Khi các đội bóng đang rất cần một vị thuyền trưởng, một hạt nhân cho cuộc đại phẫu thì các HLV vẫn chờ lụt rồi mới bắt tay vào cuộc đàm phán. Bởi khi đó, tiền sẽ có nhiều mà mục tiêu lại thấp.
BẤT ĐỒNG TỪ KHI CHƯA HỢP TÁC
Sau thất bại ở vòng 2 Cúp QG, HLV Phạm Công Lộc cũng như đồng nghiệp Nguyễn Đình Hưng đều bị gây áp lực từ chức. Rõ ràng là thất vọng khi nhà vô địch bị biến thành cựu vương ngay sau 2 cú nhảy, còn đội bóng đất Cảng lần thứ 2 liên tiếp bị loại từ vòng ngoài.
Thực tế, cơ quan chủ quản của các vị “tướng” này đã tính và mở lời mời những người thay thế. Tất cả đã diễn ra một cách êm xuôi, nhưng mới chỉ dừng lại ở “thỏa thuận miệng”, chứ chưa hề có cam kết, càng không bao giờ có hợp đồng. Thế nên, cả N.SG và V.HP đều chỉ có dự bị mà chưa có người sẵn sàng thay thế. Vì vậy, tới thời điểm này, cả V.HP lẫn N.SG vẫn chưa có bất cứ sự thay đổi nào ở vị trí người cầm lái.
Ngay trên khán đài, rất nhiều CĐV của N.SG đã yêu cầu HLV Phạm Công Lộc từ chức. Còn những người ủng hộ V.HP cũng ghi chi chít trên các diễn đàn, với một nội dung nổi cộm: cần thay đổi từ người dẫn dắt đội bóng. Thực ra, điều này hoàn toàn có thể hiểu được, bởi bất cứ CĐV nào cũng nhận thấy bản sắc của đội nhà đã bị phai nhạt, thậm chí đã biến mất. Và rốt cuộc, hệ quả dẫn đến là tình yêu dành cho môn thể thao vua sẽ bị bào mòn, ngay cả ở những địa phương được coi là cuồng nhiệt hàng đầu với bóng đá.
Quyết thay HLV thì dễ, nhưng ai thay và khi nào thay mới là vấn đề lớn. Hầu hết các đội bóng đã bị loại khỏi Cúp QG, đầu tiên là B.BD rồi đến N.SG hay V.HP, đều mong muốn một cuộc thay tướng. Song, những đối tác của họ lại chưa gật đầu, dù đang được mời chào lương cao, bổng hậu. Thực tế, những nhà cầm quân khi được đưa vào tầm ngắm đều có chung một suy nghĩ: Đợi đội bóng “lụt”.
Nhờ vậy, những người thay thế sẽ dễ dàng được nhận chế độ đãi ngộ rất cao, mà mục tiêu của đội lại giảm xuống tối thiểu, đôi khi chỉ là trụ hạng. Nhưng tất cả đều hiểu, những HLV hội tụ đủ yếu tố để giải quyết khó khăn cho các đội bóng chỉ có thể được đếm trên đầu ngón tay. Và trong cuộc cạnh tranh của các đại gia, thì giá cả, chế độ hay quyền hành của các HLV này đều được tối đa hóa. Những tính toán này đều hợp lý, song thật sự, các CLB và HLV được “quy hoạch” để thay thế đã không có chung một mục đích, ngay từ trước khi hợp tác.
“AI THAY, THAY AI? NGÀY MAI MỚI NÓI”
Không giấu quyết định thay HLV trưởng, thậm chí tuyên bố đó chỉ là vấn đề thời gian, nhưng phần lớn các CLB đều giữ kín danh tính của những ứng viên thay thế. Như V.HP, họ đã liên hệ với HLV Calisto, nhưng cuối cùng lại không chịu nổi khoản chi phí lên đến cả triệu USD/năm cho nhà cầm quân người Bồ này. Sau đó, lãnh đạo đội bóng đất Cảng chuyển hướng sang bộ đôi Kiatisak - Dusit. Dẫu vậy, kế hoạch trên vẫn ẩn chứa sự mạo hiểm. Còn giải pháp Lê Thụy Hải được đánh giá cao nhưng các ông chủ lại không thích bởi trước đây, ông Hải đã “lơ” Hải Phòng để về dẫn dắt Thể Công. Tới thời điểm này, chỉ có cặp Vương Tiến Dũng - Nguyễn Văn Thịnh là “vẹn cả đôi đường”. Nhưng vấn đề là chưa ai dám mở lời.
B.BD và N.SG thậm chí còn khó khăn hơn cả, bởi tới nay, họ chưa có bất cứ đối tác tin cậy nào, và cũng chẳng có ai cam kết sẽ đầu quân cho họ một khi quyết định thay “tướng” được đưa ra. Trong trường hợp đó, lãnh đạo các CLB vẫn phải tin tưởng những vị tướng đương nhiệm dưới chiêu bài “kiên nhẫn thêm tý nữa”, song song với kế hoạch tiếp tục chờ đợi giải pháp khả thi. Thế nên, đến thời điểm này, các đội bóng đều nói mình có giải pháp thay thế khi cần thiết, nhưng “là ai, ngày mai mới nói”.
Bongdaplus.vn