Bong da

Confed cup

Có tiqui-taca không, nếu Serie A không thoái trào?

Cập nhật: 28/06/2013 11:26 | 0

Euro 2008, Euro 2012, và bây giờ là Confed Cup 2013. Lần thứ ba trong bốn giải đấu lớn gần nhất, Italia gục ngã dưới chân người Tây Ban Nha. Nhưng “kỳ lạ” thay, sau mỗi thất bại, sự tôn trọng dành cho họ lại lớn hơn một chút…

Có tiqui-taca không, nếu Serie A không thoái trào?
Có tiqui-taca không, nếu Serie A không thoái trào?
Italia vẫn chưa thoát được nỗi ám ảnh mang tên Tây Ban Nha. Ngay cả trên chấm 11m, nơi những phẩm chất tốt nhất của những người hàng xóm bên kia Địa Trung Hải - khả năng cầm bóng, sự nhuẫn nhuyễn trong các pha phối hợp - đều không thể phát huy, họ vẫn thua. Tuy nhiên, như trong những cuộc đối đầu trên chấm 11m khác, khoảng cách giữa đội thắng và đội thua là rất mong manh, kết quả đôi khi không phải là sự phản ánh chính xác về trình độ. Và đêm qua, Italia đã thua vì sự kém may mắn (hay kém tài, tùy bạn) của một cá nhân (Bonucci). Không thể vì thế mà nói họ kém hơn.

VIDEO: Loạt 11m căng thẳng giữa TBN và Italia

Thực tế, Italia đêm qua đã chơi một trận xuất sắc trước TBN. Nhất là nếu trận đấu này được xét trong bối cảnh họ mất đi cầu thủ được đánh giá là quan trọng nhất (Balotelli), và đội hình không sở hữu nhiều ngôi sao đẳng cấp thế giới. Thậm chí, nếu nói rằng Italia đã chơi hay hơn Tây Ban Nha thì cũng không có gì quá đáng. Trong suốt 120 phút, hầu hết những cơ hội tốt nhất của trận đấu đều thuộc về đội bóng do Prandelli dẫn dắt. Tỉ lệ kiểm soát bóng cũng không quá chênh lệch như người ta nghĩ (TBN 53% - Italia 47%). Nhiều thời điểm trong hiệp 2, Italia thậm chí còn vượt trội TBN về khả năng kiểm soát bóng.

Sòng phẳng

Với sự tôn trọng cao nhất dành cho Đức, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, kể cả Hà Lan… không có nhiều đội bóng có thể tạo ra được một thế trận “ngang phân” đúng nghĩa như thế trước Tây Ban Nha trong một giải đấu chính thức. Mà đây không phải là lần đầu tiên Italia làm được điều này. Trừ trận Chung kết Euro 2012 mà Italia ra sân trong tình trạng gần như kiệt quệ sau trận bán kết căng thẳng với Đức, Italia luôn biết cách làm khổ tiqui-taca từ khi khái niệm này bắt đầu được sử dụng rộng rãi. Tứ kết Euro 2008, TBN cũng phải chờ tới loạt penalty mới hạ được Italia, sau khi bị cầm hòa 0-0 trong 120 phút. Vòng bảng Euro 2012, Bò tót cũng phải rất vất vả, và cần tới may mắn, để có được 1 điểm trước Azzurri.

Điều tương tự cũng xảy ra ở bóng đá cấp CLB. Barca - nền tảng của TBN – thường xuyên gặp khó khăn trước những đội bóng Italia, mà tiêu biểu là các đội bóng thành Milan. Hình ảnh Messi bị cô lập, tiqui-taca bế tắc, hàng thủ bối rối, Valdes khổ sở… thường xuyên xuất hiện trong những trận đấu ở Champions League của Barca trên đất Italia. Thực ra thì trước khi có màn “vùi dập” của Bayern Munich ở bán kết Champions League mùa trước, đá theo “phong cách Ý” vẫn được xem là cách duy nhất để khắc chế tiqui-taca. Nhưng rõ ràng là trong chuyện này, không ai làm tốt hơn chính những người Ý.

Messi nhiều lần bất lực trước các hậu vệ Serie A

Đây là hiện tượng không dễ giải thích. Và không hẳn liên quan tới các sơ đồ chiến thuật. Bởi trong những trận đấu chúng ta nhắc tới ở trên, các đội bóng không sử dụng một sơ đồ hay chiến thuật cố định nào. Vấn đề liên quan tới yếu tố con người nhiều hơn. Bóng đá Italia đúng là đang trên đà lao dốc, nhưng bản sắc của một nền bóng đá từng sản sinh ra biết bao huyền thoại phòng ngự không thể mất đi trong ngày một ngày hai. Vì lý do đó, những pha đan bóng của các cầu thủ TBN có thể khiến các đối thủ khác rối loạn, nhưng không thể làm người Ý vỡ thế trận. Những pha solo của Messi có thể khiến các hậu vệ Anh hay TBN hoa mắt, nhưng trong cái nhìn của các chuyên gia Serie A, đôi khi cũng chỉ là những pha “múa may” cho vui mà thôi…

Người TBN, vì thế, nên cám ơn Trời Đất. Vì giai đoạn thịnh trị của họ, trùng hợp và may mắn làm sao, lại đúng vào giai đoạn thoái trào của Serie A.

Nguồn bongdaplus.vn