sử của CLB này. Van Basten còn mất cơ hội dự World Cup 1994 cùng đội tuyển Hà Lan. Giả sử Van Basten không chấn thương và đoạt “Quả Bóng Vàng châu Âu” thêm một lần nữa, ông đã có thể trở thành tượng đài số 1 trong suốt lịch sử. Và giả sử như thế, bây giờ người ta đã có thể nhìn vào thành tích của Lionel Messi theo một cách khác.

Việc Van Basten tuyên bố treo giày, giải nghệ vĩnh viễn vào năm 1995, chỉ là điều phải đến. Khi ấy, ông đã trở thành khán giả trong suốt 2 năm, với tình trạng chấn thương chữa mãi không lành. Thật đau đớn cho một siêu sao phải ra đi ngay khi đang ở tuyệt đỉnh vinh quang.

ĐẤY LÀ SỐ PHẬN, HAY... ÂM MƯU?
Đã có rất nhiều quyển sách - chứ không chỉ là những bài báo lớn - viết về sự nghiệp của Van Basten và chấn thương kỳ lạ của ông. Đầu thập niên 1990 không chỉ là giai đoạn mà Calcio thống trị làng cầu thế giới. Đấy còn là lúc mà mafia gây ảnh hưởng rất nặng nề đến Serie A.

Đấy không phải là suy diễn suông. Sau này, người ta đã biết rõ Camorra (lực lượng mafia cát cứ vùng Naples) cung phụng và chi phối Diego Maradona như thế nào. Một bác sĩ riêng của Maradona từng tiết lộ: ông thường xuyên chích... nước lã khi điều trị chấn thương cho Maradona. Và do vậy, giới hâm mộ Hà Lan không thể không suy nghĩ với tin đồn: có không ít người ở Italia không muốn chấn thương của Van Basten được chữa lành.

Sự thật là sau này, chính Van Basten đã tỏ ra hối hận, rằng đáng lẽ ông phải trở về Hà Lan để điều trị chấn thương ngay từ đầu. Câu chuyện trước sau vẫn đầy bí ẩn. Dù sao đi nữa, rõ ràng là Van Basten đã phải chào thua số phận, khi ông treo giày quá sớm, khi hào quang còn quá sáng, và trong hoàn cảnh quá éo le.

Bây giờ cũng vậy, khi sự nghiệp huấn luyện của Van Basten đang có chiều hướng đi lên, sau những thành công bước đầu ở Heerenveen và AZ Alkmaar, thì ông buộc phải rời ghế vì stress. 

Đừng nghĩ Van Basten chỉ đang “học việc”. Ông từng dẫn dắt những đội bóng lớn hơn thế, như đội tuyển Hà Lan hoặc Ajax Amsterdam. Stress là chứng bệnh quái quỷ đã làm hỏng sự nghiệp của không biết bao nhiêu tài năng lớn trong bóng đá. Và bây giờ, nó đã chế ngự cả huyền thoại Van Basten. Tài hoa, bạc phận.

Stress - tử thần giấu mặt
Tuyển thủ Đức Robert Enke (ảnh) nằm xuống đường ray, tự sát vì không thể chiến thắng chứng bệnh stress. Gary Speed cũng treo cổ tự sát khi đang giữ ghế HLV trưởng đội tuyển Xứ Wales, vì stress. Đấy là những nạn nhân nổi tiếng và trực tiếp của căn bệnh đáng nguyền rủa trong bóng đá đỉnh cao. Còn có rất nhiều nạn nhân gián tiếp, như ngôi sao Đức Sebastian Deisler hoặc cầu thủ Fabrice Muamba từng khoác áo Arsenal, đành sớm giải nghệ ở độ tuổi còn rất trẻ.


Liên quan đến stress còn có hội chứng RSI (Repetitive Stress Injury - tạm dịch là chấn thương lặp đi lặp lại do stress), đã làm khổ không biết bao nhiêu ngôi sao đầy triển vọng trong bóng đá đỉnh cao. Mario Goetze, Jack Wilshere, Ronaldo (Brazil) đều là các trường hợp thường xuyên chấn thương dù không hề va chạm với đối thủ trên sân.

Đọc lại hồi ký của Andy Cole, Stan Collymore, Neil Lennon, Clarke Carliste, chúng ta đều dễ dàng nhận ra đây đó trong thế giới bóng đá đỉnh cao, rất nhiều cầu thủ hoặc HLV đã là nạn nhân của stress. Sau này, khi giới chuyên môn đành phải nhìn nhận stress như một vấn đề nghiêm túc, cần phải phòng tránh, người ta còn công bố cả mối liên hệ giữa stress với những căn bệnh tim mạch, tưởng không liên quan gì. Những cầu thủ xấu số như Dani Jarque hoặc Antonio Puerta đều đã chịu đựng stress trước khi họ qua đời vì bệnh tim.

Van Basten vĩ đại như thế nào?
Trước Lionel Messi, không có ngôi sao nào đoạt “Quả Bóng Vàng” châu Âu nhiều hơn Marco Van Basten. Ngay cả các huyền thoại như Michel Platini hoặc Johan Cruyff cũng chỉ chia sẻ kỷ lục 3 lần đoạt “Quả Bóng Vàng” với Van Basten.

Khi FIFA tổ chức bầu chọn danh hiệu “Cầu thủ hay nhất thế giới trong thế kỷ 20” qua internet, Van Basten được xếp thứ 6 - cao hơn rất nhiều tượng đài vĩ đại trong lịch sử bóng đá như Franz Beckenbauer, Michel Platini, Johan Cruyff, Alfredo Di Stefano, Ferenc Puskas, Lev Yashin, George Best, Bobby Charlton... Vì ngôi đầu thuộc về Diego Maradona nên FIFA đành... tổ chức lại, thay đổi thể thức bầu chọn, để cuối cùng Maradona và Pele chia nhau vị trí số 1 (còn kết quả đầu tiên thì FIFA làm mọi cách để nó trôi vào quên lãng).

Van Basten (giữa) ăn mừng sau bàn thắng kinh điển vào lưới ĐT Liên Xô tại EURO 1988

Khi còn thi đấu, Van Basten nổi tiếng bởi khả năng kiểm soát bóng tuyệt vời, hiệu quả ghi bàn và vẻ đẹp trong các pha ghi bàn - nhất là những cú volley sở trường. Cú ghi bàn ấn định tỷ số trong trận chung kết EURO 1988 của Van Basten là một trong những bàn thắng đẹp, bất ngờ và đáng nhớ nhất trong toàn bộ lịch sử bóng đá. 

Van Basten nhận đường chuyền bổng, dài và chéo sân của Arnold Muhren, ở một vị trí gần như không thể tung cú dứt điểm. Lạ thay, ông vẫn tung cú volley cháy lưới, hạ gục thủ môn nổi tiếng Rinat Dassaev, giúp Hà Lan thắng Liên Xô 2-0. Ngoài giá trị nghệ thuật và khả năng xử lý tuyệt vời, bàn thắng của Van Basten còn đưa Hà Lan lên ngôi vô địch EURO lần đầu tiên. Đấy là điều mà thế hệ của huyền thoại Johan Cruyff không làm được.

Ngoài đội tuyển Hà Lan (ghi 24 sau 58 trận), Van Basten chỉ khoác áo 2 CLB: Ajax Amsterdam và AC Milan (ghi tổng cộng 218 bàn sau 280 trận). Sau này, ông huấn luyện đội tuyển Hà Lan và các CLB Ajax, Heerenveen, AZ Alkmaar.


(báo bóng đá)