"Ông bầu" Hợp, HLV Đặng Thanh Phương và các cầu thủ Linh Đàm FC Kids
Đội bóng của các cầu thủ nhí này mang một cái tên cũng rất ngộ: Linh Đàm FC Kids. Đội bóng này mới được hình thành trong mùa hè năm nay, là tập hợp của các các em nhỏ ở khu đô thị mới Linh Đàm.
“Ông bầu” của đội bóng này là anh Trần Tuấn Hợp, và sau câu chuyện với anh Hợp thì tôi mới biết được nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của Linh Đàm FC Kids. Ông bố quyết định lập đội bóng vì sở thích của ông con, khi cậu nhóc nhà anh Hợp rất mê bóng đá và chơi bóng rất tốt. Cứ phải lọ mọ đưa con đi tập bóng đá ở sân xa, xin cho con tập năng khiếu thử và cậu nhóc vẫn bảo được chơi bóng ít quá, không đã.
Những ngày hè, các ông bố bà mẹ hàng xóm gần nhà cũng kêu than rằng giờ chẳng biết cho con chơi gì, chơi ở đâu cho đảm bảo, an toàn, lại phát triển được thể chất và trí tuệ, chứ đến ngày hè mà cứ bắt con học kiểu “nhồi sọ” thì chúng nó tự kỉ mất. Thế là anh Hợp quyết định lập một đội bóng cho riêng các em, vì người lớn tập hợp nhau đi đá “phủi” được, thì trẻ em cũng phải có đội bóng của mình chứ. Anh Hợp tự tay viết cáo tờ thông báo, với nội dung “lập một đội bóng đá thiếu nhi” và dán ở các nơi trong khu đô thị mình ở.
Kết quả vượt ngoài mong đợi, rất nhiều bậc phụ huynh đã hưởng ứng nhiệt tình, và Linh Dam FC Kids ra đời. Tài chính của đội do các bậc phụ huynh đóng góp, và chi tiêu khoản gì khoản gì có một “ban kế toán” với sự tham gia của vài bà mẹ. Anh Hợp liên hệ với HLV bóng đá trẻ Đặng Thanh Phương, và anh Phương đã lập tức nhận lời rất vui vẻ. Sau khi các con đi tập với nhau được vài buổi, các ông bố trong lúc xem con tập, chờ đợi con, cũng “máu” lên lập luôn một đội bóng và chơi bóng cùng nhau ở sân Linh Đàm.
Dạy con đá bóng, dạy con lên người
Việc được tập, được cùng nhau chơi bóng đá khiến bọn trẻ rất khoái. Các ông bố bà mẹ cũng tranh thủ việc đá bóng để yêu cầu các cậu nhóc học thêm. Một CLB Tiếng Anh dành riêng cho thiếu nhi, mang màu sắc và phong cách Anh Quốc. Cái tên của CLB Tiếng Anh này cũng rất “ngộ”, rất dễ thương: TinLi. Các bạn nhỏ học tại câu lạc bộ được luyện và phát triển kỹ năng nghe, nói, đọc, viết Tiếng Anh và Kỹ năng Tư duy. Kỹ năng tư duy (Thinking Skills) là để chuyển kỹ năng thành bản năng khi sử dụng Tiếng Anh, một kĩ năng rất tốt nếu các em nhỏ được học.
Cũng giống như bóng đá có HLV chuyên đào tạo trẻ, CLB Tiếng Anh của các cậu nhóc ở Linh Đàm cũng khá “xịn”, giáo viên tại câu lạc bộ có nhiều kinh nghiệm giảng dạy và đã làm việc nhiều năm ở Vương quốc Anh trong lĩnh vực giáo dục. Bên cạnh chương trình giảng dạy thì các em nhỏ còn được tham gia các hoạt động ngoại khóa.
Việc vừa chơi bóng vừa học này khiến nhiều cậu nhóc vốn chỉ thích nghịch, thích chơi, nhưng lại lười học hào hứng hẳn, và cả việc chơi lẫn việc học đều hiệu quả. Cha mẹ các em thì lại yên tâm về con mình, ngoài ra còn giao lưu học hỏi kinh nghiệm giáo dục con cái được với rất nhiều với các ông bố bà mẹ khác. Tự nhiên, đội bóng của những cậu nhóc lại góp phần thắt chặt tình đoàn kết trong khu phố.
Các bậc phụ huynh cổ vũ các cầu thủ nhí thi đấu một cách hứng khởi
Để nâng tầm đội bóng, anh Hợp đã cùng các bậc phụ huynh khác tổ chức các trận đấu, tổ chức giải bóng đá giao hữu cho FC Linh Đàm Kids với các đội bóng thiếu nhi khác. Mục đích của các trận đấu giao lưu này là quyên góp từ thiện giúp đỡ các bạn nhỏ cùng lứa tuổi nhưng gặp khó khăn, có số phận không may mắn ở các bệnh viện, các làng trẻ em. Thông qua hoạt động này, các bậc phụ huynh muốn hướng các con đến sự sẻ chia, lòng nhân ái, tinh thần vì cộng đồng.
Anh Hợp cho biết, việc lập ra FC Linh Đàm Kids hoàn toàn là phi lợi nhuận, chi phí do các bậc cha mẹ tự nguyện đóng góp và được chi dùng cho các hoạt động của đội bóng nên không hề tốn kém. Đã có rất nhiều bậc cha mẹ khác biết đến và muốn cho con tham gia nhưng hiện tại để đảm bảo cho hoạt động của đội bóng, anh Hợp chưa thể lo hết vì nếu đông quá sẽ khó quản lý. Đây cũng là điều mà anh Hợp cùng các bậc cha mẹ khác trăn trở, vì đều muốn tất cả các em nhỏ đều được tham gia vào những sân chơi chung bổ ích.
Mô hình đội bóng Linh Đàm FC Kids, vừa tham gia rèn luyện thể thao vừa học văn hóa cho các em nhỏ thực sự là một mô hình đáng nhân rộng, trong điều kiện và hoàn cảnh xã hội hiện nay.
Trần Uy Vũ