Bong da

bong-da-trong-nuoc

Xem, Nghe, Ngẫm: Hương xưa

Cập nhật: 31/12/2011 07:15 | 0

Liệu người hâm mộ TP.HCM có 'cháy' lại tình yêu bóng đá khi bản sắc địa phương ít được xem trọng ?


Có thời gian, người hâm mộ bóng đá TP.HCM đã phải nhìn những láng giềng như Long An, Bình Dương, Đồng Tháp, thậm chí tận Gia Lai xa xôi với ánh mắt thèm muốn pha chút chạnh lòng, bởi đại diện duy nhất của họ ở giải chuyên nghiệp của Việt Nam là Thép Miền Nam - Cảng Sài Gòn luôn trong cảnh mấp mé bờ vực rớt hạng. Thế nhưng giờ đây, nhiều người cho rằng bóng đá TP.HCM đã khác, đã khởi sắc hẳn. Nói thế cũng đúng, bởi nơi đây đang có 2 đội bóng chơi hạng đấu cao nhất Việt Nam và 1 CLB chơi ở giải hạng Nhất, con số nghe khá ổn trên bình diện chung của một trung tâm văn hóa và thể thao hàng đầu cả nước.

Chưa kể 2 đội Navibank Sài Gòn và Sài Gòn FC giờ cũng được xếp vào diện “đại gia”, nếu nhìn vào những khoản đầu tư kếch xù và những cái tên thuộc dạng sao mà họ sở hữu. Với ngần ấy lý do, lẽ ra những trận đấu của các đội bóng TP.HCM phải thu hút đông đảo người hâm mộ đến sân. Thế nhưng, khán đài sân Thống Nhất thời gian gần đây vẫn rất thưa vắng.

Còn nhớ những năm 1990 thế kỷ trước, lúc vẫn còn đội bóng Cảng Sài Gòn, khi ấy khán đài dù có thể không chật kín, những cứ mỗi chiều cuối tuần là những khán giả nơi đây lại háo hức mua vé vào sân xem đội nhà thi đấu. Để sự cổ động thêm xôm tụ, những CĐV khi ấy đã thuê một dàn kèn trống đến biểu diễn trên khán đài và giờ nghỉ giải lao, những cổ động viên gạo cội như Hải “cao”, Vũ “nẫu”, Ba Tý… lại ngửa nón đi khắp các khán đài để xin tiền bồi dưỡng đội nhạc công, số còn dư để dành làm quỹ thuê xe đi theo cổ vũ, mỗi khi đội nhà thi đấu xa.

Chưa hết, tình yêu bóng đá với Cảng Sài Gòn còn thấm đẫm trong những câu chuyện về ông Phạm Văn Hiền, thân phụ của anh Hải “cao” (tên thật Phạm Hồng Hải), và nó gần như là giai thoại khó phai mờ trong lòng các CĐV của Cảng Sài Gòn. Ông Hiền có một tình yêu với đội bóng rất đặc biệt, thậm chí có những lúc bệnh nặng, phải nằm điều trị trong bệnh viện Chợ Rẫy, ông vẫn trốn đến sân Thống Nhất xem đội nhà thi đấu. Cha con gặp nhau trên khán đài, anh Hải “cao” chẳng biết nên cười hay khóc với niềm đam mê của bố, vì ông Hiền đang mang trọng bệnh. Trước lúc mất, ông Hiền đã trăng trối rằng hãy chôn ông với những chiếc áo của đội Cảng Sài Gòn. Ngày ông Hiền ra đi vĩnh viễn, đội CSG đang thi đấu ở phía Bắc, nên CĐV của CLB đã chạy đi tìm khắp, nhưng chỉ kịp xin được 2 chiếc áo của Đặng Trần Chỉnh và Lư Đình Tuấn mang đến viếng để ông mang theo về chốn vĩnh hằng.

Những hình ảnh lẫn câu chuyện kể trên là minh chứng sống động và đẹp đẽ nhất về sự đam mê cùng tình yêu bóng đá cháy bỏng của người dân TP.HCM. Vậy mà lúc bóng đá nơi đây đang có dấu hiệu hồi sinh thì người hâm mộ lại vẫn hờ hững. Mang chuyện này hỏi những CĐV cuồng nhiệt ngày nào như anh Hải “cao” và anh Hữu Tâm, các anh cho biết: “Người Sài Gòn luôn rất yêu bóng đá, nhưng tình yêu thường chỉ có với chính đội bóng mà địa phương của mình gây dựng, con em của mình thi đấu, và nó phải thật sự mang bản sắc của bóng đá Sài Gòn. Còn nếu vay mượn từ nơi khác về thì làm sao có tình yêu thật sự và lâu bền hả em? Hình như những người làm bóng đá TP.HCM giờ đã không còn xem trọng bản sắc địa phương  nữa rồi, và đó là điều khiến bọn anh lẫn những CĐV nhiệt thành ngày nào ít khi đến sân”.

Có những quá khứ tưởng như đã ngủ yên trong lớp bụi thời gian, nhưng vẫn khiến người ta nghĩ về và yêu đến mãnh liệt!

Bongdaplus.vn