Đấy là thời điểm anh bước lên bục nhận danh hiệu Quả bóng bạc VN sau màn thể hiện xuất sắc ở AFF Cup 2008, góp phần quan trọng đưa đội bóng của HLV Calisto bước lên ngôi vô địch ĐNA. Ở giải đấu năm ấy, Như Thành có lẽ đã chơi những trận hay nhất của cuộc đời mình, mà những động tác băng cắt tinh tế, những pha phán đoán khôn ngoan của cầu thủ gốc Nam Định khiến anh nổi bật hẳn lên so với các trung vệ cùng thế hệ. Nếu có một sự so sánh nào đó, người ta vẫn thường so sánh Vũ Như Thành với người đàn anh thuộc “thế hệ vàng” Đỗ Văn Khải, những mẫu trung vệ chơi bóng bằng cái đầu mà có lẽ phải rất lâu nữa bóng đá VN mới có thể sản sinh ra.
Nghiệp quần đùi áo số của Như Thành vốn đã không bình lặng từ khi anh mới chỉ là
một cầu thủ trẻ thì bây giờ, dù đã bước vào khúc cuối, sóng gió cũng không yên. Ảnh: VSI
Nhưng với Như Thành, Quả bóng bạc 2008 không chỉ có ý nghĩa tôn vinh những phẩm chất chuyên môn của anh, nó còn là sự ghi nhận một quá trình vươn lên đầy nghị lực sau những thăng trầm trong cuộc sống. Thường thì bóng đá VN chứng kiến những cầu thủ giỏi nhưng trượt ngã quá sớm để rồi không ngóc đầu lên nổi, có lẽ chỉ Như Thành là ngoại lệ: dù đã có lúc lăn xuống “bùn” nhưng vẫn vươn lên giành các danh hiệu cao quý. Nên người ta vẫn nói Quả bóng bạc 2008 là “quả bóng vàng” trong cuộc đời của Thành.
Tính cách ngang tàng và nghĩa khí của Như Thành cũng là một khía cạnh khác biến anh thành “người hùng” trong mắt của khá nhiều đồng nghiệp và các cầu thủ ở thế hệ kế tiếp. Nhưng phẩm chất “đàn anh” không được kiểm soát một cách đầy đủ cuối cùng đã dẫn dắt Như Thành đi quá xa so với những yêu cầu của một cầu thủ chuyên nghiệp, và đúng là Thành “kếu” đã phải trả những cái giá khá đắt vì điều đó.
Lận đận ở tuổi 30
Không được HA.GL chấp nhận, 2 bàn tay trắng, Như Thành tìm về dưới trướng của bầu Kiên và HLV Nguyễn Thành Vinh. Tưởng như một HLV nổi tiếng nghiêm khắc và đề cao kỷ luật như ông Vinh “Nghệ” sẽ rất khó thu nạp một cầu thủ lắm tài nhưng cũng nhiều tật như Thành “kếu”.
Nhưng vào phút cuối, HLV Nguyễn Thành Vinh đã rung động trước hoàn cảnh khó khăn của Như Thành. Ông Vinh kể lại: “Nói chuyện qua điện thoại, tôi cảm nhận như nước mắt của cậu ta chỉ trực rơi ra. Nói thật là tôi cũng thương cầu thủ như con cái mình thôi. Ngày trước thằng Vượng, thằng Quyến (Lê Quốc Vượng, Phạm Văn Quyến-PV) cũng thế, một phút bốc đồng phải trả giá bằng cả cuộc đời. Nếu Như Thành thực sự thay đổi, tôi sẽ trao cho cậu ta cơ hội”.
Gần một tháng ở CLB bóng đá Hà Nội, Như Thành không gây ra bất cứ điều tiếng gì trong sinh hoạt và tập luyện. Đã có lúc, khoác lên mình bộ trang phục còn dư của một cầu thủ trẻ, anh bước ra sân tập với sự e dè và có phần xấu hổ cùng đội bóng mà không ít trong số đó từng là “đàn em” của mình. Không còn nữa những dáng nét “người hùng” thưở nào, với Như Thành điều đó có thể xem giống như một sự hy sinh và cam chịu để đánh đổi lấy ao ước được chơi bóng, ổn định cuộc sống ở chặng cuối sự nghiệp.
Sự tiến bộ rõ rệt về mọi mặt của trung vệ gốc Nam Định khiến HLV Nguyễn Thành Vinh quyết định đưa anh vào kế hoạch của ông ở mùa giải tới. Nhưng ở đời có những thứ giống như số phận, nghiệp quần đùi áo số của Như Thành vốn đã không bình lặng từ khi anh mới chỉ là một cầu thủ trẻ thì bây giờ, dù đã bước vào khúc cuối, sóng gió cũng không yên.
Với nút thắt cuối cùng mang tên bầu Kiên xoay quanh vấn đề chi phí chuyển nhượng, Quả bóng bạc VN 2008 rút cuộc đã không thể tìm thấy tiếng nói chung với đội bóng của ông chủ ngân hàng về chuyện tương lai của mình. Và Thành “kếu” một lần nữa lại khăn gói trở về V.NB, nơi anh vẫn còn một năm hợp đồng, để tìm kiếm chỗ nương thân dưới trướng của bầu Trường. Quả đáng buồn cho một cầu thủ mà mới chỉ cách nay vài năm, người ta còn dùng xe chở những bao tải tiền để lấy anh về từ B.BD.
Đức Hoàng
Thethaovanhoa.vn