Bong da

Confed cup

ĐT Brazil: Quá nhiều nhược điểm có khi là ưu điểm

Cập nhật: 15/06/2013 20:46 | 0

Đối với tuyệt đại đa số người hâm mộ ĐT Brazil, trong tay Felipe Scolari đang là một Selecao yếu nhất trong toàn bộ lịch sử. Nhưng đấy có phải là câu trả lời về khả năng Brazil vô địch World Cup 2014? Bóng đá hấp dẫn bởi một quy luật muôn thuở: yếu chẳng phải là không có hy vọng và đội vô địch không đồng nghĩa với đội mạnh nhất. Thế nên, Scolari có quyền bình thản trước những chỉ trích về sự yếu kém của Selecao hiện thời, đặc biệt sau khi các học trò của ông đại thắng ĐT Pháp 3-0 vài ngày trước

ĐT Brazil: Quá nhiều nhược điểm có khi là ưu điểm
ĐT Brazil: Quá nhiều nhược điểm có khi là ưu điểm


CÒN THUA XA ECUADOR HAY BOSNIA!
Những nhận xét tiêu cực về ĐT Brazil được chứng thực trong BXH FIFA. Đúng 1 năm trước ngày khai mạc World Cup 2014, Brazil rơi xuống vị trí thứ 22 thế giới - thấp nhất kể từ khi FIFA giới thiệu bảng xếp hạng vào năm 1990. Thua 7 bậc so với Bosnia-Herzegovina, và thua đến 12 bậc so với Ecuador! Vẫn biết, BXH FIFA chỉ có giá trị tham khảo, nhưng đấy vẫn là một cột mốc buồn mang tính lịch sử.

Năm ngoái, HLV Mano Menezes dẫn dắt ĐT Brazil dự Olympic 2012 với nhiều mục tiêu quan trọng. Họ phải quyết tranh tấm HCV bóng đá nam Olympic vì đấy là danh hiệu vô địch duy nhất mà bóng đá Brazil còn thiếu. Mặt khác, Menezes phải dùng trận địa Olympic để tăng cường kinh nghiệm thi đấu quốc tế cho các niềm hy vọng Brazil trước thềm World Cup.

Pato, Ganso, Neymar, Oscar, Damiao đều xuất trận, bên cạnh các đàn anh già dặn hơn như Marcelo, Hulk, Thiago Silva. Kết quả, Brazil gục ngã trước một Mexico thậm chí chẳng cần dùng đến ngôi sao duy nhất là Javier Hernandez!

Trước đó, đoàn quân của Menezes cũng đã đại bại ở Copa America 2011, thua Paraguay trong một trận đấu mà các tuyển thủ Vàng - Xanh sút hỏng đến 4 quả 11m luân lưu. Mất ghế là chuyện hiển nhiên. Trớ trêu thay, Menezes ra đi không phải ngay sau thất bại ở Copa America hoặc Olympic.

Ông chỉ bị sa thải vào tháng 12/2012 - vào đúng thời điểm mà theo giới chuyên môn thì đấy lại là lúc đội tuyển Brazil của ông có vẻ thành công nhất. Người ta chẳng bao giờ thấy lạ về khâu tổ chức lộn xộn và những quyết định khó hiểu của LĐBĐ Brazil (CBF).


ĐỘI TUYỂN CỦA CBF
Chẳng có gì mới mẻ khi người ta nhìn vào bộ sậu lên thay BHL của Menezes. HLV từng đưa Brazil lên ngôi vô địch World Cup 2002, Luiz Felipe Scolari, nay lại cầm trịch. Trợ lý của ông là HLV đã vô địch World Cup 1994, Carlos Alberto Parreira. Cái nhìn bi quan: họ đều chỉ là những người cũ, không có ý tưởng mới mẻ nào.

Ở Brazil bây giờ, uy tín cao nhất trong làng huấn luyện thuộc về Tite, HLV đã đưa Corinthians lên ngôi vô địch Copa Libertadores và FIFA Club World Cup 2012. Bình luận viên Vinicius Coelho nhận xét: “Từ khi trở về Brazil huấn luyện, Scolari chưa làm được bất cứ việc gì cho thấy ông xứng đáng dẫn dắt ĐTQG lần nữa”.

Cũng cần nói thêm, trước khi về Brazil, Scolari từng bị sa thải vì thất bại ở Chelsea, sau đó trôi dạt sang đội Bunyodkor ở Uzbekistan. Coelho bình luận: “Scolari nhìn về bóng đá với những suy nghĩ của thời kỳ 1990”. Một cây bút nổi tiếng khác ở Brazil, Juca Kfouri, so sánh Tite với Scolari: “Bạn sẽ chọn ai giữa một HLV vừa đem về cho CLB của mình (Corinthians) chức VĐTG, và một HLV vừa bị sa thải bởi CLB của mình (Palmeiras) đang đứng trên bờ vực rớt hạng?”.

Một cách sâu xa, người ta cho rằng HLV Scolari nói riêng cũng như ĐT Brazil hiện nay là “của CBF”, chứ đấy không phải là “Selecao của công chúng”. Và khi bàn về CBF, giới quan sát lại bị đẩy vào cả một thế giới phức tạp hỗn độn khác. Ricardo Teixeira vừa từ chức sau 23 năm giữ ghế chủ tịch CBF.
Ông này là con rể của “bố già” Joao Havelange, người từng giữ ghế chủ tịch FIFA suốt 24 năm.

Teixeira từ chức giữa một scandal cho rằng ông và Havelange đã nhận hối lộ 41 triệu USD. Thế chỗ Teixeira là Jose Maria Marin, người có liên quan đến chế độ độc tài quân phiệt từng bắt và tra tấn Dilma Rousseff hồi thập niên 1970. Dilma Rousseff chính là nữ Tổng thống Brazil hiện nay!

SELECAO CÓ QUÁ NHIỀU ĐIỂM YẾU
Hãy bỏ qua những rắc rối trong hậu trường. Chỉ cần nhìn vào bề mặt thì cũng thấy rõ quá nhiều nhược điểm của ĐT Brazil hiện thời. Thế nên, cho dù cách thức và thời điểm thay HLV Menezes gây ra tranh cãi, người ta vẫn phải thống nhất một điều: không thể để Menezes tiếp tục công việc, khi ông rõ ràng là chẳng làm được điều gì cho Selecao. Vì Menezes bất tài, hay chính ông cũng là nạn nhân của một Selecao yếu kém, đấy lại là vấn đề khác.

Điểm yếu lớn nhất của đội tuyển Brazil hiện nay là khoảng cách giữa 2 thế hệ quá lớn. Neymar, Ganso, Oscar, Lucas đều có tương lai rực rỡ, nhưng đấy vẫn chỉ là tiềm năng. Họ chưa kịp vươn lên đỉnh cao trong khi Kaka hoặc Ronaldinho đã tàn lụi.

Bóng đá Brazil từng có thời kỳ bị hụt hẫng về sự kế tục, với khoảng cách cỡ chục năm giữa thế hệ Zico, Socrates với thế hệ Bebeto, Romario. Bây giờ, nền bóng đá Samba cũng đang gặp vấn đề tương tự.

Về mặt chuyên môn, các ngôi sao trẻ vươn lên trên sân cỏ Brazil có đặc điểm rất khác so với thứ bóng đá đỉnh cao, phổ biến ở châu Âu. Thế nên, khi vào ĐTQG thì họ gặp những rắc rối về lối chơi, thói quen, phong cách... “Lực lượng châu Âu” thì phân tán, không đồng đều, cũng chẳng dễ tìm ra một tiếng nói chung.

Brazil có thể gọi lại Kaka và Ronaldinho để dung hòa mọi chuyện, nhưng đấy dĩ nhiên là hạ sách. Mặt khác, còn phải chờ xem Kaka và Ronaldinho tự mình xoay sở ra sao trong 1 năm sắp tới.

ĐÂU LÀ CƠ SỞ HY VỌNG?
Câu hỏi đặt ra bây giờ chẳng phải là Brazil có thể vô địch World Cup 2014 hay không, mà là bóng đá Brazil sẽ đối phó thế nào với sự thất vọng lần nữa, trong trường hợp không thể đăng quang ngay tại thánh địa Maracana? Đấy là câu hỏi “quá sức chịu đựng” mà những ai tâm huyết với bóng đá Brazil hẳn không dám nghĩ đến.

Sự kiện Brazil thua Uruguay tại World Cup 1950 thì ai cũng biết. Chỉ xin nói thêm: thủ môn Barbosa đã bị người dân Brazil khinh bỉ, miệt thị, xua đuổi trong suốt quãng đời còn lại, dù chưa chắc Brazil thua vì Barbosa!

Thôi thì, hãy cứ nhìn bằng lăng kính lạc quan. Scolari có một sở trường không hề lỗi thời, đó là khả năng khích tướng (có thể ông thất bại ở Chelsea vì bất đồng ngôn ngữ và không phát huy được sở trường ấy). Còn quỹ thời gian eo hẹp trước World Cup của Scolari thì chẳng phải là vấn đề. Trong 5 lần vô địch World Cup, có đến 4 lần Brazil thay HLV một cách cập rập ngay trước giải!

Khí hậu Brazil rất khắc nghiệt. Diện tích rất rộng của Brazil lại “bắt” các đối thủ di chuyển nhiều, giữa những thành phố mà khác biệt về nhiệt độ có thể là 4 và 380C. Tại World Cup 1950, đội Pháp từng rút lui vì những khó khăn như thế.

Nhưng tóm lại, hy vọng thì vẫn chỉ là hy vọng. Ngay cả cái gọi là “ưu thế sân nhà” của Brazil cũng chưa chắc là ưu thế thật, bởi áp lực quá lớn từ khán giả nhà luôn là bất lợi đối với các tuyển thủ Brazil.

Brazil vừa có 2 trận giao hữu với Anh (2-2) và Pháp (3-0) trước khi bước vào Confeds Cup 2013, giải đấu tập dượt cho World Cup 2014 sẽ được tổ chức trên sân nhà của họ. Tại Confeds Cup lần này, Brazil nằm ở bảng A cùng các ĐT Italia, Mexico và Nhật Bản. Brazil sẽ đá trận khai mạc giải với ĐT Nhật Bản vào 2h sáng ngày 16/6 tại SVĐ Quốc gia tại thủ đô Brasilia.

Vũ khí bí mật


Trước World Cup 2002, ít ai biết đến cặp tiền vệ trụ Gilberto Silva (Atletico Mineiro) và Kleberson (Atletico Paranaense), càng không biết đến thủ môn Marcos (Palmeiras). Nhưng họ chơi rất thành công và góp phần quan trọng giúp Brazil hoàn thành “Cú penta” (chức vô địch World Cup lần thứ 5).
Trước đó, Brazil cũng vô địch World Cup 1994 với Leonardo và Mazinho như “từ dưới đất mọc lên”. Phân nửa danh sách ĐT Brazil ở các kỳ World Cup 1994, 2002 là các “nội binh”. Còn ở 2 kỳ World Cup gần đây nhất, Brazil thất bại với bản danh sách chỉ gồm 3 cầu thủ đang chơi bóng trong nước (và các cầu thủ ấy gần như không được sử dụng).

Phải chăng, “vũ khí bí mật” - tức các cầu thủ thi đấu trong nước, ít được biết đến - luôn là yếu tố quan trọng để Brazil thành công trên sân cỏ quốc tế? Một năm trước World Cup, báo giới bắt đầu lưu ý Rafinha và Marquinhos như những gương mặt mới có thể làm nên chuyện trong màu áo Brazil.
Thật ra, hậu vệ Marquinhos (19 tuổi) đã gây ấn tượng trong màu áo AS Roma. Rafinha (20 tuổi, không phải Rafinha của Bayern Munich) chắc cũng không mới, vì tiền vệ này đã có 7 năm trui rèn ở lò trẻ La Masia của Barcelona (đây chính là con cựu tuyển thủ Mazinho, tức em ruột của Thiago Alcantara, nhưng Rafinha chọn màu áo Brazil chứ không phải TBN như anh mình).

Bernard (tiền vệ công, 20 tuổi, Atletico Mineiro), Romarinho (tiền đạo, 20 tuổi, Corinthians) và Fred (tiền vệ trụ, 20 tuổi, Internacional) là các ngôi sao trẻ bí ẩn hơn, đang rất lên chân trên sân cỏ Brazil. Bernard được xem là ngôi sao mới đáng chú ý nhất tại giải Serie A của Brazil mùa trước, đã lọt vào ĐTQG.

Romarinho (không nên nhầm lẫn với con ruột của Romario, cũng có tên Romarinho) thì chơi hay đến nỗi đẩy luôn ngôi sao Pato ra ghế dự bị ở Corinthians. Fred (cũng không nên nhầm lẫn với cựu binh Fred từng chơi ở Ligue 1, nay đã trở về Brazil) thì đang được so sánh với thần tượng của anh là ngôi sao Ramires ở Chelsea. Hãy lưu ý những cái tên ấy, nếu họ lọt vào danh sách ĐT Brazil tại World Cup 2014.

Minh Đức (Báo bóng đá điện tử ibongdavn.com)