Bong da

cac-giai-khac

Kinh doanh bóng đá: Đừng tưởng hào nhoáng là giàu...

Cập nhật: 17/02/2012 14:15 | 0

Rangers chỉ là một trong số rất nhiều tên tuổi lớn đang co quắp, giãy giụa trong “miếng chăn tài chính” ngày càng nhỏ lại. Sau hơn 1 thế kỷ, đã đến lúc phải đặt lại khái niệm về kinh doanh bóng đá.




1. Năm 1888, William McGregor, một tay buôn vải người Scotland đã thành lập nên giải vô địch Anh và cho rằng đây là nghề “siêu kinh doanh”. Quả thực bóng đá đã mang lại những nguồn lợi khổng lồ. McGregor khi đó có câu nói nổi tiếng: “Tôi có thể làm ăn với những người ngu ngốc hoặc những kẻ lừa đảo. Nhưng tôi không thể làm ăn với những kẻ ngu ngốc nhưng muốn làm kẻ lừa đảo”. Triết lý ấy giúp McGregor thành công, nhưng về kinh doanh bóng đá, ông sai. Bởi ở đây, có nhiều kẻ ngu ngốc đang cố biến mình thành những tên lừa đảo…


2. Công ty sản xuất Titanium Metals (TIMET) chế tạo vỏ máy bay, tàu ngầm, rocket… trong giai đoạn chiến tranh lạnh có doanh thu năm 2008 là 1,15 tỷ USD, lợi nhuận 220 triệu USD. Gã khổng lồ Exxon chuyên khí ga, dầu mỏ, có doanh thu của họ gấp tới 400 lần TIMET. Nếu so sánh TIMET với bất kỳ CLB bóng đá vĩ đại nào, thì khoảng cách là một trời một vực. Hàng năm, hãng tài chính Deloitte đều đưa ra danh sách những CLB giàu có nhất, trong đó Real thường đứng số 1 với doanh thu luôn trên 450 triệu USD, chưa bằng một nửa TIMET và thấp hơn Exxon 1.000 lần. Ngay từ năm 1990, chuyên gia tài chính Alex Fynn đã nghiên cứu và thấy rằng, tổng doanh thu của các CLB Premiership chỉ ngang doanh thu của chuỗi siêu thị Tesco chuyên mở ở ngoại ô thành phố. Nếu chưa thuyết phục thì cách tốt nhất để đánh giá tầm vóc kinh doanh của bóng đá là hãy đến trụ sở của UEFA tại Nyon…


3. Đó là một tòa nhà lãng mạn nằm quay mặt ra hồ Geneva, nhưng trông nó giống một văn phòng nhỏ của một hãng bảo hiểm hơn là trụ sở của một nền bóng đá lớn. Vậy đấy, bóng đá chỉ là nền tài chính nhỏ, được khoác lên mình vẻ đẹp giả tạo và đầy ảo ảnh. Có thể trong đó là cuộc sống hào nhoáng, nhưng thực chất, kết cấu của nó vô cùng lỏng lẻo với phạm vi nhỏ. Và khi thực chất của nó không hề mạnh như người ta tưởng tượng, quả bóng tài chính được đá sang cho những ông chủ giàu có. Từ đây bắt đầu một chu kỳ mới của bóng đá. Họ đá bóng để phục vụ lợi ích chủ thể đầu tư và bi kịch diễn ra.

Các CLB không còn tự chủ về tài chính. Và điều quan trọng là họ bắt đầu “được” làm việc với những ông chủ mới không biết bóng đá là gì. Đó là những người mà như McGregor từng nói: ngu ngốc (về bóng đá) và có thừa kỹ năng “lừa đảo” trong kinh doanh. Khi đó, hàng loạt CLB rơi vào cảnh phá sản, nếu họ “trót” bắt tay với những ông chủ kiểu như vậy. Thế mới có chuyện, La Liga nợ 2,3 tỷ USD, Premiership nợ khoảng 3,6 tỷ USD, riêng M.U nợ số tiền gấp đôi 18 CLB Bundesliga, nơi các CLB bóng đá vẫn thuộc sở hữu công. Thậm chí, chính nơi bóng đá chỉ kinh doanh đơn thuần là bán sản phẩm như 2 hạng đấu Bundesliga, các CLB cũng nợ gần 800 triệu USD.


4. Ngày 15/9/2008, ngân hàng Lehman Brothers phá sản, dù trước đó 1 năm họ còn có doanh thu 59 tỷ USD (gấp 48 lần doanh thu M.U khi đó), có lợi nhuận 6 tỷ USD (gấp lợi nhuận của M.U 50 lần), giá trị trên thị trường chứng khoán là 34 tỷ USD. Cùng thời điểm đó, người ta đếm được, có tới 85/88 CLB ở 4 hạng đấu cao nhất của Anh vẫn còn tồn tại từ năm 1923 (97%), trong đó có tới 79 CLB vẫn đang thi đấu ở 4 hạng đấu cao nhất. Chi tiết hơn, có 48 CLB đang thi đấu đúng ở hạng mà họ từng tham dự năm 1923. Như vậy, các CLB không thể chết (vì vốn dĩ họ là sản phẩm cộng đồng). Họ chỉ không thể kiếm ra tiền mà thôi…

Bongdaplus.vn