Bong da

bong-da-trong-nuoc

Xung quanh chuyện ra đời của VPF: Không phải lúc bàn lùi

Cập nhật: 12/12/2011 13:15 | 0

Nếu ai đó quên, cần phải nhắc lại nguyên nhân vì sao VPF ra đời? Nó xuất phát từ một thực tế là sau hơn 10 năm bước vào quá trình chuyên nghiệp hóa, nền bóng đá VN đã không có được những bước tiến bộ như mong đợi.

Tranh cãi trọng tài: VPF ra đời là để hạn chế tới mức thấp nhất những cảnh tượng

như thế này ở V-League, chứ không phải là nhằm mục đích kiếm tiền. Ảnh: VSI

Nên việc thay đổi nền bóng đá ấy, nói theo ngôn ngữ của chủ nghĩa duy vật lịch sử, là tất yếu bởi “trên thì không thể còn dưới thì không muốn”. Tức là điều kiện tiên quyết để nổ ra “cuộc cách mạng” mang tên VPF xuất phát từ việc VFF tỏ ra bất lực với thời cuộc bóng đá nước nhà, trong khi “những kẻ bị đàn áp” thì nay không còn muốn tham gia vào trò chơi mà ở đó, dù đầu tư hàng chục tỷ đồng mỗi năm, họ vẫn có nguy cơ khá cao bị biến thành những quân cờ.

Đồng ý rằng nếu người ta cho tiến hành bỏ phiếu kín tại Hội nghị Chủ tịch các CLB bóng đá VN diễn ra hồi cuối tháng 9 tại Hà Nội, chưa chắc tỷ lệ đồng thuận với sự ra đời của VPF đã đạt mức 100% giống như cách các cánh tay đồng loạt giơ lên theo kiểu “tâm lý đám đông”. Nhưng danh chính ngôn thuận, VPF là sản phẩm ra đời hoàn toàn chính đáng từ cuộc biểu quyết chính thức ấy, chứ không phải là “đứa con riêng” của bầu Kiên hay một vài ông bầu nào khác, dù ông Nguyễn Đức Kiên là người khởi xướng và chấp bút viết bản đề án thành lập.

Nếu đồng ý rằng sự ra đời của VPF là tất yếu và chính đáng thì bất cứ ai cũng có quyền nghi ngờ động cơ của những hành động nhắm vào những nhược điểm của một thực thể còn chưa đủ lông đủ cánh như Cty CP điều hành bóng đá chuyên nghiệp VN thời gian qua.

Mục tiêu và trách nhiệm chính của VPF trước mắt là gì? Rất nhiều ý kiến của các chuyên gia bóng đá, các HLV mà thu nhận được thời gian qua đều cho rằng, trước khi nghĩ đến tiền (có lãi), nhiệm vụ tiên quyết của VPF là phải tổ chức được một giải đấu công bằng, khách quan để lấy lại niềm tin của các đội bóng cũng như người hâm mộ. Đó cũng là tôn chỉ mà VPF ra đời.

Thế thì thật ngạc nhiên khi ai đó (vô tình hoặc hữu ý) vẫn cứ xoáy vào chuyện lỗ lãi ở năm đầu tiên đi vào hoạt động của VPF. PCT VFF Phạm Ngọc Viễn (người được cho rằng sẽ nắm giữ chức vụ TGĐ VPF) trong cuộc trả lời phỏng vấn trên số báo ra ngày 11/12 đã khẳng định những thông tin kiểu như vừa nhắc là không có cơ sở, còn VPF sẽ không lỗ, cho dù chỉ là lỗ 1 tỷ chứ không phải 10 tỷ như một vài thông tin đã nêu.

Nhưng cần phải sòng phẳng rằng ngay cả khi VPF, với tư cách là một mô hình tổ chức, quản lý bóng đá lần đầu tiên trong lịch sử xuất hiện tại VN, thì việc nó có thể chưa kiếm ra tiền hoặc còn một vài khiếm khuyết cũng không thể là lý do được vin vào để phủ định sự ra đời của cái “tất yếu và chính đáng”.

Trước khi có được nguồn thu tăng gấp hàng chục lần với trị giá hàng tỉ bảng Anh như hiện nay, BTC giải Ngoại hạng Anh đã mất khoảng 20 năm, còn J-League cũng mất chừng ấy thời gian để biến nền bóng đá của mình gắn liền với sự hấp dẫn xét trên tiêu chí khán giả đến sân (xếp thứ 7 thế giới)...

Tất nhiên cách đặt vấn đề như vậy không đồng nghĩa với chuyện “muốn nhanh cứ phải từ từ” theo đúng tác phong của bóng đá VN bao năm qua. Nhưng đúng là một khi cha mẹ đã sinh ra con cái thì phải bú mớm trước khi nghĩ đến chuyện “ném” chúng vào xã hội.

Chỉ còn một ngày nữa là Đại hội cổ đông lần đầu tiên VPF sẽ khai mạc (14/12). Hy vọng là sau buổi họp ấy, người ta sẽ tìm thấy tiếng nói chung chứ không phải những ý kiến bàn lùi hoặc bàn ngang theo kiểu ông bầu này, ông bầu kia chưa nộp tiền niên liễm cho đội bóng của mình cũng tức là chưa đủ tầm “trị quốc”; hay một ông nguyên là Phó TTK Liên đoàn bóng chuyền VN thì xứng đáng ngồi vào ghế TGĐ VPF hơn một ông là đương kim PCT VFF. Và cần phải loại trừ ngay những ý kiến kiểu như “đầu não của VPF nên nằm ở TP.HCM”, trong khi giấy phép đăng ký kinh doanh của VPF được cấp bởi... Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội.     

Đức Hoàng



Thethaovanhoa.vn