Bong da

bong-da-trong-nuoc

Vấn đề & Sự kiện: Trợ lý à, trợ lý ơi...

Cập nhật: 11/12/2011 07:15 | 0

Có một giả thiết, nếu 4 kỳ SEA Games gần đây, hay gần nhất là SEA Games 26 vừa qua, huấn luyện viên nội dẫn dắt, thì sao? Chúng tôi tin chắc rằng, thành tích sẽ bằng, thậm chí hơn các thầy ngoại.

Không tận dụng được chất xám và tâm huyết của thầy nội

Dưới thời huấn luyện viên Falko Goetz, những trợ lý của ông dù chưa tập hợp hết các nhà cầm quân xuất sắc nhất của bóng đá Việt Nam, nhưng các ông Phan Thanh Hùng, Nguyễn Văn Sỹ đều là các tướng có số má. Ngoài vị bác sỹ Sebastian Schoch, tính cả Trưởng đoàn Trần Quốc Tuấn, ngồi trên băng ghế chỉ đạo cùng ông Goetz có đến 10 người. Ngần ấy con người, họ đã làm những gì mà để U23 Việt Nam ra nông nỗi thế?

Điều đáng nói, ngoài năng lực cầm quân, cả trợ lý Văn Sỹ và Thanh Hùng đều là những người có khả năng “chạm trái tim” học trò xuất sắc. Vậy mà, họ vẫn không có cách nào để giúp cho cầu thủ U23 Việt Nam vượt qua được những giới hạn chuyên môn lẫn “chấn thương” về cái đầu.

Các đời huấn luyện viên ngoại khác, hầu như giai đoạn nào cũng có những trợ lý và chuyên gia nội có số má “chống lưng”. Các ông Nguyễn Thành Vinh, Vũ Tiến Thành, Phan Anh Tú, Mai Đức Chung, Lê Thế Thọ, Lê Thụy Hải, Phan Thanh Hùng, Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Văn Sỹ..., tất cả đều không giúp bóng đá Việt Nam vượt ngưỡng, trừ lần duy nhất khi đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Suzuki Cup 2008.

Có một giả thiết, nếu 4 kỳ SEA Games gần đây, hay gần nhất là SEA Games 26 vừa qua, huấn luyện viên nội dẫn dắt (như ông Phan Thanh Hùng chẳng hạn), thì sao? Chúng tôi tin chắc rằng, thành tích sẽ bằng, thậm chí hơn các thầy ngoại. Dĩ nhiên, bóng đá Việt Nam sẽ giảm thiểu được một số tiền vô cùng lớn chi phí cho các huấn luyện viên ngoại.


Huấn luyện viên Phan Thanh Hùng hoàn toàn đủ năng lực dẫn dắt đội tuyển U23 hay đội tuyển quốc gia. Ảnh: Quốc Khánh

Ông Hùng (và nhiều huấn luyện viên khác) hoàn toàn đủ tư cách để dẫn dắt các đội tuyển Việt Nam. Đã không ít lần, huấn luyện viên nội đã gây nên bất ngờ lớn khi đóng thế, như Mai Đức Chung ở vòng loại Olympic 2008. Riêng ông Thanh Hùng thì quá nhiều lần, ấn tượng nhất là hai trận làm thay ông Calisto bị “thẻ đỏ” tại AFF Suzuki Cup 2008, và trận ra quân thắng Bahrain 3-1 tại ASIAN Games 16, khiến ông Calisto phải hộc tốc bay sang Quảng Châu.

Rất nhiều huấn luyện viên tâm huyết với các đội tuyển quốc gia, sẵn sàng hy sinh những quyền lợi để phụng sự cho bóng đá nước nhà và chấp nhận làm cái bóng của thầy ngoại. Trợ lý Phùng Thanh Phương con mới một tháng tuổi ốm thập tử nhất sinh, chỉ về thăm chốc lát rồi lại bay lên Hàm Rồng (Pleiku) làm nhiệm vụ quốc gia trong nước mắt nghẹn ngào của người vợ trẻ. Phan Thanh Hùng chẳng cần lên tuyển, thiên hạ vẫn phải vị nể tài năng. Đến ông Lê Thụy Hải đầy thành tích, có thể lập ngôn với thầy ngoại về nghề, vẫn sẵn sàng lên tuyển dù chỉ là “xách nước và nhặt bóng”.

Vì sính ngoại, bài nội

Chúng ta thấy rất rõ, SEA Games 23 (2005), ông Lê Thụy Hải lên tuyển thực sự “xách nước và nhặt bóng” đúng nghĩa. Ông thầy cự phách không được huấn luyện viên Alfred Riedl giao việc, không hợp tác với họ Lê. Trong sâu thẳm, chắc hẳn ông Riedl rất khó chịu và ngán ông Hải “lơ” về chuyên môn. Trong bối cảnh đó, chả trách ông Hải không hợp tác.

Dĩ nhiên, VFF biết được điều đó, nhưng họ đã không đưa ra bất cứ động thái nào để cải thiện xung đột nhạy cảm để các trợ lý nội như ông Hải lao mình vào công việc.

Nếu không phải ở môi trường tuyển, chắc chắn huấn luyện viên có máu Trương Phi này sẽ quật lại ông Riedl đúng như phong cách của ông. Nhưng, ông Hải đã có sự tôn trọng nhất định, kể cả không gây ảnh hưởng đến các cầu thủ vốn rất nhiều “đệ tử”. Ông Hải thừa hiểu rằng, nếu những góp ý lẫn phản biện của ông với huấn luyện viên ngoại mà kết quả U23 Việt Nam không thành công, thì ông sẽ gặp rắc rối lớn.

Lâu nay, VFF đã tạo một hành lang cực lớn cho huấn luyện viên ngoại trong bản hợp đồng, toàn quyền quyết định chuyên môn. Đấy là sự chuyên nghiệp. Vấn đề, khi thành phần Ban huấn luyện không như bên Tây, tức là huấn luyện viên trưởng mang theo các cộng sự của mình, thay vào đó toàn  trợ lý bản địa, thì sự chuyên quyền hoàn toàn gây thảm họa một khi huấn luyện viên đó có vấn đề về chuyên môn và tâm lý. Chúng ta đã thấy đến lãnh đạo VFF cứ khoanh tay đứng nhìn đà lao dốc của ông Tavares ở Tiger Cup 2004. Đến trưởng đoàn Nguyễn Sỹ Hiển vẫn khẳng định đội tuyển đang đi đúng hướng. Tương tự là trường hợp ông Riedl ở SEA Games 24 (2007), trợ lý Mai Đức Chung đồng thời vai trò là sếp (Trưởng bộ bôn bóng đá Tổng cục TDTT) vẫn phải ngó nhìn U23 càng đá càng nát. Đến khi thay ông Riedl giữa giải thì bóng đá Việt Nam đã lĩnh đủ hậu quả.

Triều đại huấn luyện viên Falko Goetz cũng thế. Những bất ổn cả chuyên môn lẫn tâm lý của U23 Việt Nam, của chính ông Goetz đã tồn tại trong một thời gian dài. Chắc hẳn các trợ lý cũng uất ức khi nhìn ông thầy người Đức bấn loạn, bế tắc chuyên môn. Nhưng, họ không thể nói bởi sợ mang tiếng phá hoại, gây mất đoàn kết. Đến như ông Trưởng đoàn Trần Quốc Tuấn còn “ngậm tăm”, thì dại gì các ông trợ lý tung hê những bất ổn.

Đến đây, chúng ta đã thấy một điều: Ý tưởng giao hết quyền cho huấn luyện viên ngoại của VFF lâu nay chỉ thiên về tính phó thác để phục vụ thành tích trước mắt. Nếu họ không thành công, sa thải và phủi trách nhiệm, thế là xong! Phương thức đó vẫn còn tiếp diễn khi ai cũng hiểu giới hạn của triều đại ông Falko Goetz là AFF Suzuki Cup 2012. Người hâm mộ chân chính đang thấy bất an khi với những gì ông thầy này đã thể hiện, bóng đá Việt Nam chẳng khác gì đang “đánh bạc”. Nếu lúc đó, nếu đội tuyển không thành công thì VFF cũng có thể xoa tay vì đã vãn nhiệm kỳ VI.

Cần cách mạng vai trò trợ lý

Có một lần duy nhất, lãnh đạo VFF đã thể hiện được vai trò ông chủ, khi ông Dương Vũ Lâm từng nói với huấn luyện viên Karl-Heinz Weigang tại Tiger Cup 1996 khi ông thầy người Đức nhờ bác sỹ Phạm Xuân Nhàn đề nghị với lãnh đạo VFF phiên dịch để loại ông Lâm: “Ông chỉ là người làm thuê thôi”! Bỏ qua những chuyện không hay ho lần đó, nhưng rõ ràng VFF cần phải thể hiện vai trò ông chủ và huấn luyện viên ngoại thực chất chỉ là đi làm thuê.

Mà đã là ông chủ, thì phải kiểm soát được tất cả năng lực chuyên môn, diễn biến tư tưởng của thầy ngoại. Nếu không làm được thế, mãi mãi VFF bị đẩy vào thế bị động. VFF phải cùng chịu trách nhiệm chung với thầy ngoại, thay vì xem họ chỉ là công cụ để leo lên danh vọng khi thành công hoặc “vật tế thần” mỗi khi thất bại.

Phải tạo được môi trường dân chủ, phản biện giữa thầy ngoại và phó tướng nội về những vấn đề liên quan đến các đội tuyển quốc gia, trong đó lãnh đạo VFF cùng tham gia với tư cách là “ông bố”  đích thực. Mặt khác, nếu như huấn luyện viên ngoại được hưởng chế độ là 10, thì ít nhất thầy nội cũng phải được 5 hoặc 6. Như thế, mới xứng đáng với những hy sinh của họ.

Ai cũng biết, vai trò của trợ lý nội cực kỳ quan trọng bởi họ là cầu nối về chuyên môn lẫn tư tưởng. Không ai hiểu rõ học trò hơn họ. Thật bất nhẫn cho lực lượng này, khi họ trình độ không thua thầy ngoại nhưng luôn phải làm cái bóng, chịu mọi thiệt thòi, bị tước nhiều quyền lợi, kể cả quyền được nói.

Với mục tiêu chỉ chinh phục đấu trường Đông Nam Á, hãy thử một lần tin tưởng thầy nội!

Ngọc Hòa

Thethaovanhoa.vn