Bong da

cac-giai-khac

Glasgow Rangers phá sản: Xu hướng của bóng đá châu Âu

Cập nhật: 15/02/2012 08:15 | 0

Rangers không phải ông lớn đầu tiên của bóng đá châu Âu đứng bên bờ vực phá sản. Hiện tượng một CLB giàu truyền thống bất ngờ đi thẳng từ đỉnh cao xuống tận đáy vực vì khủng hoảng tài chính đã trở nên rất phổ biến trong một thập kỷ qua.




Có thể kể đến những ví dụ tiêu biểu như cựu á quân Cúp C1 Leeds Utd, CLB đang ngụp lặn ở Championship cho dù năm 2002 họ mới dự bán kết Champions League.

Hoặc Fiorentina, đội bóng về danh nghĩa đã phá sản từ lâu: đội Fio hiện đang chơi tại Serie A là một CLB khác, được thành lập lại sau khi CLB cũ phá sản năm 2002. Dortmund, nhà vô địch Champions League 1997 và đang là ĐKVĐ Bundesliga, cũng đã lao đao một thời gian dài vì nợ nần chồng chất. Mặc dù cuộc phá sản của Rangers có một phần nguyên nhân quan trọng từ đặc thù của bóng đá Scotland, nơi sự nhàm chán đang thống trị và thị trường trở nên cằn cỗi, thì tình trạng này vẫn phổ biến trên khắp châu Âu.

Nguyên nhân của xu hướng này, hay của bất cứ cuộc phá sản nào trong kinh tế cũng rất đơn giản: cung cách làm ăn sai lầm. Trong hai thập kỷ qua, các CLB đã hoàn toàn dịch chuyển từ một “CLB thể thao” sang một “doanh nghiệp”, và tìm mọi cách vật lộn trên thị trường để tối đa hóa lợi nhuận. Những khoản đầu tư rất lớn được ném ra không tiếc tay, chủ yếu là vào TTCN. Khi những khoản đầu tư này không thể sinh lợi nhanh chóng và nhiều, họ mang nợ. Càng là thương hiệu lớn, càng dễ sinh chủ quan (bởi tin tưởng vào số tiền có thể thu hồi từ thị trường), và nợ càng nhiều.

Vấn đề không hề mới. Nó đã được chủ tịch UEFA Michel Platini nhìn thấy ngay từ ngày đầu tiên ông nhậm chức. Platini cũng coi việc trong sạch hóa tài chính của các giải VĐQG châu Âu là nhiệm vụ hàng đầu trên cương vị của ông. Nhưng tiếc rằng Platini xuất hiện hơi muộn, và Luật công bằng tài chính, sản phẩm vị chủ tịch người Pháp có được sau một nỗ lực đấu tranh dài, còn được áp dụng muộn hơn (bắt đầu áp dụng từ mùa 2014/15).

Bongdaplus.vn