Tại lễ bế mạc SEA Games 26 ở Palembang (Indonesia), lúc đến tiết mục chuyển giao quyền đăng cai kỳ đại hội tiếp theo cho Myanmar vào 2 năm tới, bất giác rất nhiều phóng viên quốc tế và cả chúng tôi đều rùng mình...
Cái sự rùng mình và lo lắng ấy là thực tế có thật. Bởi một đất nước Indonesia đang phát triển mạnh mẽ như thế, nhưng kỳ đại hội thể thao lớn nhất khu vực diễn ra ở đây vẫn còn rất luộm thuộm và quá nhiều vấn đề đáng nói trong công tác tổ chức, chứ chưa bàn đến chuyện chuyên môn. Vậy một đất nước như Myanmar đóng cửa với bên ngoài suốt một thời gian dài sẽ tổ chức đại hội như thế nào?
Còn nhớ ngày hôm ấy, nhiều phóng viên phải tự trấn an rằng Myanmar đã từng 2 lần tổ chức SEA Games (năm 1961 và 1969), và khi họ đã nhận đăng cai thì sẽ cố làm cho thật tốt bởi vẫn còn đó sự kiểm tra thường xuyên từ Ủy ban Olympic Đông Nam Á. Tuy nhiên, đó chỉ là những điều tự an ủi. Bởi một Palembang thiếu đủ thứ (đến lúc đại hội kết thúc mọi việc mới hoàn tất), nhưng SEA Games vẫn diễn ra ì xèo và kết thúc vẫn thành công đấy thôi. Đành phải hy vọng, trong 2 năm tới đất nước Myanmar sẽ có những bước nhảy thần kỳ và thực hiện cam kết một cách nghiêm túc để có một kỳ đại hội hoàn hảo, hoặc chí ít là như Lào hay gần nhất là Indonesia đã tổ chức.
Hôm qua, xem trên các trang web, đặc biệt là đọc bài báo mới nhất của một phóng viên mảng du lịch kể lại những gì mắt thấy tai nghe trực tiếp ở Myanmar mà đâm lo. Nào là các phương tiện di chuyển thiếu thốn và rất cũ kỹ, điện một ngày chỉ mở có 8 tiếng đồng hồ nên máy phát điện là vật không thể thiếu ở mỗi khách sạn và nhà dân. Thế nhưng, đáng lo nhất là hệ thống điện thoại, internet và wifi là của quí hiếm, chỉ những khách sạn từ 3 sao trở lên mới có wifi, nhưng tốc độ không hơn... rùa bò là bao. Trong khi điện thoại di động thì chỉ những người khá giả hoặc làm trong ngành du lịch mới dám sử dụng, bởi quá đắt…
Từ chuyện ở Myanmar, chợt nghĩ đến đội tuyển U23 Việt Nam. Với một hiện tại không thành công như kỳ SEA Games 26 vừa kết thúc cách đây vài tuần ở xứ vạn đảo, nhưng bây giờ, nếu hỏi đội tuyển U23 Việt Nam sẽ có diện mạo thế nào và thi đấu ra sao ở kỳ đại hội diễn ra vào 2 năm tới, có lẽ sẽ khiến nhiều người phì cười vì sự lo xa. Thế nhưng không lo không được, bởi 2 năm chẳng nhiều và nếu không tính toán từ bây giờ, có lẽ chúng ta sẽ tiếp tục phải nhận nỗi buồn trong tương lai. Tuy nhiên, để có một đội U23 Việt Nam trẻ và khỏe trong 2 năm tới, người ta rất cần sự chung tay góp sức của các đội bóng, đặc biệt là việc tạo cơ hội cho các gương mặt trẻ có sự cọ xát thường xuyên ở những giải đấu lớn như hạng Nhất và V-League. Vì đó cũng là một cách để xây nền móng cho bóng đá Việt, thay vì cứ ăn xổi bằng cách mua ngoại binh hoặc “Việt hóa” cầu thủ ngoại để chạy theo thành tích trước mắt.
Có câu, muốn có nụ cười ở một vụ mùa thành công ngày mai, bạn phải tốn nhiều mồ hôi vun trồng trong hôm nay.
Bongdaplus.vn