Bong da

bong-da-trong-nuoc

Super League: Hãy biết cách tiêu tiền!

Cập nhật: 12/01/2012 07:15 | 0

Nghịch lí đang tồn tại ở Super League 2012 khi các đội bóng công khai hoặc bí mất thưởng vượt khung 500 triệu đã được thống nhất. Phải chăng, đồng tiền vẫn chưa phải là chiếc chìa khóa vạn năng, để mở những cánh cửa hạnh phúc.




NHỮNG NGHỊCH LÝ…
Vị trí cuối bảng sau 2 vòng đấu không phải là một tấn bi kịch với CLB Hà Nội. Bởi rõ ràng, đội hình nhiều sao ấy cần thêm thời gian để hiểu nhau trên sân lẫn trong phòng thay đồ. Tuy nhiên, người ta đặt ra một câu hỏi, HLV Nguyễn Thành Vinh cần bao nhiêu thời gian để vận hành cỗ máy ấy thật trơn tru?

Rất khó trả lời, bởi Hà Nội là một đội bóng… đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ, đã có quá nhiều sự ầm ĩ trong thời gian qua. Chỉ nói riêng chuyện “sao đụng sao”, ông Vinh cũng đã nhức đầu, chứ chưa nói đến giải quyết những bài toán trên sân. Ngoài ra, người ta đang quan ngại, trước đây đội bóng này từng nổi tiếng với chính sách “thắt lưng buộc bụng”, nay khi đã chịu chơi, chịu chi thì những đồng tiền ấy bỗng nhiên lại… mất giá. Mất giá vì cái tập thể ngôi sao mà ông Vinh có trong tay, lại đang trở thành những ngôi sao… đom đóm.

Tương tự, chẳng ai phủ nhận tham vọng của B.BD, song chuyện xây dựng đội bóng lại theo… quy trình ngược. Tức là mua cầu thủ về, rồi HLV mới sắp xếp đội hình. Cũng như Hà Nội, thành tích của B.BD không phải là một thước đo vì phía trước còn một chặng đường rất dài. Băn khoăn ở chỗ, nếu cứ đẩy những ngôi sao mà họ đã mua bằng rất nhiều tiền lên băng ghế dự bị, có thể đội bóng đất Thủ sẽ tiếp tục giậm chân tại chỗ, vì cái vòng luẩn quẩn “bỏ thì thương mà vương thì tội”.

Với SG.FC, nếu tách biệt các cá nhân, thì đó là những ngôi sao rất giá trị. Tiếc thay, bóng đá là một trò chơi tập thể, chứ không phải là những cuộc thi đấu đối kháng trên sân. Thêm nữa, thời gian qua đã quá nhiều câu chuyện xẩy ra trong quá trình sang tên đổi chủ. Nói thẳng ra, dù mang tên đội bóng nhà giàu, nhưng đội này lại suy yếu vì những lùm xùm liên quan đến tiền bạc, một điều mà nhìn bề ngoài thì người ta chẳng thể mường tượng ra.

ĐIỂM TỰA TÀI CHÍNH

Trong cuộc sống, không ít người có cách suy nghĩ cực đoan “cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng nhiều tiền”. Bóng đá cũng thế, trên thế giới không ít những ông chủ nhảy vào địa hạt bóng đá bằng những gói đầu tư khổng lồ nhằm mục đích biến những chú vịt thành… thiên nga.

BĐVN cũng từng chứng kiến những đội bóng đổi thay chóng mặt nhờ gói kích cầu khổng lồ từ các doanh nghiệp. Điển hình, cuối những năm 1990, trên bản đồ bóng đá Việt Nam, gần như chẳng ai biết Gia Lai.

Nhưng khi bầu Đức vung tiền mua về phố Núi những ngôi sao hàng đầu Thái Lan như Zico, Tawan, Dusit… và cả dàn sao V.League, HA.GL đã nổi như cồn, và họ giành 2 chức vô địch V.League 2003 và 2004. Nối tiếp HA.GL là B.BD, rồi HN.T&T… đều giành ngôi vương nhờ điểm tựa tài chính vững chắc.

Vậy chức vô địch của SLNA sau một thập kỷ đợi chờ có nằm trong trào lưu như thế? Rõ ràng, SLNA không được xếp vào hạng “đại gia”, nhưng về mặt con người và tinh thần thì đây là đội bóng hiếm hoi thuần chất địa phương của BĐVN. Nói cách khác, chức vô địch của SLNA dựa trên yếu tố thời cơ chín muồi, là sức mạnh tinh thần của người bản địa. Song cũng không thể phủ nhận sự đỡ đầu của ngân hàng Bắc Á phía sau.

Như đã nói, tiền bạc tuy không mua được chức vô địch, nhưng rõ ràng nó là công cụ gián tiếp tạo nên những nhà vô địch. Để làm được điều đó, các CLB cần một tập thể cầu thủ cùng nhìn về một hướng, cùng hợp tác vì cái chung. Bằng không, dù có là một “dải thiên hà” đi nữa thì cũng khó mà tìm tới được đỉnh vinh quang. CLB Hà Nội, B.BD, hay SG.FC cũng sẽ phải như thế…

HỌ ĐÃ NÓI

Ông Nguyễn Hồng Thanh (TGĐ công ty CP bóng đá SLNA):


“Khi biết quy định các CLB chỉ được thưởng nóng dưới 500 triệu đồng/trận thắng, cá nhân tôi tán thành ngay. Sở dĩ như vậy là bởi chúng ta phải xác định rằng, để cầu thủ đá hay thì không thể tự phá giá, nâng mức tiền thưởng được, như vậy sẽ rất lộn xộn, thậm chí tạo nên sự tủi thân của cầu thủ ở các đội bóng nghèo. 14 CLB tham dự Super League không phải đội nào cũng có điều kiện, tài chính rủng rỉnh. Vì thế, phải có khung trần, ít nhiều hạn chế được sự “ngẫu hứng” của các ông bầu. Cầu thủ phải ý thức được rằng, mình là cầu thủ chuyên nghiệp, kinh tế cá nhân thì đã có khoản tiền lót tay khi chuyển nhượng rồi. Thế nên, không thể cứ treo tiền thưởng lớn thì đá, còn treo ít tiền thì đá vớ vẩn”.

HLV Lại Hồng Vân (K.KG):


“Tôi thấy mức trần 500 triệu đồng/trận thắng là điều hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế đang còn khó khăn của nước ta. Như K.KG dù tài chính không lớn, vẫn duy trì mức thưởng 400 triệu đồng/trận thắng, còn hòa thì có 200 triệu đồng/trận. Tất nhiên để kiểm soát việc các ông bầu chỉ thưởng 500 triệu đồng/trận thắng là điều khá nan giải bởi, họ sẽ lách luật bằng cách là chuyển kín cho từng cá nhân cầu thủ, như thế khó phát hiện. Tôi cho rằng, việc hạn chế mức thưởng cao sẽ khó được các CLB thực hiện một cách triệt để, nhưng về lâu dài, khi mọi thứ đi vào cái nếp thì dần dần, việc này sẽ được các đội áp dụng. Cầu thủ bây giờ cũng quái, tiền thưởng cao thì đá kiểu khác, còn ít thì đá khác ngay. Vì thế các ông bầu phải biết rằng, không thể chạy đua tiền thưởng để kích cầu thủ được. Đấy là con dao hai lưỡi, có thể hại mình bất cứ lúc nào”.

Ông Nguyễn Văn Đệ (Chủ tịch CLB Thanh Hóa):


“So với các mùa trước, năm 2012, tài chính của Thanh Hóa được đảm bảo khá hơn rất nhiều. Nhưng quy định của đội rất rõ ràng về chế độ lương, thưởng. Chúng tôi làm như vậy là để tạo thói quen cho cầu thủ, không lấn cấn về mặt tư tưởng khi bước ra sân thi đấu. Tất nhiên, Thanh Hóa sẽ áp dụng triệt để quy định chỉ được phép thưởng dưới 500 triệu đồng/trận thắng. Ý tưởng này rất hay và cá nhân tôi ủng hộ cao”.

Tiền vệ Hà Hoàng Đảm (V.NB):



“Chuyện thưởng bao nhiêu là quyền của các ông bầu. Các cầu thủ như chúng tôi chỉ biết chơi bóng, cố gắng hết mình. Nhưng khi được thưởng cao, điều tất yếu là cầu thủ sẽ vui. Cá nhân tôi xác định đá tốt là vừa đóng góp vào thành tích của đội và tạo dựng được chỗ đứng trong CLB. Đấy là lý do khiến chúng tôi mỗi lúc ra sân đều đá hết khả năng, chứ không đơn thuần chỉ vì tiền thưởng nóng cho mỗi trận”.

Bongdaplus.vn