Bong da

bong-da-trong-nuoc

Super League 2012 và nỗi sợ hãi của ngoại binh

Cập nhật: 19/01/2012 12:15 | 0

Giới ngoại binh coi việc thi đấu ở Việt Nam chẳng khác đang sống giữa thiên đường do nhận được chế độ đãi ngộ rất tốt từ các đội bóng. Tuy nhiên, nơi “thiên đường” ấy cũng tiềm ẩn không ít nỗi sợ hãi…


SỢ TRUYỀN THÔNG
Các ngoại binh khi mới đến Việt Nam thường khá thoải mái mỗi lần trả lời phỏng vấn báo giới. Đối với các phóng viên, việc “kết thân” với ngoại binh cũng có phần dễ dàng hơn so với các cầu thủ nội. Bởi, ngoại binh thi đấu xa nhà thường rất cô đơn và sẵn sàng mở rộng vòng tay đón chào những người bạn bản xứ để nhanh chóng thoát khỏi trạng thái bỡ ngỡ, lạ nước lạ cái ban đầu. Bên cạnh đó, trong suy nghĩ có chút ngây thơ của họ thì việc xuất hiện nhiều trên báo chí càng giúp họ hiện thực hóa hơn nữa giấc mơ làm một ngôi sao sân cỏ.
Nhưng theo thời gian, nhiều ngoại binh tuyên bố “đóng cửa” với giới truyền thông. Lý do mà họ đưa ra là báo chí Việt Nam “không công bằng” với ngoại binh, khi phần lớn các bài báo đều chê trách hoặc khui ra tác phong sinh hoạt thiếu chuyên nghiệp của họ.

Một ngoại binh từng thi đấu cho nhiều CLB Việt Nam phân trần: “Cầu thủ Việt Nam thiếu chuyên nghiệp hơn chúng tôi nhiều, nhưng chẳng mấy khi thấy báo chí nêu đích danh ai đó để chỉ trích!”.

Một vài cầu thủ ngoại còn “có thù” với vài tờ báo cụ thể. Như trường hợp của Timothy chẳng hạn, tiền đạo người Nigeria tuyên bố: “Khi nhận được đề nghị phỏng vấn, tôi sẽ phải hỏi ngay phóng viên ấy làm việc cho tờ báo nào. Nếu là tờ báo từng “đánh tôi không thương tiếc” thì tôi nhất định sẽ từ chối”.



Cách đây không lâu, một phóng viên vốn khá thân thiết với Timothy bị chân sút này từ chối thẳng thừng khi muốn viết về anh. Lý do có phần cứng nhắc: “Anh vừa chuyển chỗ làm sang tờ báo tôi không thích. Nếu anh làm ở chỗ cũ thì thoải mái nhưng tờ báo mới ấy thì không!”.

Ngoài Timothy, cựu vua phá lưới Amaobi lâu nay cũng “đóng cửa” với báo chí sau nhiều lần anh cho rằng mình bị “chơi xấu”. Có lẽ, do quãng thời gian mới đặt chân tới Việt Nam, những người như Timothy hay Amaobi đã hơi dễ dãi, sống quá hoang dã trước báo chí mà không biết rằng những điều như vậy hoàn toàn có thể làm xấu đi hình ảnh của họ.

SỢ CẢ… ĐỒNG ĐỘI
Các ngoại binh khi đặt chân tới Việt Nam vốn không mấy quan tâm đến những chuyện “thâm cung bí sử” hoặc những cuộc đấu đá, tranh giành ở nội bộ đội bóng. Suy nghĩ của họ vô cùng đơn giản là đến mảnh đất hình chữ S thi đấu để kiếm tiền nên không muốn để ý đến những điều “râu ria” khác.

Nhưng ở Việt Nam càng lâu, các cầu thủ ngoại càng nhận ra rằng, không phải chỉ tập luyện chăm chỉ, ra sân thi đấu nhiệt tình là có thể chắc chắn giữ được chỗ đứng ở CLB. Muốn tồn tại, ngoại binh buộc phải làm quen với những điều “trời ơi, đất hỡi” bên ngoài sân cỏ.

Trong bóng đá, không phải ngẫu nhiên có khái niệm sân nhà, sân khách. Việt Nam đối với các cầu thủ ngoại rõ ràng là “sân khách” và nếu không cẩn thận, hoàn toàn có thể bị “chủ nhà” bắt nạt.

Chuyện kể rằng, một tiền đạo ngoại vốn có số má ở đội bóng của mình, nhưng từ khi ông chủ quyết định chiêu mộ một chân sút bản xứ lừng danh thì nhanh chóng mất đi vị thế độc tôn. Thời gian đầu, do còn tự tin vào tầm quan trọng của mình nên tiền đạo Tây ấy tỏ ra bất hợp tác với đồng đội mới, thậm chí đã có những màn cãi cọ ngay trên sân tập.

Nhưng rồi mọi thứ được giải quyết khá nhanh chóng. Một buổi sáng, tiền đạo nội kia gõ cửa phòng người đồng đội “không biết điều” để… tâm sự: “Anh chỉ là một ngoại binh còn tôi là ngôi sao số má ở đất nước này. Anh có làm gì thì đội bóng cũng không thể gạt bỏ tôi. Còn tôi, tôi đủ sức làm anh mất chỗ!”.

Nghe cũng khá… hợp lý nên tiền đạo ngoại kia đã chấp nhận xuống nước để rồi từ thời điểm ấy, anh ta hài lòng đóng vai phụ với niềm tin vào lời hứa của ngôi sao nội, rằng: “Nếu biết hợp tác thì chỗ đứng của anh sẽ được đảm bảo, tất nhiên là bên cạnh tôi!”.

Ngoài những lời “cảnh cáo” như trường hợp kể trên, còn vô số cách để nội binh “dạy dỗ” ngoại binh. Dù ấm ức nhưng đa số ngoại binh đều chấp nhận, bởi họ hiểu rằng, muốn tiếp tục tồn tại và kiếm tiền ở “thiên đường”, thì buộc phải xuôi theo chiều gió. Bóng đá là môn thể thao tập thể nên nếu không được các đồng đội bản xứ yêu quý, thì ngoại binh sẽ sớm trở nên lạc lõng và vô dụng trên sân bóng.

SỢ CÁC BÓNG HỒNG
Đa số các cầu thủ ngoại đến Việt Nam thi đấu đều ở trong cảnh “lính phòng không”. Vì nhiều lý do nên ngay cả những người đã có gia đình đều không đưa vợ con sang mảnh đất hình chữ S. Vì vậy, khi cô đơn họ thường tìm đến những tụ điểm vui chơi giải trí để rồi sau đó, “bắt” được không ít bóng hồng ở đó.

Nhưng kiếm được thứ tình cảm chân thật, trong sáng là chuyện hiếm. Đi tới được cái kết có hậu là hôn nhân như Đinh Hoàng Max, Huỳnh Kesley thì càng hiếm hơn. Có ngoại binh sau một thời gian say đắm với vài cô gái bản địa đưa ra kết luận: “Họ đến với chúng tôi vì tiền!”. Mức thu nhập dành cho cầu thủ ngoại khá cao nhưng có vài trường hợp vì quá… dại khờ nên vô tình trở thành “mỏ vàng” bị đào không thương tiếc.

Đơn cử là trường hợp của tiền đạo Antonio Tavares. Anh này kiếm được kha khá tiền nhờ những màn trình diễn ấn tượng trong màu áo Hà Nội T&T nửa cuối mùa giải 2011. Nhưng thu nhập tốt như thế mà Tavares vẫn luôn trong cảnh “viêm màng túi”, đến nỗi không ít lần phải đi vay mượn của đồng đội.

Mãi sau này, người của Hà Nội T&T mới tìm ra nguyên nhân. Đó là do Tavares đã bị một cô gái “bỏ bùa” và luôn “dâng hiến” những đồng tiền mà mình vất vả kiếm được cho tình yêu, dù ở quê nhà, anh đã lập gia đình. Vì nghĩ cho Tavares nên trước ngày chân sút này về nước nghỉ phép, lãnh đạo Hà Nội T&T quyết định giữ lại một phần lớn lương thưởng của anh. Phải tới khi “trinh sát” báo cáo rằng Tavares đã làm thủ tục xuất cảnh, không bị bóng hồng kia theo đuôi thì CLB mới tiến hành chuyển tiền vào tài khoản để anh có thể thoải mái về “báo cáo gia đình”.

Henry Kisekka - tiền đạo người Uganda từng khoác áo Hòa Phát Hà Nội ở mùa giải 2011 thì từng có thời gian đôn đáo tìm bạn gái người bản xứ để… học tiếng Việt. Sau một thời gian, tiếng Việt của Henry chẳng tốt hơn là mấy nhưng “học phí” phải bỏ ra lại ngốn kha khá số tiền kiếm được từ đá bóng. Chân sút này vì… tiếc của nên cũng nhanh chóng chào tạm biệt giấc mơ học tiếng Việt của mình.

Trả giá bằng tiền bạc là chuyện khó tránh và đôi khi, điều này đúng nghĩa là học phí mà các ngoại binh phải bỏ ra để “khôn” hơn khi mưu sinh ở Việt Nam. Đau đớn hơn, có những người phải trả giá bằng chính sự nghiệp và cuộc đời mình. Trong quá khứ, nhiều ngoại binh bất ngờ khăn gói rời Việt Nam mà không một lời từ biệt khiến các CLB ngỡ ngàng. Sau đó, từ tiết lộ của một vài cầu thủ đồng hương với người đang “mất tích”, tất cả đều ngã ngửa khi biết anh ta đang sống với căn bệnh thế kỷ sau khi giao du với một vài “bông hồng có gai” trong những ngày ở Việt Nam…

Bongdaplus.vn