Bong da

cac-giai-khac

LĂNG KÍNH: Những đứa trẻ thời chiến

Cập nhật: 10/11/2011 11:21 | 0

Nhiệm vụ của họ là xoa dịu nỗi đau dân tộc. Đau thương không tước đi của người ta sức mạnh, mà ngược lại.

ko rất ít khi nói về tuổi thơ của mình: anh muốn đoạn tuyệt với những ngày đau thương ấy. Nhưng mẹ anh, bà Belma thì vẫn nhớ rất rõ. Bà Belma hay kể lại chuyện về một ngày, chợt mang linh cảm xấu khi Edin đá bóng cùng các bạn trên bãi đất hoang gần nhà, bà chạy ra gọi con về. Và gần như ngay sau đó, một quả bom rơi xuống khu đất ấy.

Edin Dzeko là một trong những đứa trẻ Bosnia may mắn. Anh đã lớn lên trong cuộc chiến tranh Bosnia (1992-1996), và lại sống ở thủ đô Sarajevo, thành phố đã trải qua cuộc vây hãm dài nhất trong lịch sử chiến tranh hiện đại. Trong cuộc chiến ấy, theo thống kê của Tổ chức Chữ thập Đỏ quốc tế, 200.000 người đã chết, trong đó có 15.000 trẻ em.

Đó là những ngày mà đại gia đình Dzeko, gồm 15 người, phải chen chúc trong căn hộ rộng 35 mét vuông của ông ngoại anh. Nhà riêng của bố mẹ Dzeko ở ngoại ô Sarajevo đã tan tành trong những cuộc đánh bom. Họ sống, và chứng kiến những người xung quanh ra đi.

Chỗ bây giờ đặt bảng tỷ số trên sân của Zeljeznicar Sarajevo, CLB mà Dzeko khởi nghiệp, khi cuộc chiến mới kết thúc, vẫn còn để một khẩu súng máy.

Và tiền đạo của Man City chỉ là một gương mặt tiêu biểu trong số những đứa trẻ Bosnia đã sống sót trong chiến tranh góp mặt trong trận đấu với Bồ Đào Nha. Gần như toàn bộ đội bóng ấy là nhân chứng của một cuộc chiến đẫm máu.

. Cuộc chiến đã qua được 15 năm, nhưng những vết thương nó tạo ra vẫn hằn sâu. Vẫn có hơn 700.000 người Bosnia đang lưu lạc khắp thế giới với tư cách nạn nhân chiến tranh. Và bóng đá là sự cứu rỗi. “Khi Dzeko ghi bàn, tất cả những người tị nạn Bosnia trên thế giới cũng ghi bàn” – có một câu khẩu hiệu như thế.

Đội tuyển Bosnia & Herzegovina hiểu điều đó. Đội phó Misimovic bảo rằng những vết sẹo chiến tranh vẫn còn, và nhiệm vụ của anh và các đồng đội là đặt nụ cười lên môi những người Bosnia.

Nhiệm vụ của họ là xoa dịu nỗi đau dân tộc. Đau thương không tước đi của người ta sức mạnh, mà ngược lại. Nói đến tinh thần ấy, sẽ nhớ ngay đến đội tuyển Iraq. Họ đã đăng quang tại Asian Cup 2007, khi cuộc chiến tranh tàn phá quê hương họ vẫn còn chưa kết thúc.

Ngay cả những người may mắn như Miralem Pjanic, Salihovic hay Begovic, gia đình trốn được ra nước ngoài sau khi cuộc chiến nổ ra, cũng là nhân chứng của chiến tranh. Họ không thể quên đi thân phận tha hương. Begovic từng được người Canada (nơi anh lớn lên) mời gọi tha thiết, nhưng vẫn chọn quay về phục vụ Bosnia & Herzegovina: “Tôi sinh ra ở nơi ấy”.

. Nhiệm vụ của họ không chỉ là xoa dịu nỗi đau, mà còn là hàn gắn dân tộc. Cuộc chiến tranh đẫm máu kia đã diễn ra vì mâu thuẫn sắc tộc, nhưng đội tuyển Bosnia & Herzegovina lại là biểu tượng của sự hàn gắn. Ở đội tuyển ấy, Misimovic là người Bosnia, Boris Pandza là người Croatia, còn Dzeko lại là người Muslim.

Nhưng những thứ “định tính” ấy không tồn tại khi ra sân. Tất cả sẽ chơi cùng nhau với tư cách là một đội bóng, đại diện cho một quốc gia.

Nếu Bosnia & Herzegovina vượt qua vòng play-off, đó sẽ là một điều thần kỳ. Một nền bóng đá mới được khai sinh hơn một thập kỷ lại có thể tới dự một VCK EURO đã là điều thần kỳ về mặt thể thao rồi. Nhưng một quốc gia mới trải qua chiến tranh 15 năm có thể “đứng dậy chói lòa”, xóa đi thù hằn và nỗi đau, mới là điều đáng nể phục.

Nếu Dzeko ghi bàn, không chỉ có những người Bosnia tha hương cùng ghi bàn. Bóng đá, với tư cách một thế lực nhân văn, cũng ghi bàn.