Bong da

bong-da-trong-nuoc

Super League 2012: Nhà quan sát & quyền lực đen

Cập nhật: 11/01/2012 14:15 | 0

Một thời gian dài, các nhà quản lý bóng đá luôn tin rằng, ngoại binh là lực lượng tinh nhuệ và trung lập. Sự chuyên nghiệp giúp họ tránh được những màn đấu đá nơi hậu trường.


Vì điều này mà cầu thủ ngoại trở nên quan trọng và đáng tin trong mắt các HLV vốn bị ám ảnh bởi nạn bè phái. Thế nhưng, bây giờ nhận thức đó dường như lỗi thời khi các ngoại binh đã “tỏ đường đi lối về”.

1. Tại sao ban đầu các ngoại binh thường thích vai trò là “nhà quan sát” hơn là tham gia những màn đấu đá quyền lực nội bộ? Câu trả lời là các cầu thủ ngoại xác định đến Việt Nam để kiếm tiền, kiếm được càng nhiều càng tốt chứ không muốn quan tâm đến những điều thị phi ở đội bóng. Họ xác định đến Việt Nam trong một thời gian ngắn, coi đội bóng chỉ là bến đỗ tạm thời nên chẳng màng đến quyền lực, hoặc những cái gì na ná như thế. Thế nhưng, khi hiểu ra rằng, tại bóng đá Việt Nam, quyền lực và mối quan hệ nhằng nhịt sẽ mang đến tiền bạc thì họ thay đổi tư duy .
 
2. Vậy nên, ngoại binh ngày càng có xu hướng “tham chính” ở đội bóng. Tiếng nói của họ bỗng chốc trở nên quan trọng, bởi ngoài yếu tố chuyên môn, các cầu thủ ngoại rất đoàn kết nên nhất cử nhất động của họ đều có thể tác động đến thượng tầng. Thậm chí, các cầu thủ ngoại hiểu rằng, có quyền lực, phe cánh và biết cách tạo dựng vai trò không thể thay thế ở đội bóng, họ sẽ có cơ hội kiếm nhiều tiền.

Thời còn dẫn dắt SHB.ĐN và B.BD, HLV Lê Thụy Hải luôn va chạm với các ngôi sao ngoại. Nhiều lần ông tước quyền “miễn trừ” của họ. Mất đặc quyền, đương nhiên các ngôi sao vốn rất thích đề cao cái Tôi sẽ phản ứng quyết liệt. Có lần, Amaobi chạy thẳng lên phòng của một lãnh đạo cấp cao than phiền rằng “HLV làm khó tôi”. Lập tức, ông Hải bị xạc. Tất nhiên, ông Hải cũng không phải tay vừa khi chơi bài ngửa với lãnh đạo là hoặc “chọn tôi, hoặc chọn cầu thủ ông quý”. Dù nóng mắt với ông thầy cá tính, nhưng vì đại cục, lãnh đạo đội bóng đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Không phải ai cũng có cái gan dám bật lại lãnh đạo như ông Hải. Ngay cả bản thân ông Hải không ít lần phải nếm trái đắng vì nhận đòn “hồi mã thương”. Còn nhớ, sau mùa giải 2008, dù đưa B.BD lên ngôi vô địch nhưng ông Hải vẫn phải ra đi. Ít người biết rằng, lý do khiến lãnh đạo tự tin để trảm tướng tài là do các ngoại binh nhất tề tuyên bố, “nếu ông Hải ở lại chúng tôi sẽ đi”. Đương nhiên, lãnh đạo đội bóng vốn không có thiện cảm với ông Hải sẽ chọn các ngôi sao mà mình phải mất rất nhiều tiền để tuyển mộ.

3. Như đã nói ở trên, trước đây, các ngoại binh thường giữ thái độ trung lập trước những vấn đề nội bộ của đội bóng. Thế nhưng, khi có được tiếng nói, hòa mình một cách triệt để với môi trường bóng đá Việt Nam, các ngoại binh vốn thừa sự láu lỉnh đã rất biết khẳng định lực và sử dụng quyền của mình. Và một khi họ lên tiếng thì lãnh đạo đội bóng buộc lòng phải cân nhắc thiệt hơn. Chẳng thế mà HLV Vương Tiến Dũng đã trụ được ở Hải Phòng, mảnh đất dữ dằn với bất cứ HLV nào trong một thời gian dài. Ngoài việc nhận được sự ủng hộ của NHM, các trụ cột đội bóng, ông Dũng còn chiếm trọn được lòng tin của “đại công thần” Leandro. Nhiều lần được lãnh đạo đội bóng thăm dò “thay hay không thay”, Leandro - báu vật của lãnh đạo V.HP đã thẳng thừng tuyên bố: “HLV Vương Tiến Dũng là người cha của chúng tôi”. Vì thế dù rất muốn đổi vận, nhưng lãnh đạo đội bóng vẫn đành phải nhún nhường.

Bongdaplus.vn