Cựu tuyển thủ Trần Công Minh
Rõ ràng, sau một thành công hay thất bại của ĐT thì công lao hay người phải chịu trách nhiệm đầu tiên chính là HLV trưởng. Có thể ông Goetz chưa thực sự hiểu hết bóng đá VN nhưng vẫn là người đứng mũi chịu sào. Xét về những yếu tố dẫn đến thất bại của U23 VN ở giải đấu này có rất nhiều nguyên nhân.
Tôi lấy ví dụ 2 trận đấu của U23 VN gặp U23 Myanmar. Đối thủ ở dưới cơ và rất nể U23 VN sau những trận đấu trước đó, nhưng đội bạn đã có đấu pháp phù hợp để khắc chế chúng ta, ngược lại U23 càng đá càng rối, không thể tiếp cận khung thành đối phương, cũng không có nhiều phương án để xoay chuyển tình hình. Để thua đậm trong trận đấu có thể vớt vát chút danh dự, U23 VN cũng không làm được. Đó là điều khiến người hâm mộ vô cùng thất vọng.
Lối chơi của U23 VN ở giải này rất đơn điệu, hông có nhiều phương án tiếp cận khung thành đối phương. Nếu muốn khoan thủng hàng phòng ngự đội bạn, đội bóng đó phải gây sức ép liên tục bằng nhiều cách đánh để hàng phòng thủ của đối thủ rơi vào trạng thái hoảng loạn.
U23 VN chưa làm được điều này. Chúng ta có những cầu thủ rất có chất lượng nhưng vì nhiều lý do, họ không thể phát huy hết phẩm chất của mình. Đặc biệt là ở 2 biên, khi U23 VN bế tắc, chúng ta có những cầu thủ có chuyên môn tốt nhưng lại không thể khai thác được thế mạnh này.
Nhiều cầu thủ phải chơi trái sở trường, họ cũng không thể chơi đúng phong độ. Tiếp theo, việc đội hình liên tục thay đổi (như ở vị trí tiền đạo, hậu vệ cánh trái, tiền vệ cánh...) cũng không cần thiết trong một giải đấu không diễn ra quá dài ngày.
Ở một sân chơi như SEA Games, nên duy trì sự ổn định để các cầu thủ gắn kết hơn. Trạng thái tâm lý căng cứng của U23 VN là điều dễ nhận ra trong cả giải đấu và nó cũng không được cải thiện kịp thời. Chúng ta hay dính vào những cái bẫy do chính mình tạo ra.
Tôi không biết trong hợp đồng đã ký của VFF với HLV Goetz có ghi rõ về những điều khoản bắt buộc về thành tích của ông ấy phải đạt được ở SEA Games 26 hay không, nhưng thất bại này lộ ra vô số nhược điểm của ĐT và làm người hâm mộ thất vọng thì trách nhiệm này thuộc về tất cả.
Nhìn toàn cục, thất bại của U23 VN ở SEA Games 26 có nguyên nhân từ giải đấu của chúng ta. Các cầu thủ trẻ không được tạo cơ hội thi đấu nhiều. Thất bại của U23 VN và U23 Thái Lan có gì đó tương tự nhau. Giải VĐQG Thai-League cho phép 5 ngoại binh vào sân cùng lúc, điều này làm triệt tiêu đi cơ hội thể hiện của các cầu thủ trẻ.
Làm sao cầu thủ tiến bộ được khi suốt ngày ngồi xem bóng đá trên ghế dự bị, hay mỗi trận chơi được vài chục phút rồi nghỉ dài dài. Chúng ta chưa có cơ chế tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ trưởng thành. Nhìn sang thành công của bóng đá Malaysia những năm gần đây quả là đáng nể, cầu thủ của họ được thi đấu nhiều và rất chững chạc, đá bóng dưới áp lực của chảo lửa Bung Karno như thế vẫn đủ bản lĩnh để vượt qua. Điều đó có được là do họ được thi đấu thường xuyên và đã làm quen với áp lực.
Cựu tuyển thủ Nguyễn Phúc Nguyên Chương
U23 VN đã có những trận đấu giao hữu tiền SEA Games rất tốt nhưng sang đất Indonesia có thể vì do tâm lý căng cứng, vì CĐV đặt kỳ vọng nhiều quá nên họ chơi không tốt. Cá nhân tôi không đánh giá được hết năng lực của ông HLV chỉ trong một giải đấu như thế này. Nhưng tôi nghĩ việc ông ấy áp dụng kỷ luật, tinh thần Đức rất khắc khe cho ĐT là cũng tốt thôi, không vấn đề gì.
Việt Hòa (ghi)
Thethaovanhoa.vn