Đó là một giải pháp cấp bách trước khi chúng ta có được một chiến lược đồng bộ nhằm tăng cường nội lực của hệ thống đào tạo trẻ.
Đã có đề xuất với các đội bóng là phải đăng ký và bắt buộc đưa vào sân ít nhất 2 cầu thủ U21. Ai cũng bảo, sự hy sinh đó là cần thiết, bởi ĐT U23 QG sẽ được hưởng lợi vì các cầu thủ trẻ có cơ hội hoàn thiện mình. Trong tương lai không xa, chúng ta sẽ không lâm vào cảnh khan hiếm tài năng như ở SEA Games 26 vừa qua.
Đó là một ý tưởng mà nhiều người cho là “thuận nhĩ” nhưng không phải đội bóng nào cũng ủng hộ và họ đã đưa ra không ít lý do phản biện. Một số đội bóng lý giải rằng, bắt buộc đưa các cầu thủ trẻ vào sân sẽ khiến cho chất lượng chuyên môn của trận đấu bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh phải làm mọi cách để kéo khán giả đến sân, nâng cao chất lượng, hình ảnh V.League thì sự lộ cộ về đội hình thi đấu có thể khiến mục tiêu này bị phá sản.
Thôi thì “năm người, mười ý”, ai cũng có đủ lý do để bảo vệ quan điểm của mình. Nhưng, có một điều, chúng ta không thể có một đội tuyển mạnh và sẽ tiếp tục phải trả giá bằng cả giấc mơ của mình nếu các đội bóng chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng. Không thể đòi hỏi sự tuyệt đối trong sân cỏ, cũng chẳng thể bắt những cầu thủ còn non hơi sữa có đủ trình độ và bản lĩnh như đàn anh. Họ cần được trao cơ hội để trui rèn bản lĩnh.
ĐTQG, ĐT U23 QG cần những cầu thủ giỏi để hoàn thành sứ mệnh mà NHM giao phó. Nhưng, các cầu thủ giỏi không tự nhiên sinh ra, mà cần phải có chiến lược tạo nguồn từ các đội bóng. Vì thế, nói các đội bóng cần nghĩ và hành động vì cái chung là hoàn toàn đúng. Nhưng nên nhớ rằng, đó không phải là sự hy sinh một chiều, bởi tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ ra sân một cách thường xuyên, chính các đội bóng đã tạo nguồn lực lượng cho mình trong tương lai không xa.
Bongdaplus.vn