Nhà môi giới Trần Tiến Đại khuyên các cầu thủ: “Nếu cảm thấy hợp đồng hợp lý thì hãy ký ngay bởi tình hình hiện tại không cho phép lưỡng lự”. Điều đó cho thấy tình hình kinh tế đang tác động mạnh đến cách nhìn nhận cầu thủ của các ông bầu.
Nhiều cầu thủ bị trục trặc hợp đồng cho rằng các đội bóng chơi chiêu ép giá. Chẳng có thời điểm nào ép giá tốt hơn khi giờ đăng ký cho Super League đến gần. Đó là thời điểm mà không cầu thủ nào dám mạo hiểm với tương lai của chính mình. Sau một thời gian thử việc, nhiều cầu thủ đã đàm phán và thống nhất với đội bóng về mức giá chuyển nhượng cũng như tiền lương. Tuy nhiên, đến giờ cuối, nhiều cầu thủ lại được đề nghị giảm tiền chuyển nhượng. Bản hợp đồng của Sỹ Mạnh kéo từ mức 3,6 tỷ đồng, xuống 2,5 tỷ rồi 1,7 tỷ đồng và cuối cùng, vụ chuyển nhượng trên đổ bể vì Sỹ Mạnh cho rằng Thanh Hóa đã “chơi xấu” với mình. Như Thành không ở lại CLB bóng đá Hà Nội để quay lại với Vissai Ninh Bình cũng vì cho rằng mức chuyển nhượng không tương xứng với anh.
Tất nhiên, cũng may vì họ còn có đường lùi. Một số cầu thủ ngoại như Olushola, Opara…không chấp nhận bị ép và nhiều khả năng họ sẽ phải ngồi ngoài hết giai đoạn 1 của Super League 2012.
Tất nhiên, cũng có những cách khác để giải bài toán tiền chuyển nhượng, Sài Gòn FC đã đưa ra phương án trả chậm. Theo đó, giả sử Quang Thanh đầu quân cho Sài Gòn FC, anh cũng sẽ nhận 7 tỷ đồng (trong đó có 6 tỷ đồng trả lại cho Becamex Bình Dương), 1 tỷ đồng để anh cầm trước và số còn lại khoảng 4 tỷ đồng CLB sẽ là trả dần.
Cũng cần phải nói nhiều ông bầu không muốn ép. Họ hiểu rất rõ rằng, lấy cầu thủ bằng mọi giá để rồi, có sự không hài lòng thì cũng khó tìm tiếng nói chung trong sự hợp tác lâu dài. Nhưng do triển vọng làm ăn không sáng sủa khiến họ lưỡng lự không quyết.
Bongdaplus.vn