Bong da

bong-da-trong-nuoc

Vấn đề ở V.League: Hòa đồng nghĩa an phận?

Cập nhật: 28/02/2012 17:15 | 0

Hòa quá nhiều! Kết quả này có thể khiến khán giả tạm hài lòng, nhưng việc bị chia điểm là điều nhiều đội bóng không hề mong muốn…


Giao thời
5/7 trận ở vòng đấu vừa qua kết thúc với tỷ số hòa. Những kết quả hòa buộc người ta phải liên tưởng đến V-League thời kỳ đầu khi nhiều đội bóng chỉ nghĩ đến chuyện trụ hạng. Đó là giai đoạn giao thời, những đội bóng tiềm lực yếu thường chỉ mong một kết quả hòa trên sân khách là đạt yêu cầu trụ hạng. Lúc ấy, các HLV thường chấp nhận lối chơi phòng ngự thụ động, ít khi có những đột phá mạnh về chiến thuật để tìm kiếm chiến thắng.

Có thể thấy rõ điều này qua việc đầu tư lực lượng của các đội bóng vào ngoại binh. Nhiều đội chọn thủ môn ngoại, có những đội sử dụng cả cặp trung vệ ngoại. Nhiệm vụ của họ là bảo toàn ít nhất một kết quả hòa trước khi nghĩ đến thắng lợi.

Cuộc cách mạng từ Calisto
Calisto có thể xem là một trong những HLV đi đầu trong cuộc cách mạng về lối chơi và thái độ tiếp cận trận đấu. Thời ông Calisto còn cầm quân ở Đồng Tâm Long An, thủ môn Santos gần như là nhân vật không thể thay thế. Ấy vậy mà trong nhiều trận đấu, để lấy suất ngoại binh cho hàng công, khi đội nhà bị đối phương dẫn bàn trước, vị HLV người Bồ Đào Nha gây bất ngờ khi rút Santos ra để thay bằng thủ môn nội Tiến Phong - có thể hình rất hạn chế vào sân.

Ông Calisto cũng nổi tiếng bởi thói quen “được ăn cả ngã về không”. Đội bóng của ông chọn lối chơi phòng ngự phản công. Song, không phải vì thế mà các trận đấu của ĐT.LA kết thúc với tỷ số thắng-thua sít sao như cách các đội bóng thời kỳ đó thường làm. ĐT.LA khi ấy có thể thua rất đậm, nhưng cũng có thể làm nên những cú lội ngược dòng khó tin. Chẳng hạn ở mùa giải 2005, khi để thua kỳ phùng địch thủ HA.GL 3 bàn trong hiệp 1, HLV Calisto lần lượt tung vào sân những tiền đạo còn lại để cuối cùng lật ngược với tỷ số 4-3 và rộng đường đến chức vô địch.

Thay đổi là chìa khóa thành công
Sở dĩ HLV Calisto mạnh dạn tung tiền đạo vào sân trong những phút cuối để bằng mọi giá tìm trận thắng bởi ông nắm rất rõ thói quen của các HLV nội khi ấy. Hầu hết các HLV nội chọn giải pháp an toàn là đổ bê tông khi có bàn dẫn trước. Họ ít có những bài phản công chớp nhoáng kiểu bóng đá hiện đại.


Tuy nhiên, với thói quen cầu tiến của người Việt Nam, các HLV nội  cũng rất nhanh chóng cập nhật kiến thức và cách làm này. Càng lúc càng có nhiều HLV nội sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm một cách khoa học.

Thời kỳ đầu, nhiều đội bóng gặp ĐT.LA e ngại ăn đòn “hồi mã thương” của đối thủ đến mức không dám lên quá nửa sân, cầu thủ tuyến dưới chỉ biết phá bóng bừa bãi. Sau này những phương án tấn công, đối phó bằng lối chơi pressing toàn sân, đeo bám quyết liệt đã được các HLV nội áp dụng. Các HLV nội cũng sẵn sàng với giải pháp chiến đấu cật lực để giành lấy 3 điểm còn hơn là chịu hòa theo kiểu “tránh voi chẳng xấu mặt nào”.

“Muốn trúng số phải mua xổ số”
Kết quả hòa rất gần với kết quả thua. Thế nên, muốn chiến thắng, không có cách nào khác là đầu tư vào hàng công. Tư tưởng ấy được thể hiện qua việc các HLV dành sự ưu tiên hàng đầu trong việc tuyển ngoại binh chơi ở hàng công. Bởi tiền đạo ngoại khỏe hơn, dứt điểm tốt hơn tiền đạo nội.

Ở tuyến dưới, hàng thủ có thể để thủng lưới nhưng nếu tuyến đầu sắc sảo ghi nhiều bàn hơn đối thủ thì đội bóng ấy sẽ giành chiến thắng. Tư tưởng này là chủ đạo trong hầu hết các đội từ chuyên nghiệp cho đến hạng Nhất.

Ở vòng đấu vừa qua, có rất nhiều trận hòa nhưng đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nhiều trận đấu diễn ra rất kịch tích theo kiểu thua phút cuối. Các HLV đều sẵn sàng tung hết những con bài quan trọng trên hàng công vào sân hòng tìm bàn thắng chứ không chịu một trận hòa để tránh khỏi sự chỉ trích của khán giả.



THỐNG KÊ:
BÀN THẮNG: 25 bàn, trung bình 3,57 bàn/trận
THẺ VÀNG: 30 thẻ, trung bình 4,28 thẻ/trận
THẺ ĐỎ: 4 thẻ, trung bình 0,57 thẻ/trận
KHÁN GIẢ: 58.500 người, trung bình 8.357 người/trận

CHÂN SÚT HÀNG ĐẦU
7 bàn: Timothy (CLB Hà Nội)
6 bàn: Merlo (SHB.ĐN)
4 bàn: Evaldo (HA.GL), Văn Quyết (HN.T&T)

Bongdaplus.vn