Bong da

bong-da-trong-nuoc

Xem, Nghe & Ngẫm: Nói và Làm

Cập nhật: 01/12/2011 06:15 | 0

Theo dự tính, chỉ còn khoảng 10 ngày nữa là Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) sẽ ra đời, và việc này đang được kỳ vọng là bước ngoặt mới cho bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.




1. Ở các nước phát triển, bóng đá được xem là một trong những ngành công nghiệp hái ra tiền. Tất cả những sản phẩm liên quan đến bóng đá đều có thể mang lại những khoản lợi nhuận kếch sù. Đội bóng càng nổi tiếng, tiền thu được càng cao. Tuy nhiên, đó là chuyện ở bóng đá bên Đông, bên Tây. Còn ở xứ ta, nếu hỏi “người Việt Nam có yêu bóng đá?” có lẽ nhiều người sẽ phì cười và bảo ai hỏi câu ấy chắc là từ sao Hỏa tới, vì tình yêu bóng đá của người Việt là vô bờ bến. Nhưng yêu là một chuyện, còn các CLB bóng đá Việt có kiếm tiền được từ người hâm mộ không lại là chuyện hoàn toàn khác hẳn.

Thử nghĩ mà xem, trong tất cả các CLB bóng đá ở Việt Nam (kể cả đội tuyển quốc gia) có bao giờ lấy được tiền từ túi người hâm mộ với các sản phẩm kinh doanh thuần túy từ bóng đá như trang phục thi đấu, hình ảnh cầu thủ…? Thậm chí thứ đơn giản nhất là vé vào xem bóng đá ở các giải đấu, thì liệu có được mấy người hâm mộ chấp nhận bỏ tiền đến sân ủng hộ đội nhà? Trong khi đó, các Hội CĐV (những người được xem là thân thiết nhất của CLB) thay vì mua vé vừa để cổ vũ, vừa nuôi đội bóng thì lại thường xuyên yêu cầu đội bóng phải tặng ngược lại cho họ một số vé mời ở các trận đấu. Đấy là thực tế đã và đang diễn ra ở bóng đá Việt Nam. Vậy bóng đá ở ta liệu có phải “con gà đẻ trứng vàng”?



2. Những ngày qua, các thành viên chủ chốt của bóng đá nước nhà đang gấp rút để xúc tiến việc ra đời của VPF, và để công ty này sớm xuất hiện thì thủ tục đầu tiên chính là tiền, hay nói đúng hơn là vốn điều lệ. Được biết, khoản vốn ấy sẽ do các CLB đóng góp như kiểu tiền lệ phí tham dự trước mỗi mùa giải với con số khoảng trên 30 tỷ đồng, cùng ngần ấy số tiền có được từ các nhà tài trợ và từ bản quyền truyền hình. Ai cũng biết, phàm đã là công ty cổ phần thì phải có kinh doanh, có lời lỗ và có cả chia lợi tức cho các cổ đông, nhưng liệu điều ấy có đạt được khi việc kinh doanh bằng bóng đá ở Việt Nam chưa bao giờ dễ dàng?

3. Sau khi các ông bầu bóng đá đề ra việc thành lập VPF, và để công ty này có thể sinh lợi nhuận thì lãnh đạo các đội bóng phải xây dựng lại hình ảnh từ ngay chính CLB của họ để hấp dẫn hơn với người hâm mộ, và để minh chứng lời nói và việc làm của họ thật sự đi đôi với nhau. Và hy vọng từ sự thay đổi như thế, các giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam sẽ có một diện mạo và sôi động hơn dưới sự điều hành của VPF, để từ đó thu hút hơn sự quan tâm từ công chúng.

Chỉ còn khoảng 10 ngày nữa VPF sẽ ra đời, và để công ty này phát triển mạnh mẽ thì rất cần việc nói và làm của các cổ đông song hành cùng nhau.

Bongdaplus.vn