Khát vọng lịch sử
7 đại diện, từ Barca (đại diện cho UEFA), Santos (CONMEBOL), Monterrey (CONCACAF) tới Al-Saad (AFC), Esperance (CAF), Auckland City (OFC) và Kashiwa Reysol (chủ nhà) bước vào cuộc tranh tài năm nay với những hoàn cảnh rất khác nhau. Santos hay Kashiwa có thể tranh thủ xả hơi sau những cuộc chiến mệt mỏi và dai dẳng ở đấu trường quốc nội. Barca lại phải căng sức ở La Liga và sẽ khởi động cho chiến dịch tại Nhật Bản ngay sau trận El Clasico với Real. Song không vì thế mà khát vọng chiến thắng của họ khác nhau.
Santos lại nung nấu ý định “phục thù” cho xứ Samba. Cũng giống như World Cup dành cho các ĐTQG, World Cup dành cho các CLB chứng kiến mối kình địch giữa Brazil và châu Âu. Các đại diện Brazil lấy cả 3 chức vô địch đầu tiên. Nhưng 4 ngôi hoàng gần đây lại đều thuộc về các đội bóng của cựu lục địa. Vì vậy, Santos càng có thêm động lực để tiếp bước vinh quang các CLB đồng hương: Corinthians, Sao Paulo và Internacional.
Không được đánh giá cao bằng Barca và Santos, nhưng các đội còn lại cũng chẳng dễ gì cam phận lót đường. Việc TP Mazembe của CHDC Congo trở thành đội bóng đầu tiên ngoài châu Âu và Nam Mỹ lọt đến trận chung kết năm ngoái cho phép “phần còn lại” có quyền mơ mộng đến những chiến tích lịch sử. Ít nhất thì Monterrey và Esperance cũng quyết trở thành “ngựa ô” của giải năm nay.
Cuộc chiến giữa những vì sao
Những khát vọng tập thể ấy sẽ được xây dựng bởi hàng loạt ngôi sao sáng giá. Dàn sao trong đội hình Barca thì gần như đã được khán giả toàn cầu nhớ mặt, rõ tên cả rồi. Với không ít CĐV, đây sẽ là dịp trực tiếp thưởng thức tài năng của những ngôi sao phần lớn mới chỉ được nghe ca tụng như bộ đôi Ganso và Neymar của Santos.
Hơn 1 tuần trước, Pele vẫn còn mạnh miệng tuyên bố: “Neymar giỏi hơn Messi”. Cơ hội kiểm chứng so sánh của ”Vua bóng đá” là đây chứ đâu!
Cũng không thể bỏ qua những át chủ bài của những đội “chiếu dưới”. Monterrey tự hào với tiền đạo người Chile, Humberto Suazo và thủ quân Luis Perez. Esperance tự tin khi có chân sút người Cameroon, Yannick Ndjeng. Al-Saad quy tụ bộ ba thiện nghệ Mamadou Niang - Kader Keita - Nadir Belhadj. Kashiwa trình làng “cỗ máy ghi bàn” Leandro Domingues vừa giúp họ lập kỳ tích: Vô địch J-League ngay sau khi thăng hạng.
Rõ ràng, FIFA Club World Cup 2011 rất đáng xem…
CON SỐ
2. Thủ thành Dida lập kỷ lục khi vô địch FIFA Club World Cup với 2 CLB khác nhau (Corinthians năm 2000 và AC Milan năm 2007).
3. Dwight Yorke, Mbenza Bedi và Flavio là 3 cầu thủ đã ghi bàn ở 2 kỳ FIFA Club World Cup khác nhau.
3. Brazil là quốc gia có số lần đăng quang nhiều nhất với 3 chức vô địch của Corinthians, Sao Paulo và Internacional.
4. Với 4 lần lập công tại giải năm 2009, cựu tiền đạo Denilson của Pohang Steelers đang là cầu thủ ghi nhiều bàn nhất trong lịch sử giải đấu này.
5. Mạch 5 trận chung kết châu Âu – Nam Mỹ liên tiếp bị chặn đứng khi TP Mazembe (CHDC Congo) đánh bại Internacional tại bán kết giải năm ngoái.
20. Số quốc gia có đại diện từng góp mặt vào các kỳ FIFA Club World Cup.
43. Tính cả cuộc tranh tài năm nay, có tổng cộng 43 CLB khác nhau từng góp mặt vào giải đấu này.
175. Qua 7 kỳ trước đây, đã có 175 bàn được ghi.
514.000. Lượng khán giả kỷ lục được xác lập trong kỳ đầu tiên tại Brazil năm 2000.
Bongdaplus.vn