18h00 ngày 8/1, U19 Việt Nam vs U19 Nhật Bản: Đọ sức mạnh với đại gia
GẶP “THẾ HỆ TSUBASA” CỦA NHẬT BẢN
Chiều nay, U19 Việt Nam sẽ có một trải nghiệm thú vị khi đọ sức với U19 Nhật Bản – tập thể được kỳ vọng sẽ hiện thực hóa giấc mơ vô địch World Cup mà bóng đá xứ anh đào mới chỉ làm được trong… bộ truyện tranh “Captain Tsubasa”. Xuất bản cách đây 33 năm (1981), “Captain Tsubasa” được đón nhận mạnh mẽ bởi nội dung của nó phản ánh khát vọng của trẻ em Nhật Bản. Trong hành trình vươn lên ngôi vị số 1 châu Á của bóng đá Nhật Bản, “Captain Tsubasa” ít nhất cũng có công trạng trên khía cạnh tinh thần.
Tuy nhiên, tinh thần “Tsubasa” không còn được các ĐTQG trẻ của Nhật duy trì trong vài năm qua. Ở tuổi U19, sau 13 VCK U19 châu Á liên tiếp góp mặt trong Top 4 (từ 1959 đến 2006), U19 Nhật Bản trong các năm 2008, 2010, 2012 chỉ dừng bước ở tứ kết nên, không thể giành vé dự VCK World Cup U20. Chính vì vậy, lứa cầu thủ đang nằm trong biên chế của U19 Nhật Bản hiện tại được chăm chút kỹ càng hơn và rèn giũa nghiêm khắc hơn hẳn hòng tìm lại “tinh thần Tsubasa”.
Sau trận thua 1-2 trước U19 Tottenham ở lượt mở màn của giải, U19 Nhật Bản phải tìm được kết quả đủ sức thuyết phục giới chuyên môn quê nhà khi gặp U19 Việt Nam, cũng là đội cùng với họ (và 14 đội khác ở VCK U19 châu Á 2014) đua tranh giành vé dự VCK World Cup U20 vào năm 2015. Nếu thi đấu không tốt, những cá nhân bị “chấm điểm kém” có thể sẽ bị gạch tên khỏi “thế hệ Tsubasa” và gần như không còn cơ hội để vươn lên trở thành những ngôi sao lớn.
Điểm thua thiệt lớn nhất của U19 Việt Nam (áo trắng) so với
U19 Nhật Bản là kinh nghiệm trận mạc.
VƯỢT QUA THỬ THÁCH
Nếu “đại gia” U19 Nhật Bản có thừa quyết tâm giành 3 điểm thì U19 Việt Nam cũng có động lực lớn lao không kém, nhất là khi họ có sự ủng hộ của các khán đài đầy ắp khán giả tại sân Thống Nhất. Cũng dễ thấy là việc bị “khớp” trước danh tiếng của đối thủ như các thế hệ đàn anh gần như không có ở các cầu thủ U19 Việt Nam hiện nay. Thế nên, đây hứa hẹn sẽ là cuộc so kè căng thẳng và hấp dẫn.
Xét về chuyên môn, U19 Nhật Bản có lối chơi đa dạng hơn trong khi U19 Việt Nam mới chỉ thực hiện tốt các bài tấn công trung lộ. Đoàn quân của HLV Guillaume Graechen còn hạn chế về khả năng tấn công biên và chống bóng bổng. Điểm thua thiệt lớn nhất của U19 Việt Nam so với U19 Nhật Bản là kinh nghiệm trận mạc. Những Công Phượng, Tuấn Anh, Hồng Duy… mới chơi bên nhau ở giải đấu thứ 3, còn các cầu thủ U19 Nhật Bản đã liên tục thi đấu cũng nhau từ tháng 7/2012 tới nay (đội bóng này từng được tham dự vòng loại U22 châu Á).
Xem U19 Nhật Bản thi đấu, có thể nhận thấy họ biết cách phân phối sức, điều tiết thế trận theo hướng có lợi cho mình. Ngược lại, đội bóng trẻ Việt Nam trong những trận đấu tại giải U19 ĐNÁ 2013, vòng loại U19 châu Á 2014 và gần nhất là trận thua U19 AS Roma 1-2 ở giải đấu này, đều có những thời điểm chơi “bốc quá mức” dẫn đến thiếu tỉnh táo và nhận những bàn thua khi đang chơi trên chân đối thủ.
Chưa cần bàn về kết quả, nhưng chắc chắn, khi trực tiếp đấu với U19 Nhật Bản, các cầu thủ trẻ của chúng ta sẽ vỡ ra được nhiều điều!
DỰ ĐOÁN: 2-2